NDĐT- Từ đầu năm tới nay, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Đến thời điểm 30-4, số người tham gia hình thức bảo hiểm này đã giảm 16 nghìn đối tượng so với năm 2019. Điều này dẫn tới những thách thức không nhỏ trong bảo đảm các mục tiêu về phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện trong năm 2020.
Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện lao đao vì đại dịch
Năm 2020 được coi là năm bản lề giúp việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện tăng tốc. Tuy nhiên, hiện nay dịch Covid-19 đang tác động mạnh đến kinh tế - xã hội của nước ta. Đại dịch cũng ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nói chung và BHXH tự nguyện trong năm nay.
Đây là thông tin được ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) chia sẻ trong chương trình giao lưu trực tuyến “Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trong dịch Covid-19” do Báo Nhân Dân phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức.
Đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội cho hay, phát triển mở rộng phạm vi bao phủ của BHXH là mục tiêu trước mắt và lâu dài để hướng tới BHXH toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người lao động. Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách BHXH, theo đó Trung ương đã đặt ra các mục tiêu.
Cụ thể, đến năm 2021, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Đến năm 2025, khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Đến năm 2030, khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 3-8-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH. Theo đó, Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ các tiêu chí, phương pháp xây dựng chỉ tiêu được nêu tại Nghị quyết để xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tại địa phương, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, đồng thời xây dựng kế hoạch để thực hiện chỉ tiêu đã đề ra.
Các chỉ tiêu phải bảo đảm như đối với BHXH bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tỷ lệ tổng số lao động tham gia chiếm ít nhất là 90% số đối tượng thuộc diện tham gia vào cuối năm 2019 và chiếm ít nhất là 95% vào cuối năm 2020. Đối với BHXH tự nguyện, tốc độ gia tăng đối tượng tham gia của năm sau ít nhất bằng 30% - 50% so với năm trước.
Tính đến hết năm 2019, cả nước có 15,8 triệu người tham gia BHXH, chiếm 32,2% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện là 574 nghìn người, chiếm 1,2% LLLĐ trong độ tuổi. Con số này đã giúp chúng ta hoàn thành kế hoạch sớm hơn một năm so với chỉ tiêu đặt ra đối với phát triển BHXH tự nguyện tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Tuy nhiên, ngay đầu năm 2020, trong quý 1 và quý 2, dịch Covid-19 có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống xã hội của nước ta. Các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, thực hiện giãn cách xã hội,… dẫn đến nhiều người lao động phải tạm thời nghỉ việc, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động,.. điều này tác động trực tiếp đến số lao động thuộc khu vực có quan hệ lao động tham gia BHXH bắt buộc. Đồng thời, người lao động thuộc khu vực phi chính thức cũng gặp nhiều khó khăn, bị giảm hoặc mất thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội.
Nguyên nhân này đã dẫn tới những thách thức không nhỏ trong việc bảo đảm các mục tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng trong năm nay.
Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 30-4-2020, số người tham gia BHXH khoảng 15,321 triệu người. Trong đó, con số tham gia BHXH bắt buộc là khoảng 14,76 triệu người, giảm 780 nghìn người so với thời điểm hết năm 2019. Số tham gia BHXH tự nguyện là khoảng 557 nghìn người, giảm 16 nghìn người so với hết năm 2019.
Ông Trần Chí Trung, Trưởng Ban Dịch vụ Tài chính - Bưu chính, VNPost (Ảnh: Duy Linh).
Ông Trần Chí Trung, Trưởng Ban Dịch vụ Tài chính - Bưu chính (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam - VNPost) cho hay, công tác triển khai phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở các địa phương của Bưu điện Việt Nam gặp không ít khó khăn khi gánh chịu những tác động của dịch Covid-19.
Hiện nay, kênh phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chính của Bưu điện Việt Nam là thông qua tổ chức hội nghị tuyên truyền. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, cũng như việc thực hiện nghiêm chỉnh về giãn cách xã hội theo Chị thỉ số 15 và Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, hình thức này bị đang bị gián đoạn. Do vậy, kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của Bưu điện Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng.
Tuy vậy, đại diện Vụ BHXH (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nhận định, những khó khăn trên đây là ngắn hạn. Cùng với việc từng bước kiểm soát được dịch bệnh ở trong nước và trên thế giới, những nỗ lực của Chính phủ trong khôi phục lại nền kinh tế, phục hồi sức khỏe của doanh nghiệp (DN) sau dịch bệnh, sự quyết tâm của các cơ quan tổ chức triển khai thực hiện chính sách, các chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH trong năm 2020 tiếp tục được giữ vững và phấn đấu hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân đầu tiên
Năm 2020 cũng là thời điểm đầu tiên triển khai Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21-11-2019 phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH (sau đây gọi tắt là Quyết định 1676). Theo đó, tháng năm được chọn là tháng vận động triển khai BHXH toàn dân.
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Ảnh: Duy Linh).
Đánh giá về hoạt động ý nghĩa này, ông Trần Hải Nam nhấn mạnh, triển khai tháng vận động triển khai BHXH toàn dân hằng năm là dịp để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, thu hút sự chú ý của các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức của người lao động và xã hội về những lợi ích của BHXH. Từ đó tuyên truyền, khuyến khích vận động nhân dân tham gia BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia BHXH cho người lao động.
Do tác động của dịch Covid-19, các hoạt động tuyên truyền cho Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân được thực hiện theo hướng tăng cường ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Cụ thể như, các hội nghị tập trung tổ chức trực tuyến, đẩy mạnh truyền thông qua các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, báo viết, các trang thông tin điện tử, fanpage, các trang mạng xã hội,…
Ông Trần Hải Nam cũng nêu rõ, theo Quyết định số 1676, một trong những mục tiêu về phương pháp tuyên truyền là “Kết hợp hài hòa giữa hình thức tuyên truyền thường xuyên với hình thức tuyên truyền theo chiến dịch, ưu tiên tuyên truyền theo chiến dịch trong giai đoạn thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách BHXH”, “gắn với việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách BHXH”.
Trong năm 2020, trên cơ sở đề xuất của BHXH Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ ban hành kế hoạch tuyên truyền BHXH giai đoạn 2020- 2025. Trong đó, sẽ cụ thể hóa các nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền trong giai đoạn sắp tới.
Đối với hoạt động truyền thông theo chiến dịch, sẽ tập trung vào các nội dung sửa đổi Luật BHXH dự kiến trình Quốc hội trong giai đoạn 2021-2022. Các cơ quan báo chí, thông tấn sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải những nội dung, thông điệp của chính sách. Đặc biệt là cung cấp góc nhìn đa chiều, phản ánh, tổng hợp ý kiến của người dân đối với những vấn đề đang được xem xét, dự kiến điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung. Từ đó, hướng tới một chính sách hoàn thiện, bảo đảm
bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mọi người dân.