|
Cứ 10 học sinh tốt nghiệp THPT thì có 8 em muốn học lên. Trong ảnh: Thí sinh nộp hồ sơ thi ĐH, CĐ tại Sở GD-ĐT TPHCM.
|
Xu hướng chung của sinh viên, học sinh là tiếp tục học lên thay vì ra đi làm, vừa học vừa làm hoặc học nghề “Cứ 10 học sinh (HS) được hỏi thì có hơn 8 em muốn học lên ĐH, CĐ sau khi tốt nghiệp THPT, trong khi đó có chưa đến 1 em chọn học nghề”. TS Hồ Thiệu Hùng cho biết kết quả khảo sát 2.000 HS, sinh viên (SV) cả nước trong đề tài nghiên cứu “Nhận thức và thái độ của HS-SV về định hướng tương lai” do Viện Nghiên cứu Giáo dục cùng ông và Công ty Wrigley thực hiện.
Ngại ra trường Trong sự chọn lựa nói trên, trớ trêu là các trường ĐH, CĐ chỉ có thể tiếp nhận khoảng 3/10 HS dự thi. Trong khi việc lựa chọn học nghề chiếm tỉ lệ quá thấp thì các trường nghề lại mở rộng cửa với chỉ tiêu không hạn chế và tuyển sinh quanh năm. Và cán cân “thầy – thợ” trong thị trường lao động đang mất cân đối nghiêm trọng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy một xu hướng đáng ngại hiện nay, phần lớn SV (69,6%) muốn tiếp tục học lên sau khi tốt nghiệp. Tỉ lệ SV tốt nghiệp hệ CĐ chọn con đường ra đi làm ngay thấp cho thấy số SV có nguyện vọng học lên hoặc học liên thông rất nhiều. TS Nguyễn Kim Dung, Viện Nghiên cứu Giáo dục, cho rằng xu hướng này biểu thị sự ngần ngại, thái độ e dè chưa dám dấn thân vào đời của các em.
Điều này cũng phản ánh nhận thức sai lầm của nhiều người là nhà
tuyển dụng sẽ coi trọng những người có văn bằng bậc cao hơn và nhà trường cung cấp phần lớn kiến thức cần cho cuộc đời mình. TS Hồ Thiệu Hùng nhận xét: “Đây là quan niệm sai lầm vì các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng 75% kiến thức cần thiết trong cuộc đời của mỗi người là học được qua thực tế làm việc...”.
Về phương diện xã hội, xu hướng muốn học lên trong HS-SV đưa đến sự lãng phí về thời gian và nguồn lực cho bản thân, gia đình và xã hội.
Chỉ chăm bẵm việc học Phần lớn HS-SV (83,5%) cho rằng phải cố gắng học giỏi các môn học để chuẩn bị cho tương lai của mình. Điều này có thể hiểu HS-SV cho rằng cần tập trung học tập cao độ là kế hoạch tốt cho tương lai mà không chú ý đến kỹ năng sống. Các kỹ năng như có cá tính, có khả năng lãnh đạo, biết làm việc độc lập, biết tham gia các hoạt động xã hội, có niềm đam mê một lĩnh vực nào đó và có nhiều năng khiếu khác nhau không được HS-SV đánh giá cao. Trong khi đó, xu hướng của chương trình dạy học hiện đại từ lâu đã coi trọng kỹ năng, năng lực thực tiễn hơn là kiến thức.
TS Nguyễn Kim Dung cho biết thêm: Qua kết quả trả lời các câu hỏi mở của HS-SV, có thể thấy cách dạy và cách học hiện nay rất hạn chế khả năng cá nhân hóa việc học tập. Các hoạt động trên lớp với cùng một chương trình, tài liệu, nhịp điệu học tập... được tổ chức giống nhau cho tất cả HS trong lớp chỉ thích hợp cho một mục đích chủ yếu là cung cấp kiến thức.
Khi được hỏi về động cơ thúc đẩy học tập, 94% HS-SV cho rằng học để có sự hiểu biết rộng. Nhóm nghiên cứu đánh giá nếu xét về tính hướng nghiệp thì động cơ này khá mơ hồ. Đồng thời, hiểu biết chỉ là một điều kiện cần nhưng chưa đủ để có thể có việc làm tốt, trở nên giàu có, làm lãnh đạo... Một khi cả HS, phụ huynh, giáo viên và cán bộ quản lý cùng cho rằng hiểu biết là động cơ học tập quan trọng thì hiện tượng quá tải, quá thiên về lý thuyết trong giáo dục hiện nay cũng dễ hiểu.
Thiếu tính thực tiễn
HS-SV thường được giáo dục chung chung với những động cơ to lớn và cao cả mà thiếu tính ứng dụng, thiếu tính thực tiễn. Chính điều này làm HS chưa đủ tự tin thể hiện động cơ thực sự và chính đáng của mình. Đây là điểm thiếu sót của công tác hướng nghiệp, tư vấn học đường. Giáo dục chưa làm được công việc giúp người học trở thành người tự chủ và có thể thực hiện các kế hoạch của bản thân.
Theo nhóm nghiên cứu, qua phỏng vấn ở nhiều trường phổ thông, CĐ, ĐH, hình thức tư vấn, giáo dục hướng nghiệp hiện nay còn mang nặng tính hình thức, chưa chuyên nghiệp. Đội ngũ làm công tác định hướng nghề nghiệp cho HS thường là các giáo viên bộ môn kỹ thuật, vốn còn thiếu về số lượng và chưa bảo đảm về chất lượng.
Trong khi chưa có sự giúp đỡ một cách chuyên nghiệp từ nhà trường, trách nhiệm lại được đặt lên vai phụ huynh và HS. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng. Chính vì vậy, nhiều HS gặp khó khăn trong việc ra quyết định cho nghề nghiệp tương lai.
Tăng cường tổ chức sinh hoạt ngoại khóa
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp nhằm trang bị cho HS-SV những kỹ năng cần thiết để hoạch định tương lai như: Các trường dành thời gian nhiều hơn cho việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề, ngoại khóa; tập huấn cán bộ nòng cốt cho các câu lạc bộ kỹ năng của trường. Công tác tư vấn trong trường học cần được cải tiến và nâng cao chất lượng; lập trang web làm diễn đàn trên mạng cho HS-SV trao đổi ý kiến và được các chuyên gia tư vấn về việc chuẩn bị vào đời... |