Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 5,232
Thời gian qua, số người hưởng BHXH một lần tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc người lao động rút BHXH một lần đồng nghĩa với việc họ rời khỏi lưới an sinh xã hội. Vậy giải pháp nào để giữ chân người lao động, hưởng các chế độ khi về già?
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, từ năm 2016 đến nay, số người lao động nghỉ hưởng BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm, trung bình tăng 9%/năm. Đặc biệt, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid 19, có hơn 860 nghìn người hưởng BHXH một lần, nhiều hơn số người mới tham gia BHXH. Chỉ 6 tháng đầu năm nay, đã có hơn 561 nghìn người làm thủ tục hưởng BHXH một lần. Một số địa phương bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 có số người nhận BHXH một lần tăng cao như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà…
Đáng lưu ý, người có số năm đóng BHXH trên 10 năm đăng ký hưởng BHXH một lần ngày càng nhiều và độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Chị Nguyễn Thị Huyền - công nhân một công ty môi trường nghỉ việc, đã đóng trên dưới 10 năm BHXH chia sẻ: “Kinh tế thì khó khăn, bây giờ lại mất thêm một khoản đáng ra chỉ để lo cho các con, giờ lại thêm một khoản đóng BHXH tự nguyện để chờ đủ tuổi thì không phải là chuyện nhỏ nên không dám đóng tiếp vì 20 năm mới chốt được để về hưu trong khi mình mới đóng được 9-10 năm thì ăn thua gì, không có điều kiện đóng tiếp thì chỉ còn cách rút về thôi.
Cũng mới nghỉ việc, chị Bùi Thị Dương cho biết: “Mới đóng có 6 năm, giờ đóng bao lâu nữa mới được hưởng lương hưu. Cũng có người khuyên tiếp tục đóng, có người khuyên dừng, mà mình thì hay ốm đau, biết thế nào trong khi mình đang cần tiền để trả nợ, giải quyết khó khăn trước mắt. Thế nên tôi quyết định dừng đóng BHXH”.
Nhiều lao động khó khăn không thể tiếp tục tham gia BHXH
Với tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH và thực tế đời sống, thu nhập khó khăn như hiện nay, dự báo có thể số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo, ảnh hưởng lớn đến mở rộng diện bao phủ BHXH, đồng thời đặt ra thách thức đối với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội. Bởi người lao động nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc họ mất cơ hội được hưởng lương hưu khi về già, ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội.
Ông Lê Ðình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, thu nhập của phần lớn người lao động chỉ đủ để bảo đảm cuộc sống trước mắt, tích lũy chỉ khoảng 15%. Do đó, người lao động dễ rơi vào tình trạng nghỉ việc sẽ hết tiền và dẫn đến xu hướng nhận BHXH một lần... Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng tỷ lệ hưởng lương hưu và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo từng năm đối với cả nam và nữ (theo lộ trình nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi) áp dụng từ năm 2021 cũng là một trong những nguyên nhân khiến người lao động cảm thấy khó đáp ứng điều kiện để nhận lương hưu: “Để chờ 20 năm hưởng lương lưu thì cũng là một điều kiện khá khó khăn đối với nhiều người lao động nên họ lựa chọn nhận BHXH một lần. Vì vậy, chúng ta rút ngắn thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu. Nhưng nếu chúng ta rút ngắn mà bị trừ % nhiều thì lương hưu quá thấp. Vì vậy chúng ta phải thiết kế làm sao có nhiều giải pháp để sàn tối thiểu của người tham gia 15 năm có mức lương hưu đảm bảo mức sống tối thiểu”
Việc hưởng BHXH một lần gia tăng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Ðảng, Nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người dân, không để ai ở lại phía sau.
Để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, theo bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai, cần nhiều giải pháp đồng bộ có tính chất liên kết, cần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và bảo đảm đời sống của người lao động. Tăng lợi ích và tính hấp dẫn của chính sách lương hưu thông qua việc sớm thực hiện giảm điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm. Hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện theo hướng đa dạng, linh hoạt (bổ sung thêm các chế độ ngắn hạn, tăng cường chính sách hỗ trợ tiền đóng từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội khác…), qua đó góp phần tăng thêm cơ hội cho người lao động có thể tiếp tục tham gia đóng góp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Bà Nguyễn Thị Như Ý nêu ý kiến: “Để mở rộng diện bao phủ BHXH, ngoài việc điều chỉnh thời gian đóng ngắn hơn để được hưởng chế độ hưu trí (hiện nay thực hiện là 20 năm trở lên), đề nghị Chính phủ có chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam đánh giá lại, tiếp tục đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng như nâng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước”.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần đánh giá quá trình thực hiện Luật BHXH một cách chi tiết hơn, nhất là về quá trình thực hiện quy định BHXH một lần cũng như những hạn chế, bất cập đang còn tồn tại, sớm có lộ trình sửa đổi luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Về mặt tổ chức thực hiện, cần mở rộng mạng lưới thông tin, truyền thông để chuyển biến nhận thức của người lao động về ý nghĩa của chính sách BHXH, hạn chế nhận BHXH một lần, chủ động tham gia BHXH để có lương hưu khi về già.
Cần khuyến khích, tìm các giải pháp để giữ được người lao động tiếp tục tham gia BHXH
Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định, chúng ta vẫn thực hiện đúng theo điều 60, Luật BHXH năm 2014 để người lao động nhận BHXH một lần, tuy nhiên, cần khuyến khích những lao động có khả năng tiếp tục tham gia để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài: “Có thể chúng ta cho người lao động nhận BHXH một lần bằng 8% của người lao động đóng, còn 14% của doanh nghiệp hoặc nhà nước đóng thì chúng ta giữ lại cho người lao động trong Quỹ BHXH. Khi người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu hoặc ốm đau, qua đời, người lao động hoàn toàn có quyền lấy lại tiền đó. Quỹ BHXH là quỹ đề dành, giống như quỹ tiết kiệm. Không thể nói chúng ta chỉ trả cho người lao động 50%, còn lại 50% để lại là không đúng. Tinh thần của chúng ta là làm sao để khuyến khích, tìm các giải pháp để giữ được người lao động tiếp tục tham gia BHXH”.
Mới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất giảm mức hưởng BHXH xuống còn 1 tháng lương cho mỗi năm tham gia BHXH nếu người lao động rút một lần, để giữ lại “của để dành” cho người lao động. Tuy nhiên, việc giảm sâu mức hưởng sẽ khiến những người thực sự cần rút BHXH một lần bị thiệt thòi, nên các bên liên quan cần tiếp tục nghiên cứu đưa ra phương án sao cho hợp lý, thuận tình. Dù triển khai theo hướng nào, thì việc người lao động rút BHXH một lần chỉ có lợi trước mắt, mà thiệt thòi về lâu dài cho chính họ, gia đình và xã hội. Vì thế, bản thân mỗi người lao động nên cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng khi quyết định nhận BHXH một lần, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay./.
Source: VOV
Please sign in to perform this function