Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 6,021
(Chinhphu.vn) – Thị trường lao động đang thay đổi mạnh mẽ với những đòi hỏi còn rất khó lường. Người lao động phải được tăng cường kỹ năng, khả năng tự học, khả năng thích ứng với nhiều nghề mới xuất hiện, trong không gian việc làm rộng mở hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự gia tăng chuyển dịch lao động đang làm thay đổi mạnh mẽ thị trường lao động.Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu này trong lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) với chủ đề: “Những tư tưởng tương đồng của Hồ Chí Minh và Tổ chức Lao động Quốc tế hướng tới việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người”, sáng 27/8.
Công bằng xã hội, việc làm thỏa đáng và bền vững, trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động là những giá trị cốt lõi, sứ mệnh mà ILO các quốc gia thành viên luôn không ngừng phấn đấu.
Kể từ khi gia nhập ILO năm 1992, Việt Nam luôn ủng hộ những mục tiêu cao cả của tổ chức này. Là một thành viên có trách nhiệm của ILO, Việt Nam cam kết tôn trọng, thúc đẩy và áp dụng những tiêu chuẩn lao động quốc tế, bao gồm những tiêu chuẩn lao động được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, phù hợp với thực tiễn phát triển của mình.
Việt Nam đã phê chuẩn 24 công ước của ILO, trong đó bao gồm 6 công ước cơ bản. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 7 tháng 6/2019, Quốc hội đã phê chuẩn Công ước cơ bản số 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, với 100% đại biểu Quốc hội ủng hộ tuyệt đối.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam và ILO đã cùng nhau hợp tác để hiện thực hóa tư tưởng tương đồng của những nhà sáng lập Tổ chức Lao động Quốc tế và Chủ tịch Hồ Chí Minh về công bằng xã hội, việc làm bền vững vì hòa bình, hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Đề cập đến tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chính sách lao động và an sinh xã hội, Phó Thủ tướng khẳng định nhiều nội dung vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Thể hiện ở những điểm cơ bản như: Đảm bảo quyền tự do, quyền làm chủ của người dân; tôn vinh lao động; tạo việc làm, giáo dục nghề nghiệp và nâng cao trình độ cho người lao động; tiền lương và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động; đảm bảo an toàn lao động và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định…
Phó Thủ tướng cho biết là một quốc gia đang phát triển, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế trong mấy chục năm qua thuộc nhóm nhanh hàng đầu thế giới nhưng do xuất phát điểm thấp sau chiến tranh nên thu nhập theo đầu người của Việt Nam còn ở mức trung bình thấp. Mặc dù vậy, Việt Nam đã nỗ lực tập trung cho xóa đói giảm nghèo, thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, Mục tiêu phát triển bền vững và đã đạt được những kết quả rõ nét, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Một trong những ưu tiên của Viẹt Nam là cải thiện chính sách an sinh xã hội, vì cuộc sống an lành của mọi người dân, mọi người lao động nhằm tạo ra môi trường lao động hấp dẫn hơn trong quá trình hội nhập quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, đặc biệt về lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự gia tăng chuyển dịch lao động đang làm thay đổi mạnh mẽ thị trường lao động. Nhiều nghề sẽ mất đi, nhiều công việc giảm tính ổn định cùng với đó sẽ xuất hiện nhiều nghề mới đòi hỏi những kỹ năng làm việc mới trong một không gian việc làm rộng mở hơn.
Vì vậy, nếu không có tầm nhìn, không có các bước chuẩn bị chủ động, cần thiết thì thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ bị bỏ lỡ và trở thành thách thức lớn hơn, mà cụ thể, trực tiếp nhất là dư thừa lao động thiếu kỹ năng mới.
Nhận thức được điều đó, Việt Nam xác định cần tập trung đổi mới giáo dục, đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường kỹ năng, khả năng tự học, khả năng thích ứng cho người lao động để sẵn sàng với những thay đổi, đòi hỏi mới còn rất khó lường của thị trường lao động.
“Phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo việc làm thỏa đáng, bền vững luôn được Chính phủ Việt Nam coi là tiền đề quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tận dụng lợi thế của thời kỳ "dân số vàng" phục vụ phát triển bền vững, với con người là trung tâm và không ai đứng ngoài, không ai bị bỏ lại phía sau”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp lãnh đạo ILO. Ảnh: VGP/Đình Nam
* Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp bà Deborah Greenfield, Phó Tổng Giám đốc ILO.
Phó Thủ tướng gửi lời chúc mừng đặc biệt tới ILO và tất cả các tổ chức, cá nhân dành tâm huyết, trí lực vào việc thực hiện mục tiêu và sứ mệnh của ILO trong 100 năm qua. Những năm qua, ILO đã hợp tác, hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong công tác lao động, việc làm, an sinh xã hội nói riêng và quá trình phát triển đất nước nói chung.
Cám ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, bà Deborah Greenfield đánh giá cao những thành tựu phát triển và tiến bộ kinh tế-xã hội của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực lao động việc làm, an sinh xã hội. Phó Tổng Giám đốc ILO cũng chia sẻ về những thách thức của Việt Nam trong triển khai các sáng kiến về việc làm, chính sách an sinh xã hội và cam kết tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan liên quan của Việt Nam tiếp cận sát nhất với các tiêu chuẩn quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, có trách nhiệm cùng ILO tiếp tục cuộc hành trình hướng tới mục tiêu công bằng xã hội, việc làm thỏa đáng và bền vững, mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Source: Theo Chinhphu.vn
Please sign in to perform this function