Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 5,214
(NLĐO) - Để Luật BHXH đi vào cuộc sống thì ngoài quy định theo hướng hạn chế rút BHXH một lần cần kèm theo các giải pháp hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn
Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) kèm theo Tờ trình số 527/TTr-CP, Chính phủ đã đề xuất 2 phương án về chế độ BHXH một lần. Phương án 1: Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng chế độ BHXH.
Người lao động chờ làm thủ tục rút BHXH một lần tại BHXH quận 12, TP HCM
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, dự đoán số lao động làm thủ tục rút BHXH một lần thời gian tới đây sẽ tăng cao do thời điểm này năm ngoái người lao động xin nghỉ việc nhằm né sự thay đổi của Luật BHXH mới rất nhiều.
"Thời điểm đó, rất nhiều doanh nghiệp đã đề nghị Trung tâm Tư vấn pháp luật đến tuyên truyền để hạn chế tình trạng người lao động nghỉ việc để "chạy luật" nhằm tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Song tình trạng người lao động rủ nhau nghỉ việc vẫn diễn ra dù thực tế không hẳn là do họ gặp khó khăn" - ông Triều nói.
Từ thực tế đó, ông Triều đề xuất chọn phương án 1, chấp nhận "đau một lần rồi thôi" để chấm dứt tình trạng hưởng BHXH một lần, hướng người lao động đến việc tham gia BHXH lâu dài để hưởng lương hưu nhằm đảm bảo an sinh khi về già.
Đối với phương án 2, ông Triều cho rằng đây là giải pháp nửa vời, vừa không mang lại hiệu quả thiết thực cho người lao động, vừa không đạt được mục tiêu mà chính sách đặt ra.
Quy định pháp luật về hạn chế hưởng BHXH một lần cần kèm theo các chính sách hỗ trợ người lao động khi khó khăn
Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM), cho hay vì lương hưu chưa hấp dẫn nên hiện người lao động quan tâm đến chính sách BHXH một lần hơn. Khi có thông tin chính sách sẽ thay đổi, rất nhiều người lao động đóng BHXH lâu năm tại công ty (dưới 20 năm) có ý định xin nghỉ việc để rút BHXH một lần.
Theo tính toán của người lao động, trong thời gian chờ hưởng BHXH một lần, họ sẽ tìm việc làm thời vụ và hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều này, tạo nên tình trạng lao động thất nghiệp "ảo" còn doanh nghiệp tuyển không ra công nhân. Theo ông Sơn, thay vì thay đổi chế độ BHXH một lần thì nên quan tâm cải thiện chính sách hưu trí để giữ chân người lao động ở lại hệ thống an sinh.
Theo bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), phần đông người lao động đi làm từ rất trẻ (18 tuổi), nếu đóng BHXH liên tục đến khi nghỉ hưu sẽ là quãng thời gian rất dài (42-44 năm). Do vậy, họ tính toán rút BHXH một lần rồi đóng tiếp vẫn đủ thời gian hưởng hưu.
Đối với những người không có điều kiện tham gia liên tục hoặc tuổi nghề ngắn, họ cũng chọn rút BHXH một lần vì thời gian chờ hưởng lương hưu quá lâu. Do đó, nguyện vọng của người lao động là được tiếp tục hưởng chế độ như trước đây, tức chọn phương án 1. Ở góc độ của doanh nghiệp thì phương án này cũng sẽ hạn chế sự biến động lao động, ổn định tình hình sản xuất - kinh doanh.
Đồng tình với các ý kiến trên, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, chia sẻ thêm nếu chỉ dùng quy định pháp luật để hạn chế việc người lao động rút "của để dành cho tương lai" thì chưa phù hợp mà cũng cần tính toán đến các giải pháp hỗ trợ họ khi gặp khó khăn như: hỗ trợ học nghề, chuyển đổi việc làm, cho vay vốn… Điều này sẽ góp phần thay đổi nhận thức của NLĐ, hạn chế hưởng BHXH một lần, đưa luật vào thực tiễn.
Source: Người lao động
Please sign in to perform this function