Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 12,405
Hàng chục băng rôn xanh đỏ trên cổng trường ĐH mời chào các khoá học kỹ năng xin việc, làm việc hiệu quả, giá từ vài trăm ngàn đến vài trăm đô. Hiệu quả đến đâu, hay đây là trò phù phép của các DN nhằm vào một thị trường tự dưng màu mỡ đến kỳ lạ?
Lớp học bóng bay và sữa chua
Lớp học buổi tối, tầng 4, có khoảng 50 người ngồi thành vòng tròn. Thầy V một ông tiến sĩ béo và lùn, đứng giữa. Ông đang bắt đầu bài giảng về kỹ năng quản lý. Sau 15 phút múa may bằng đủ điệu bộ (gây cười nghiêng ngả cho học viên), ông chuyển sang màn...bịt mắt ăn sữa chua và chọc vỡ bóng bay của đối thủ. Các học viên chỉ khoái mỗi việc là...được ăn và chơi. Thế là căn phòng ngay lập tức thành cái chợ. Cứ người này đi tìm bóng của người kia để chọc nổ, rồi khư khư ôm bóng của mình. Người này mắm môi mắm lợi đút sữa chua vào miệng người kia. Khi sữa hết, bóng đã vỡ cả, thầy kết luận: đó là kỹ năng quản lý, cũng phải khéo léo và kiên nhẫn như 2 trò chơi này!!!
Nguyên một buổi học kỹ năng của công ty đào tạo V.T. Không lý thuyết, chẳng ghi chép. Học viên đổ đến đông nghịt vì nghe người nọ nói với người kia rằng thầy này dạy nhắng cực! Không biết cuối cùng thì kỹ năng thu được là cái gì, nhưng học viên cũng khoái vì được cười thả phanh, chơi và ăn rất vui. Một học viên trả lời hồn nhiên: Thì có kỹ năng gì đâu, giống như mình bỏ tiền mua xèng vào chơi điện tử, vui vẻ là được!
Điểm yếu của SV = Thị trường để ngỏ
Cách đây vài năm, những khoá học về kỹ năng bán hàng hiệu quả (của phòng Thương mại và Công nghiệp VN), kỹ năng xử lý các công việc văn phòng, kỹ năng xin việc (của ĐH Ngoại Ngữ HN), kỹ năng nghe và thuyết trình, kỹ năng hội thảo, kỹ năng lãnh đạo...làm người ta tò mò. Nghe ra có vẻ Tây- Đức Thành, SV khoa Tiếng Anh ĐH Ngoại Ngữ cho biết Chúng tôi cảm giác những khoá học như vậy sẽ mang đến cho SV kỹ năng thiết thực, theo một phương pháp giảng dạy mới mẻ, hiện đại chứ không khô cứng và toàn lý thuyết như trên giảng đường. Chúng tôi sẽ có điều kiện rèn luyện khả năng cọ xát cuộc sống trước khi ra trường và bước vào thực tế công việc... Ban đầu, những cái gọi là khoá học thực ra chỉ là 1-2 buổi toạ đàm, nói chuyện. Khi thì khách mời là một ông giám đốc nhân sự, một nhân viên văn phòng thành đạt, một người vừa apply được vị trí khá cao, khi lại là một chuyên gia tâm lý giáo dục. Vậy là cuộc toạ đàm chỉ mang tính trao đổi về những điểm yếu, điểm mạnh, về một số câu chuyện văn phòng căn bản, đủ để SV tham dự hình dung ra: cuộc sống thực tế và yêu cầu ở một cơ quan không tròn trịa, đơn giản như họ vẫn mơ tưởng.
Nhưng khi đánh hơi thấy nhu cầu của SV về việc học kỹ năng thực tế tăng cao đột biến, thì các doanh nghiệp tư nhân bắt đầu chạy đua. Những khoá học không dừng lại ở ngày một, ngày hai mà kéo dài đến cả tháng với những kỹ năng được chia nhỏ và cụ thể hoá bằng những hoạt động chơi, nhảy múa và giao lưu. Một cách kết hợp học và thư giãn tốt. Song khi những khoá học này trở thành công cụ kinh doanh sinh lời với học phí khá cao thì SV - đối tượng khi đi xin việc thường bị nhắc nhở về điểm yếu là thiếu kỹ năng - sẽ nhanh chóng trở thành những con cừu non bị chăn dắt một cách dễ dàng.
Đói kỹ năng, SV tất nhiên sẽ tò mò và thử tham gia các khoá học kỹ năng mà doanh nghiệp quảng cáo. Kết quả là doanh nghiệp hầu như chỉ tốn tiền chè thuốc và thu lợi nhuận không nhỏ, còn SV thì sau vài buổi vui chơi, trao đổi, lại ra về tay trắng!
Học kỹ năng, học bao nhiêu cho đủ?
Tôi đã từng mất 30 USD để tham gia khoá học kỹ năng thuyết trình của một công ty đào tạo. Trong 5 buổi học, có 1 thầy giáo chuyên giảng về lý thuyết. Ông sử dụng máy chiếu cho chúng tôi xem những nguyên lý về thuyết trình. Nhưng sau này tôi mới biết rằng tất cả nguyên lý đó nằm vỏn vẹn trong cuốn sách nhỏ của Nhà Xuất bản trẻ với giá 15 ngàn đồng. Đến buổi học thứ 3, chúng tôi được làm quen với một người giới thiệu là giám đốc marketing một công ty, sẽ áp dụng lý thuyết và thuyết trình cho chúng tôi nghe, để chúng tôi tập theo. Nhưng cuối cùng, 3 buổi học đó biến thành giờ giải lao, buôn chuyện bét nhè và kết quả là...cả lớp đi uống bia! Đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu rằng mình đã học được kỹ năng gì từ khoá học đó! - Linh Dung, SV Dân lập QLKD tâm sự. Một học viên khác thì kể rằng: gọi là khoá học kỹ năng bán hàng giá rẻ, nhưng thực ra chỉ nhắc đến kỹ năng đó trong 15 phút đầu, tiếp theo là một màn quảng cáo rầm rộ sản phẩm và cho SV đi tham gia các gian hàng, mua hàng trong hội chợ - đó là cách công ty S.Q tổ chức khoá học chỉ với giá 99 ngàn đồng của mình!
Bạn hoàn toàn có thể tham gia các buổi toạ đàm, sinh hoạt câu lạc bộ SV với mức phí chỉ vài ngàn đồng/ buổi, hoặc tận dụng những cơ hội giao lưu, trao đổi miễn phí về kỹ năng chuyên sâu do các cơ quan thuộc bộ, ngành tổ chức miễn phí, khách mời là các lãnh đạo quen thuộc mà bạn đã biết...Tại đó, bạn tự sàng lọc những thông tin bổ ích cho riêng mình. Ngược lại, nếu bạn quá kỳ vọng vào những khoá học cả trăm đô, để nắm bắt về một kỹ năng tương lai nào đó, chắc chắn bạn tốn tiền vô ích. Vì kỹ năng thực tế, không thể dạy được đầy đủ ở một khoá học cao cấp nào. Nó chỉ có được khi bạn biết tự tích luỹ theo kiểu mưa dầm thấm lâu mà thôi
Source: (Theo SVVN)
Please sign in to perform this function