Nếu bị người sử dụng lao động ngược đãi hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng nhân phẩm, danh dự, người lao động được nghỉ việc không cần báo trước.
Với quy định mới tại Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021), người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong 7 trường hợp. Bao gồm: người lao động khi không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận; không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; bị ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động.
Các trường hợp còn lại là bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; lao động nữ mang thai phải nghỉ việc; nghỉ hưu, người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động...
Nếu không thuộc 7 trường hợp trên, người lao động vẫn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng ít nhất 45 ngày với hợp đồng không xác định thời hạn. Người lao động báo ít nhất 30 ngày nếu hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; ít nhất 3 ngày với hợp đồng dưới 12 tháng. Riêng một số ngành nghề, công việc đặc thù, thời hạn báo trước theo quy định của Chính phủ.
Luật sư Kiều Anh Vũ cho biết Bộ luật Lao động mới đã mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động. Họ giờ đây được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do mà chỉ cần báo trước hoặc thậm chí không cần báo trước.
Song luật chỉ quy định về điều kiện chấm dứt hợp đồng chứ không cụ thể về trình tự, thủ tục. Khi thực hiện quyền này, người lao động cũng cần tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng việc tự củng cố chứng cứ liên quan và vẫn nên thông báo rõ với người sử dụng lao động.
Nếu người lao động không thông báo rõ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng mà tự nghỉ, họ có thể bị xem là tự ý bỏ việc không lý do và có thể rơi vào trường hợp bị sa thải (tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng) và quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng.
Không còn hợp đồng lao động mùa vụ
Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 đã bỏ nội dung về hợp đồng mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng mà Bộ luật Lao động 2012 quy định, thay vào đó chỉ còn hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Được ký hợp đồng xác định thời hạn nhiều lần với người cao tuổi
Điều 149 của luật mới cho phép người sử dụng lao động thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn với người cao tuổi thay vì kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới như trước đây.
Tăng thời giờ làm thêm theo tháng lên 40 giờ
Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 không cho phép số giờ làm thêm của người lao động quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày. Nếu áp dụng thời giờ làm việc theo tuần, tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ một ngày; không quá 40 giờ mỗi tháng; không quá 200 giờ một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ một năm.
Giờ làm theo tháng là điều khác biệt duy nhất về thời gian làm thêm giờ, tăng 10 giờ so với Bộ luật Lao động 2012.