Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 11,398
Nguyễn Quỳnh My vừa học xong năm thứ hai tại trường Williams College bang Massachusetts. Được nhận học bổng toàn phần cho cả phổ thông và ĐH tại các trường nổi tiếng nhất ở Hoa Kỳ, My chia sẻ những kinh nghiệm quý báu qua bài viết này.
Trước đây, mình học ở trường Ams từ lớp 6 đến lớp 11, sau đó được học bổng toàn phần của trường Suffield Academy (bang Connecticut) và sang học nốt năm cuối rồi tốt nghiệp trung học. Quá trình xin vào trung học và ĐH tại Mỹ đối với mình thực sự là một “cuộc chiến”. Nhưng qua đó, mình đã học hỏi được rất nhiều điều.
Học bổng toàn phần tại trường trung học Suffield Academy
Sau chuyến đi Oregon theo chương trình học bổng của Ams trong 6 tuần hè 2001, mình rất ấn tượng với giáo dục cấp trung học tại Mỹ. Trở về trường Hà Nội-Amsterdam, mình tiếp tục học lớp 11 chuyên Anh và bắt đầu tìm tòi để xin vào ĐH bên Mỹ.
Cùng trong năm đó, trường trung học tư thục Suffield Academy ở tiểu bang Connecticut lần đầu tiên đến Việt Nam đã đến trường Ams với ý định tuyển sinh.
Chuyện tuyển sinh HSVN đối với bậc trung học tại một trường tư ở Mỹ rất hiếm, và tại thời điểm đó, mình mới chỉ nghe nói Taft ở Connecticut là trường đầu tiên và duy nhất tuyển sinh kiểu như vậy. Thế nên, mới đầu mình nghĩ Suffield chỉ “đi chơi” và “thử” xem chất lượng HSVN thế nào thôi. Nhưng mình thấy đây là một cơ hội rất tốt để chuẩn bị xin vào ĐH vì các mẫu đơn xin học (application) của Suffield khá giống với các trường ĐH khác (bao gồm essays, giới thiệu của thầy cô, điểm thi TOEFL…).
Mình phỏng vấn 2 lần với người tuyển sinh của Suffield lúc đó là Bryson Tillinghast, cũng là cựu HS Suffield trước đây, và cũng đã học được nhiều kinh nghiệm phỏng vấn. Bryson có nói với mình là chuẩn bị làm đơn xin học (application) và gửi sang Suffield trước cuối tháng 1.
Mình nghĩ là cơ hội mong manh lắm, vì trường tư của Mỹ không phải thành lập với mục đích “cho không” như các trường công, thế nên học phí của những trường tư tốt cũng phải lên tới $30,000/năm. Trong khi đó, mình lại nộp đơn xin cả trợ cấp tài chính nữa, mà đọc qua trang web của trường (www.suffieldacademy.org) thấy người ta chỉ có chính sách hỗ trợ HS Mỹ thôi.
Nhưng mình đã thử sức và quá trình nộp đơn vào Suffield cũng khá khó khăn vì mình phải viết các bài tiểu luận (essays), yêu cầu bên Oregon trước đây gửi điểm thi SLEP, rồi xin thầy cô viết giấy giới thiệu, và Ban giám hiệu chứng nhận bảng điểm bằng tiếng Anh, rồi làm chứng nhận lương của bố mẹ.
Đây là lần đầu tiên làm đơn xin học, và mình cũng là một trong những người đầu tiên nộp đơn vào trường trung học tư thục nên cũng không biết nhiều HS trước có kinh nghiệm tương tự để học hỏi. Cuối cùng, cũng làm xong trước hạn nộp đơn 3 tuần và gửi đơn qua Viện Giáo dục Quốc tế (IIE).
Đơn xin học bị lạc, vì mãi mà bên kia không nhận được. Mình lo lắng lắm vì trong đấy toàn giấy tờ bản gốc, nếu mất chắc là không còn cơ hội làm lại kịp với ngày hết hạn của quá trình nộp đơn. May mắn là cuối cùng Suffield cũng nhận được application của mình; mình vừa lo lắng vừa nuôi chút hy vọng. Được Suffield nhận vào cuối tháng 3, nhưng mình bị đưa vào danh sách dự bị (waitlist) để đợi trợ cấp tài chính vì trường lúc đấy chưa có kinh phí. Có lẽ một ngày cuối tháng 4 là ngày hạnh phúc nhất khi trường thông báo mình đã nhận được học bổng toàn phần trị giá $29.500.
