|
Học sinh đang đặt câu hỏi đến ban tư vấn trong chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” năm 2007 do Báo NLĐ tổ chức tại Nha Trang
|
Hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh đã được đưa vào chương trình bậc trung học nhưng thực tế nhiều nơi chỉ dạy qua loa, có nơi mới bắt tay vào làm còn nhiều lúng túng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nguyễn Thiện Tâm, sở thích: đọc sách, chơi game, du lịch; ước mơ: làm môi giới chứng khoán... Đó là một trong hàng trăm học sinh với hàng trăm sở thích nghề nghiệp khác nhau trong tập san nghề nghiệp thuộc chương trình giáo dục hướng nghiệp tại Trường THCS Lê Lợi, quận Tân Phú - TPHCM. Hiện nay, học sinh 13 lớp 9 của trường đã được khảo sát ước mơ nghề nghiệp. Sắp tới trường sẽ kiểm tra khả năng phù hợp ngành nghề của học sinh... Sau đó họp phụ huynh và tư vấn cho học sinh, tránh việc áp đặt nghề nghiệp của gia đình.
Hướng nghiệp ngay từ lớp 9 Tại trường này, mỗi tuần có một tiết hướng nghiệp, giáo viên của trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp chia mỗi lớp thành 4 nhóm để dạy. Ngoài việc tổ chức dạy theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TPHCM, giáo viên còn tổ chức cho học sinh được bày tỏ sở thích nghề nghiệp của mình và hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu các thông tin về lĩnh vực mình yêu thích. Với cách làm này, tiết hướng nghiệp đã trở nên sinh động không còn xơ cứng như chương trình sách giáo khoa.
Trường THCS Lê Lợi là nơi đầu tiên có cách dạy học sáng tạo như trên, hiện mô hình này đang được triển khai đến các trường THCS trong quận. Bà Hoàng Thị Hồng Hải, Trưởng Phòng Giáo dục quận Tân Phú - TPHCM, cho biết tất cả các trường THCS trong quận đang khảo sát sở thích nghề nghiệp để tư vấn cho học sinh. Theo bà Hải, hướng nghiệp cho học sinh càng sớm càng tốt. Điều này sẽ giúp các em sớm định hình được nghề nghiệp.
Thiếu lực lượng tư vấn chuyên nghiệp Trong khi quận Tân Phú đang có cách làm mới thì tại nhiều nơi khác, việc hướng nghiệp cho học sinh chủ yếu chỉ dựa vào giáo trình, thậm chí dạy cho có. Bà Lã Thị Thanh Phương, Trưởng Phòng Giáo dục quận 10, cho rằng mặc dù các trường có tổ chức cho học sinh đi tham quan các công ty, xí nghiệp sản xuất, nhưng điều đó cũng chỉ là hình thức, trong khi giáo dục hướng nghiệp cần phải chuyên nghiệp hơn. Theo bà, giáo dục hướng nghiệp hiện chưa tìm được lối ra.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM, giáo dục hướng nghiệp mặc dù đã có trong chương trình trung học nhưng không đánh giá qua thi cử, do vậy nhiều trường chỉ dạy qua loa. Từ đó dẫn đến việc nhiều học sinh chọn nghề nhưng thậm chí chưa hiểu gì về ngành nghề mình đã chọn.
Thêm vào đó, nhiều trường hiện đang rất thiếu lực lượng tư vấn chuyên nghiệp. Tại các trường phổ thông, hầu hết giáo viên chủ nhiệm làm công tác tư vấn nhưng lại không được đào tạo chuyên nghiệp. Các trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp có nhiệm vụ hướng nghiệp cho học sinh nhưng lại hoạt động chắp vá, lực lượng tư vấn vừa yếu lại vừa thiếu. “Để công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh thực hiện tốt, cần phải đào tạo lực lượng tư vấn chuyên nghiệp và phải có cơ chế đánh giá” – ông Hiếu nhận xét.
ÔNG PHẠM HOÀN VŨ, CÁN BỘ TRUNG TÂM KỸ THUẬT TỔNG HỢP HƯỚNG NGHIỆP QUẬN TÂN PHÚ:
Định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh
Hầu hết học sinh chưa tự đánh giá khả năng của mình, chưa định hướng cho mình một nghề nghiệp rõ ràng, nếu gia đình có định hướng cũng chỉ theo nghề nghiệp truyền thống của gia đình. Do vậy, ngay cả học sinh lớp 12, trong các buổi tư vấn tuyển sinh do các báo tổ chức, các em vẫn hỏi những câu rất ngây ngô. Nếu được định hướng nghề nghiệp sớm, học sinh sẽ tìm được con đường cho mình.