Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 33,857
Các khu vực có nhiều trường ĐH ở Hà Nội như khu Bách Khoa, Cầu Giấy, Phùng Khoang thì hàng quán sin sít dày đặc như nấm mọc sau mưa! Ở đâu có SV, ở đó có quán nhậu, nhất là các khu vực quanh KTX.
Vui nhậu, buồn cũng nhậu!
Phố nhậu đêm của SV ĐHBK HN |
Vui uống, buồn uống, có học bổng uống khao anh em, không có học bổng uống chia sẻ với những thằng cùng cảnh ngộ, tìm được người yêu mới thì uống chúc mừng, chia tay bồ thì bạn bè đi uống chia sẻ nỗi buồn, không có người yêu “chiến hữu” độc thân nâng cốc dốc bầu tâm sự…
Giải thích cho tần suất nhậu 4 lần/tuần của mình, Nguyễn Giang, SV ĐH Xây dựng cho biết: “Đi nhậu để thư giãn sau những giờ phút căng thẳng trên giảng đường ấy mà! Học hành bây giờ cũng mệt mỏi lắm, đi nhậu với anh em cho nó thoải mái, lấy hứng để hôm sau còn học tiếp chứ!”
“Hội nhậu” của Giang có gần chục nam SV. Khi đi nhậu, món không thể thiếu đương nhiên là chai rượu đục ngàu được các chủ quán giới thiệu là “rượu nếp quê hảo hạng”. Đồ nhắm cũng còn tuỳ “túi tiền” mà gọi. Thành thói quen rồi, nhưng bạn nhậu của Giang vẫn phải giải thích cho rõ ngọn ngành vì sao phải thường xuyên đi nhậu: “Bọn mình học Cầu đường, sau này đi công trường suốt mà không biết uống rượu thì cũng hơi mệt đấy. Thế nên từ bây giờ đã phải “luyện công” rồi!”.
Cũng có những lí do mà chính bạn trong hội của Giang cũng không sao cắt nghĩa nổi cho rõ ràng: “Đã là SV mà không biết uống rượu thì … còn gì là SV đúng chất nữa!?”. Chính vì thế mà đa số SV coi uống rượu là để … thể hiện “đẳng cấp”!?
Chị Tân, chủ một quán rượu bình dân gần KTX B10 trên phố Tạ Quang Bửu đã gần 10 năm nay, cho biết: “ SV nhậu tối ngày, không lúc nào quán vắng khách”.
Giàu nhậu thâu đêm, nghèo nhậu tối ngày
12h đêm, các quán nhậu SV vẫn nườm nượp khách. |
Nếu nhà cửa rộng rãi và thoải mái thì nhậu ở nhà là giải pháp lý tưởng! “Ở nhà, đồ ăn tự mình mua lấy, rẻ hơn lại ngon hơn, không phải lo bị dẹp đường. Nếu không nấu mà mua đồ ăn sẵn về thì cũng rẻ đến một nửa so với ra quán”, Hoàng Văn Linh, SV ĐH Thương Mại chia sẻ.
Nhưng cái “khổ nhất” của kiểu nhậu tại gia này là chủ nhà là người “chịu trận”! Ăn uống xong xuôi, bạn bè say xỉn, đồ ăn thừa vung vãi, nhà ở biến thành bãi “chiến trường”. Thậm chí, chính Linh còn phải nhắm mắt dọn “bã chè” cho bạn vì bạn say quá, nôn mửa hết ra sàn nhà! Linh “dính” một lần rồi ngán ngẩm: “Tốt nhất lần sau cứ ra quán cho nhẹ người!”. Nhậu từ trong nhà đã được chuyển ra ngoài đường!
Chỉ đếm riêng nửa đoạn đường khoảng hơn 100m ở con phố Tạ Quang Bửu cũng đã có đến gần 10 quán nhậu đủ kiểu. Đoạn đường đối diện ĐH Thương Mại các quán nhậu mọc ra như nấm sau mưa để phục vụ SV. Xung quanh các khu kí túc xá, không có một chỗ nào trống. Bàn ghế bày la liệt, chật kín người liên tục từ sáng tới tối, nhất là lúc 8-9g tối! SV học chiều nhậu sáng, học sáng nhậu chiều. Đêm thì … nhậu chung! Khi mới bắt đầu, không khí còn bình thường. Một lúc sau mới “đến tầm”, bắt đầu thấy các SV đứng dậy zô zô, cụng ly và cạn chén! Tiếp tục vòng quay đó cho đến lúc có người say mèm!