Qua suốt quá trình nộp đơn vào Suffield và chờ đợi, mình học được nhiều điều, nhất là sự kiên nhẫn. Ngày nào mình cũng muốn viết thư cho Suffield hỏi xem có kết quả chưa, nhưng phải tự kiềm chế, vì nghĩ là người ta còn phải lo trả lời hàng nghìn trường hợp khác. Đến khi nộp đơn vào trường ĐH, mình gặp nhiều thuận lợi chính là do đã có kinh nghiệm nộp đơn vào trung học ở Mỹ.
Quá trình nộp đơn vào các trường ĐH
Tại Suffield, có một giáo viên chịu trách nhiệm tuyển sinh (college counselor) rất tốt. Bà khuyên mình là không nên dùng hình thức Early Decision vì mình lúc đấy (cuối tháng 10) chỉ có mỗi bảng điểm học kỳ I ở Suffield (Suffield học 3 kì một năm) và mới thi có TOELF và SAT I. Thêm vào đó, mình chưa được đi thăm nhiều trường ĐH trong danh sách của mình nên không biết thích nhất trường nào.
Học ở Suffield rất căng thằng vì chương trình học ở trường tư tại Mỹ cố gắng tạo môi trường gần giống như một trường “liberal arts” khá tốt. Thế nên mình hầu như không có thời gian chuẩn bị cho SATs cũng như làm đơn xin hoc.
Mình nộp đơn đến tất cả 13 trường, trong đó nhiều trường đòi thêm các bài luận bổ sung (supplementary essays) nên chủ yếu là viết rất vội, không có điều kiện sửa chữa nhiều. Sau này,nghĩ lại mới thấy là nếu biết trước các supplemental essays này để viết tạm hoặc suy nghĩ trước lúc sang Mỹ chắc kết quả sẽ khá hơn.
Có lẽ là mình được các giới thiệu của thầy cô và bảng điểm gỡ gạc lại, vì điểm SATs không phải loại ngang ngửa khi nộp đơn vào những trường Liberal Arts College hàng đầu hay vào các trường ĐH trong Ivy League như Harvard, Yale. Phần khác, chắc cũng do gây được cảm tình trong khi phỏng vấn với cán bộ tuyển sinh khi mình đi thăm các trường.
Mình thăm được khoảng 20 trường ĐH, một số sau khi mình đã nộp đơn, và cũng không thăm được hết 13 trường đã gửi đơn. Thế nhưng mình thực sự ngạc nhiên bởi chắc là sẽ nộp đơn vào những trường khác nếu chỉ nhìn vào brochures hay trang web của họ, vì đúng là “trăm nghe không bằng mắt thấy.”
Có đến được thăm tận campus, tiếp xúc với HS, mới có thể nhận định được rõ hơn đấy có phải là trường dành cho mình không. Chính vì thế mà mình đã thay đổi trường số 1 (trước đây là Columbia ở New York), hay đúng hơn là tại thời điểm ấy (tháng 1) mình không có mục tiêu số 1: trường nào cho nhiều tiền hơn thì đi. Rất may mắn là trường về sau cho mình nhiều hỗ trợ tài chính nhất cũng là trường trong số những trường mình thích nhất.
Là một SV quốc tế ở Williams, mình được trường cho trợ cấp tài chính toàn phần và tiền vé về Việt Nam hàng năm. Mỗi học kỳ cũng được cho thêm tiền sách mặc dù trường có riêng một thư viện cho HS mượn sách miến phí, cuối năm trả lại. Williams tuy có vị trí không náo nhiệt và vui như các thành phố lớn như New York, Boston, nhưng theo mình là một môi trường học tập rất tốt.
Mình đã có một thời gian “đấu tranh tư tưởng” khi lựa chọn giữa University và liberal arts college, nhưng mình chắc là đã có lựa chọn đúng vì thích học lớp ít người, trong khi ở university thì chuyện học chung với một, hai trăm người là điều thường thấy. Ở Williams, điều mình thích và trân trọng nhất là rất dễ tiếp cận với giáo sư. Nhiều khi cũng thấy buồn cười vì có khi ở Williams mình còn thân với giáo sư hơn cả một số bạn bè.
Nộp đơn vào Williams khá cạnh tranh, nhưng theo mình, một hồ sơ xin học thành công vào Williams có ít nhất các điều kiện như tính sáng tạo, bài luận tốt, điểm học ở lớp cao, và điểm thi SATs tốt.
Williams rất coi trọng mối quan hệ cá nhân, nên nếu bạn thực sự quan tâm, hãy liên hệ với ban tuyển sinh của trường của trường để trao đổi thêm. Nên nhớ rằng họ cũng cần trả lời hàng nghìn email khác. Bạn có thể tìm hiều về Williams tại www.williams.edu. Chúc các bạn may mắn trong quá trình nộp đơn vào trung học hay ĐH tại Mỹ.
Source: (Theo VNN)
Please sign in to perform this function