Dù lần đầu tiên đi làm hay đã vài lần nhảy việc, không ít người bị căng thẳng thái quá khi phải trình diện cơ quan mới. Điều đó biến "lính mới" thành người thừa lúng túng khổ sở hoặc vấp phải thái độ xa cách, thậm chí gây ác cảm cho các đồng nghiệp.
"Quan trọng là biết tạo một tâm thế tự tin trong giao tiếp. Đó là nguyên tắc cơ bản để bắt đầu mọi mối quan hệ mang tính ngoại giao, công sở" - anh Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Thông tin Nguyễn, chia sẻ kinh nghiệm.
Từng làm quân cho cả doanh nghiệp Việt Nam lẫn nước ngoài, anh Hiếu cho rằng điểm yếu không chỉ của lính mới mà là của cả những người từng đi nhiều, gặp nhiều chính là sự mất tự tin tại những nơi đến giao dịch lần đầu.
Điều này khiến họ đôi khi không kiểm soát được hành vi và lời nói của bản thân. Từ đó dễ có cử chỉ thất thô hoặc phải mất nhiều thời gian để trấn tĩnh, đồng nghĩa với việc mất điểm trong mắt đối tác.
Tại công sở mới, nơi ấn tượng ban đầu quyết định nhiều đến mối quan hệ lâu dài với các đồng nghiệp sau này.
Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, trước hết hãy chuẩn bị trang phục thật kỹ càng để bảo đảm chúng giúp bạn tạo hình ảnh tốt.
Một bộ trang phục hợp lý không cần mới toanh và chải chuốt thái quá. Bạn hãy chọn bộ vừa vặn nhất, ưng ý nhất và trông gần nhất với môi trường làm việc ở cơ quan mới.
Cùng đó là tác phong đàng hoàng, thoải mái, mắt nhìn thẳng, đứng thẳng người, không cong lưng khi ngồi, hành động dứt khoát, nhanh nhẹn để chứng tỏ sự năng động, nhiệt tình.
Thêm vào đó dù không phải lúc nào cũng cười, song gương mặt tươi tắn của lính mới luôn khiến mọi người cảm thấy dễ gần. Điều quan trọng là làm sao để tất cả tự nhiên. Nếu không chính bạn đang gây áp lực mới cho mình.
Bạn cũng nên tránh những cử chỉ như luôn cụp mắt, ghé sát mặt vào người khác khi nói, rung đùi hoặc nghịch một vật gì đó trong tay khi nghe, không gây đổ vỡ các vật vì quá hấp tấp.