Cùng là SV, nhưng SV giàu nhậu một kiểu, SV nghèo nhậu một kiểu. Ít tiền, không có khoản nào bù đắp, 100% là tiền bố mẹ cho nên SV nghèo toàn đi nhậu lai rai ở vỉa hè. Mỗi lần có ý định ngồi cà kê với nhau, đám bạn 5 người cùng quê của Hoà (Lập Thạch, Vĩnh Phúc, SV ĐH Giao thông Vận tải) lại kéo nhau ra đoạn đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài, chỗ ngồi được trải chiếu đàng hoàng. Ngoài chai rượu, “mồi nhậu” có khi là xoài xanh, dưa chuột, cóc, ổi chấm muối ớt, ốc luộc, lạc rang. Hôm nào sang thì có mực nướng. Hoà cũng chi li: “Chỉ thỉnh thoảng mới nhậu với mực thôi! 5 thằng ngồi với nhau, cũng phải hết đến 100 ngàn đồng, bằng tiền ăn mấy ngày liền đấy! Bọn mình là SV nên cũng không câu nệ gì cả. Đợt nào mà trót chi tiền nhậu nhiều quá là cả tháng phải “bóp mồm bóp miệng”! Bố mẹ chỉ cho có thế thôi”.
Rồi Hoà kể: “Đi nhậu vỉa hè, hết bao nhiêu thì mấy đứa góp hai, ba chục là xong. Chứ nếu đi chung mà hết nhiều như dịp sinh nhật thì “chủ xị” phải “mượn” anh em từ trước! Sau đó về nhà đóng cửa bảo nhau!”. Hoà có vẻ rất thấu hiểu: “Hôm nào mà chẳng có cớ gì, y như rằng chỉ toàn chuyện phiếm từ trên trời rơi xuống. Tản mạn, lải nhải đến đêm khuya cũng không hết. Kết cục thường là quay về với cuộc sống thiếu thốn hiện tại, rồi anh em lại bắt tay an ủi nhau như thể tương lai sáng lạn chỉ chờ giã rượu là rơi bụp từ trên trời xuống đất! Còn hôm nào mà có lí do mới nhậu thì đương nhiên cả buổi rôm rả nhất vẫn là chủ đề chính đó mà thôi!”
Bạn bè của Lê Văn Vinh, SV ĐH Công nghiệp “truyền tai” nhau mãi vụ nhậu “có một không hai” của cậu! Vinh và các bạn rủ nhau đến nhà trọ với mấy lít rượu mang từ quê ra. Gần chục SV góp được gần 100.000 đồng ra mua được ít rau muống, mì tôm và thập cẩm các loại xương đã được ninh hết chất từ hàng phở, đồng thời mua một nồi nước dùng về. Tất cả được tái chế thành “lẩu thập cẩm toàn quốc”, sau đó, thả mì và rau muống vào. Vậy mà ngồi lai rai đến nửa đêm mới hết rượu và đồ nhắm!
Hôm nào mà có tiền, cái không khí khi nhậu nó náo nhiệt hẳn lên! Lần này Vinh về quê, gia đình cho tiền nhưng Vinh không thể tiêu vì “nợ” từ tháng trước đang “đuổi” sát nút! “Vài lần trước, biết có tiền là phải tiết kiệm cho cả tháng nhưng thực lòng mà nói là khó giữ lắm! Đã vui rồi thì cứ tặc lưỡi thôi!”, Vinh chia sẻ. Vì thế, cái bữa nhậu lẩu toàn quốc với xương xẩu hết chất hôm đó của Vinh không được ồn ào cho lắm! Nếu có tiền, anh em sẽ có nhiều “mồi” hơn, không khí cũng rôm rả hơn! Còn chủ xị cũng oách hơn vì cái túi tiền nó cho phép cậu ra oai 1 bữa!
Trong khi đó, nhà hàng, các quán ăn ngon là điểm đến của các SV giàu. Số tiền chi cho một buổi nhậu của SV giàu thường không dưới 2 triệu đồng. Lúc trả tiền, cái mặt của SV nghèo có nhiều nếp nhăn hơn SV giàu! Và “gói nhậu” của SV giàu cũng không đơn điệu như SV nghèo. Ngoài ăn, còn hát hò, còn giải trí … SV giàu cũng đi nhậu thường xuyên hơn. “Mỗi tuần khoảng 3, 4 lần, bọn mình lại tụ tập nhau đi ăn, rồi đi chơi. Không đi nhậu thì bọn mình cũng chẳng biết làm gì”, Hồ Khánh Quang, SV ĐH Mở HN cho biết. Chỗ mà Quang và các bạn hay đến là các quán thịt chó trên Kim Ngưu. Sau đó, lịch trình quen thuộc là hát hò đến tận 1, 2 giờ sáng.
Nhưng điểm đến quen thuộc của Quang là bar Seventeen trên phố Trần Hưng Đạo: “Đồ uống ở đó “chát” lắm, gần 70.000 đồng/1 chai bia Ken. Đấy là chưa kể các loại rượu ngoại giá hàng triệu đồng. Mỗi lần đến đó là hội này cứ xác định mất vài “củ”!
Nhậu thì vui, học thì...mệt?
