Học MBA, thạc sĩ quản trị kinh doanh, đang là một xu hướng của nhiều người. Học ở nước ngoài phải nói là khó khăn, nhưng cũng... rất dễ. Nếu nói không ngoa thì hầu như người Việt nào ra nước ngoài học MBA cũng thành công: đi cử nhân mà về là thạc sĩ.
Đó là nhận định chung của nhiều bạn đã hoặc đang học MBA ở nhiều nước khác nhau như: Anh, Mỹ, Canada, Australia, Singapore, Thái Lan...
Loại bỏ yếu tố tài chính ảnh hưởng đến quá trình học ở nước ngoài, một vài kinh nghiệm sau đây chia sẻ với các bạn có ý định sẽ học hoặc chuẩn bị lên đường ra nước ngoài học bậc MBA.
Tất cả giáo trình giảng dạy đều bằng tiếng Anh và giảng viên giảng bài cũng bằng tiếng Anh. Nhưng tiếng Anh ở đây phần lớn được sử dụng theo Anh văn thương mại, gồm nhiều từ, cụm từ và cấu trúc câu được thể hiện trong môi trường kinh doanh. Tốc độ giảng bài cũng như quá trình thực hiện các bài tập tình huống diễn ra rất nhanh trên lớp.
Gần như lớp được giảng dạy theo tiêu chuẩn cho những người đã từng đi làm việc trên 3 năm, càng nhiều kinh nghiệm làm việc thì việc học sẽ trở nên càng hữu ích. Nếu bạn từng làm việc trong các công ty hay tập đoàn nước ngoài, đa quốc gia sẽ là một lợi thế lớn. Vì vậy, các vấn đề được nêu ra trong suốt quá trình học sẽ được các sinh viên và giảng viên thảo luận rất gay cấn và mang tính thuyết phục cao.
Các lý thuyết về kinh tế mà bạn đã được giảng dạy ở bậc đại học sẽ không được nhắc lại. Giảng viên lớp MBA xem các kiến thức đó là bạn phải thuộc “làu làu” vì họ sẽ giúp bạn phát triển ý tưởng cũng như giải quyết tình huống ở mức độ cao hơn, sâu hơn, rộng hơn dựa trên những lý thuyết căn bản đó.
Thường thì những vấn đề được mổ xẻ trong lớp mang ý nghĩa rất sâu và rộng mở, đó là những vấn đề mang tính toàn cầu chứ không chỉ hạn hẹp trong phạm vi một quốc gia hay một thị trường cụ thể nào.
Không khí buổi học trong lớp MBA mà tôi từng tham gia là một không khí mở. Nghĩa là mọi người đều phải cùng đóng góp ý kiến với nhau, cùng đặt câu hỏi, cùng trả lời để giải quyết và mở rộng vấn đề ra.
Lớp thường tổ chức các nhóm nhỏ để thảo luận với nhau, sau đó thuyết trình vấn đề kèm theo các giải pháp của nhóm trước lớp (thường sử dụng phần mềm powerpoint), trong đó giảng viên sẽ rất chú trọng đến khả năng thuyết trình và trả lời câu hỏi của từng cá nhân. Nếu bạn là người rụt rè, ngại giao tiếp, ngại đặt câu hỏi và ứng xử không linh hoạt xem như thất bại khi học MBA.
Giáo trình để học và nghiên cứu thường không bị bắt buộc. Tuy nhiên, giảng viên sẽ giới thiệu cho các bạn những tài liệu tham khảo thiết thực nhất, có chọn lọc, nội dung được nhiều người quan tâm mà có liên quan đến môn học. Bạn nghiên cứu càng nhiều tài liệu ở thư viện, trên mạng và tìm nhiều thông tin thiết thực, chính xác thì bạn càng được đánh giá cao và những bài luận của bạn sẽ đạt điểm cao.
Chuẩn bị để học tốt
Điều đầu tiên là cần xác định rõ mục tiêu học MBA của mình là gì, vì bằng cấp hay để tăng lương, để có được học vị hay để mở rộng thêm kiến thức của mình? Chuẩn bị kiến thức và các lý luận nền tảng về kinh tế thật vững chắc. Vốn tiếng Anh thật tốt, bao gồm tất cả các kỹ năng nghe, nói, đọc và viết.
Đồng thời cũng cần thông thạo các phần mềm vi tính thông dụng như MsWord, MsPowerpoint. Không ngại chuyện đặt câu hỏi, không ngại mình suy nghĩ đúng hay sai, sẵn sàng chia sẻ hiểu biết, thông tin của mình đến với mọi người.
Cần phải có riêng cho mình 1 chiếc máy tính xách tay để sử dụng trên trường, trong lớp hay đi làm bài nhóm. Nếu có được 1 máy chụp hình kỹ thuật số cá nhân thì sẽ tốt hơn, vì có khi bạn sẽ sử dụng để ghi lại những hình ảnh thực tế mà có liên quan hay làm tăng khả năng thuyết phục bài thuyết trình của bạn.
Tập tính kiên nhẫn, chịu khó, ham tìm tòi, học hỏi không chỉ trong sách vở, tài liệu, trên mạng mà còn phải biết cách tìm hiểu, vận dụng với thực tế tại xã hội mà mình sẽ học tập tại đó.
Độ tuổi thích hợp nhất để học tốt chương trình MBA là từ 25 tuổi trở lên, với ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc. Bạn không nên học MBA khi vừa mới tốt nghiệp cử nhân hay kinh nghiệm làm việc còn ít.
Học MBA ở nước ngoài không khó, cái khó là bạn hiểu được và thực hành đúng phương pháp học mà thôi.