Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 31,227
Trình dược viên- nghề của trình độ và bản lĩnh
Nhiều người nhầm lẫn khi cho rằng, trình dược viên chỉ là "nghề bán thuốc". Hiểu một cách nôm na thì, trình dược viên là nhân viên giới thiệu dược phẩm. Tuy vậy, cũng có thể hiểu, đây là nghề bán thuốc, nhưng mà là...ở đẳng cấp cao.
Lương cao nhưng trình độ phải tương xứng
“Đẳng cấp cao” ở đây trước hết được khẳng định bằng yêu cầu trình độ, bằng cấp của nghề này bởi không phải bất cứ ai cũng có thể trở thành trình dược viên (TDV). Muốn làm TDV, trước hết phải có bằng dược sỹ.
Trên lý thuyết thì đây là nghề giới thiệu thuốc, là trung gian giữa nhà sản xuất và nhà tiêu dùng. Thế nhưng, bấy lâu nay trên thực tế, nghề TDV chỉ được biết tới như những người đi bán thuốc cho nhà thuốc hoặc bác sỹ. Nói như vậy là vì rất ít khi TDV giới thiệu và bán thuốc tới tận tay bệnh nhân mà phải thông qua kênh phân phối là các nhà thuốc hoặc phòng khám tư nhân của các bác sỹ.
Chị Vân Anh (quê Phú Thọ) cho biết, chị tốt nghiệp ĐH Dược bằng khá. Mới đầu, để “tạm kiếm sống”, chị nộp hồ sơ đi làm TDV cho một công ty TNHH kinh doanh dược phẩm. Thời gian đầu, công việc đòi hỏi chị phải mày mò tìm kiếm các mối quan hệ nên rất mệt mỏi. Tưởng đơn giản là đến các nhà thuốc, giới thiệu sản phẩm thuốc và thuyết phục họ đồng ý mua thuốc… nhưng hóa ra để tìm kiếm được các hợp đồng mua thuốc cũng chẳng đơn giản chút nào.
Vân Anh đã rất khó khăn bởi phần lớn các địa bàn đã được phân chia cho các đồng nghiệp đi trước “quản lý”, những nơi còn “bỏ ngỏ” thì nhu cầu thị trường lại rất ít, hoặc rất chậm. Để bán được hàng, Vân Anh chấp nhận “ăn hoa hồng” ít đi, thậm chí hạ giá thành cho nhà thuốc.
Tuy vậy, bởi đây là công việc đòi hỏi có tình độ bằng cấp, nên lương cũng khá cao. Thường thì ngoài phần lương cứng để đảm bảo định mức, các TDV sẽ được hưởng “hoa hồng” tùy theo lượng hàng mà họ bán được. Tùy theo từng công ty, từng chủng loại hàng mà “hoa hồng” cũng khác nhau. Chị Thu (Hà Nội) cho biết, mỗi tháng tính trung bình thu nhập của chị khoảng 4-5 triệu, có tháng ký được hợp đồng lớn thì thu nhập cũng tăng lên đến chục triệu.
Trong nghề này, nhiều người cho rằng, phụ nữ có lợi thế là sự mềm dẻo, khéo léo. Tuy nhiên, những phụ nữ đã từng làm TDV thì lại khẳng định rằng, khi tham gia vào công việc này, họ có rất nhiều hạn chế về sức khỏe, sự quyết đoán và dễ… mủi lòng. Bởi những hạn chế khó tránh ấy mà đã xảy ra nhiều chuyện “dở khóc dở cười”.
Có một thực trạng khiến cho rất nhiều người lo lắng, đó là tình trạng “thuê bằng”. Một số người không được đào tạo, nhưng vẫn “ung dung” trở thành TDV và đi bán những mặt hàng liên quan đến tính mạng của con người. Chỉ bằng một vài thủ thuật đơn giản qua mắt nhà tuyển dụng với tấm bằng dược sỹ đi thuê, những TDV kiểu này đang khiến cho người tiêu dùng “sợ hãi”.
Chẳng hạn, như thời gian trước, ở TPHCM, một TDV với tấm bằng y khoa “dỏm” đã bị bắt cũng khiến cho giới TDV “phát sốt phát rét”. Một lẽ hết sức đơn giản, khi xảy ra hiện tượng tiêu cực này, các TDV sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận cũng như giới thiệu thuốc tới khách hàng. Song, những TDV có trình độ cũng như có thâm niên trong nghề thì vẫn khẳng định: “Không có gì phải lo lắng”.
Bên cạnh những kẻ giả danh TDV để “móc” tiền của các công ty dược, hiện nay còn xuất hiện nhiều đối tượng giả danh bác sỹ, mở phòng khám sau đó “lừa” các TDV, lấy thuốc không trả tiền đã không còn là chuyện hiếm.
Đơn cử trường hợp N.T.Hiền (SN 1976) ở sô 16 ngõ 85 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Sau khi thuê được hai bằng bác sỹ, Hiền đã mở ra hai phòng khám hoạt động theo kiểu cầm chừng. Khi các TDV đến để tiếp thị thuốc, Hiền đã cùng đồng bọn dàn dựng màn kịch nhằm đánh lừa các TDV.
Với danh nghĩa là người của chương trình phòng chống HIV/AIDS, Hiền đã “nhử” được các TDV bán cho mình các loại biệt dược với lời hứa hẹn “chiết khấu hoa hồng cao” (12%). Bị hấp dẫn bởi khoản lợi nhuận này, các TDV đã “kéo” nhau chở thuốc tới bán cho Hiền. Kết quả, chỉ trong một năm (2004 - 2005), đã có tới 7 đơn vị và cá nhân mang thuốc tới cho Hiền, và số tiền hàng bị chiếm đoạt (theo khai báo) là 8,8 tỷ đồng.
Không chỉ có các TDV là nạn nhân của các vụ lừa đảo mà chính những TDV đôi khi cũng là thủ phạm tham gia vào các “phi vụ” móc nối móc túi người tiêu dùng. Nhiều TDV đã tha hóa, biến chất tìm cách móc nối với các bác sỹ, nhà thuốc để kê toa thừa, nâng giá thuốc kiếm tiền lời bỏ túi.
Nhìn nhận một cách khách quan thì nghề TDV là một nghề đáng để “ao ước” với mức thu nhập cao, liên tục được “up date” những thông tin dược phẩm và chủ động trong công việc. Song, với những tiêu cực đang diễn ra ngày một nhiều đã khiến không ít người băn khoăn: liệu TDV có phải là một sự lựa chọn tốt? Bởi vậy, nếu bạn cần một công việc có thu nhập và chấp nhận được những khó khăn của nghề nghiệp: không biên chế, ít ổn định, nhiều phiêu lưu… thì mới nên chọn nghề này.
Source: (Theo Dân Trí)
Please sign in to perform this function