Nhậu kiểu SV nghèo |
Khi được hỏi sẽ học vào lúc nào, Giang (ĐHXD) cười lớn: “Bình thường thì học làm gì cho mệt, đến lúc thi lại quên hết. Chi bằng cứ vui chơi thoải mái, trước ngày thi bắt đầu học cho nó nóng”. Vì thế, mỗi lần đi nhậu, phải từ chiều rồi lai rai đến 12g đêm mà Giang cũng không hề sốt ruột! Sáng hôm sau nghỉ học cũng là chuyện hết sức bình thường!
Chuyện học hành theo kiểu “nước đến cổ mới nhảy” là bệnh kinh niên của SV bao thời nay, không riêng gì những SV hay đi nhậu. Thế nhưng, có những chuyện vì nhậu mà vui quá chừng đã dẫn đến những thiệt hại hoặc nguy hiểm.
Đầu tiên là về sức khoẻ. Hầu hết những SV hay đi nhậu đều thừa nhận: Sau mỗi lần say, đầu óc mệt mỏi, cơ thể ra rời. Ít tai dám chắc rằng những chai rượu được quảng cáo là nếp quê kia có bao nhiêu phần trăm sự thật? Nhưng SV vốn vấn rất chủ quan: “Mắt không thấy thì không lo! Nếu uống vào mà chết thì cũng chẳng đến lượt bọn này uống nữa”, bạn nhậu của Giang, chuyên uống loại rượu này, cười khà khà cho biết. Trong khi đó, chính Giang cũng đã từng bị ngộ độc rượu sau một lần đi nhậu, mặt mũi sưng vù, người nổi từng tảng ngứa trên da.
“Nhiều SV đầu tháng sáng xỉn chiều say, giữa tháng đói mốc mồm! Nếu tính 1 tuần 3, 4 lần thì cũng khoảng 300.000 đồng đến 400.000 đồng- Hoà lập luận. Hoà nhớ sau sinh nhật bạn nhậu năm ngoái, Hoà đã phải chịu khổ chung với bạn vì bạn hết sạch tiền: “Cả tháng đấy 2 đứa dặt dẹo, toàn ăn mì tôm thay cơm vì trót tiêu quá tay, làm sao dám xin thêm bố mẹ?”. Từ chuyện ăn uống chưa được đảm bảo này, Hoà cũng không còn tâm sức đâu mà nghĩ đến học tập.
Chuyện trèo tường vào KTX là chuyện “thường ngày” của SV sau khi nhậu! Ngô Quang Thái, SV ĐH Bách Khoa HN vì đi nhậu về khuya, KTX đóng cửa nên phải rình bảo vệ, trốn thanh niên xung kích rồi trèo qua các bậc lên tầng 3: “Vừa say mà vừa trơn, nghĩ lại thấy mình liều thật!”, Thái rùng mình. Thái kể thêm: “Sáng hôm sau, thấy thằng bạn đi cùng cũng mê mệt nằm dưới đất. Hoá ra nó say quá, không trèo nổi lên giường tầng 2”. Ở ĐHBK HN, đội ngũ thanh niên xung kích luôn phải “giáp mặt” với các anh chàng say xỉn nhiều nhất vào lúc đêm khuya!
Nguy hiểm hơn, nếu đi xe máy, tai nạn giao thông luôn rình rập. Hoà kể: “Cách đây 2 năm, đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 21, bạn mình bị chết vì đâm thẳng vào cột điện. Hôm đó, nó uống nhiều quá, không làm chủ được tay lái, cả người cả xe nát vụn. Tận mắt nhìn thấy nên cũng hãi lắm, đi đâu có uống cũng không dám uống nhiều, trót uống nhiều cũng không dám đi xe”.
Nguyễn Văn Bằng, SV ĐH Giao thông Vận tải cũng đi nhậu nhưng không nhậu nhẹt “hết mình” theo kiểu này. Cậu chia sẻ: “Tôi không phản đối, nhưng nhậu nhẹt nhiều thì không hay ho gì. Mà lạ là SV càng nghèo thì nhậu càng tài! Mấy thằng bạn trong lớp tôi còn nói đi nhậu phải có mỹ nhân bên cạnh nữa. Thật không hiểu nổi bọn SV bây giờ nghĩ cái gì!”
Có thể nói, chứng kiến cảnh nhậu nhẹt của SV, nhiều người không khỏi buồn vì bê tha, bệ rạc quá. Chính chị Tân, một chủ quán nhậu SV cũng chia sẻ: “10 năm bán hàng ở đây, tôi cũng chứng kiến không ít vụ đánh đấm nhau vì say xỉn rồi. Rượu vào lời ra, không ai chịu ai là xô xát xảy ra như chơi ngay. Tôi cũng kiềng mặt những đứa uống nhiều ra, vì sợ nó gây gổ, nó phá hết cả hàng quán của mình. Tôi cũng muốn bán được nhiều hàng lắm chứ, nhưng nhìn thấy cảnh SV ăn nhậu xong rồi quay ra trở mặt là tôi ngại lắm! Làm gì cũng phải có chừng mực thôi!”
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Source: Theo VietNamNet
Please sign in to perform this function