Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 5,318
Những con số ấn tượng
Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, luật BHYT ra đời từ năm 2008 và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, là cơ sở pháp lý thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế công thông qua BHYT toàn dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Trong đó đã quy định “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện”.
BHXH Việt Nam, với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thực hiện đã nỗ lực không ngừng để việc thực thi pháp luật BHYT hiệu quả nhất, mọi người dân sớm được hưởng quyền an sinh về BHYT và đã những kết quả nổi bật rất đáng ghi nhận.
Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đã đạt gần 90% dân số; đối tượng tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm. Bình quân mỗi năm tăng 48%, từ năm 2015-2019 tăng hơn 15 triệu người, đến hết năm 2019 đã có 85,636 triệu người tham gia BHYT. Trong đó diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế, như: nhóm người lao động (NLĐ) đã tham gia BHYT đạt hơn 90%; nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội đạt 100% (khoảng 3,1 triệu người); nhóm được ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ như hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên (HSSV) đạt xấp xỉ 100% và trên 17,5 triệu người tham gia theo hình thức hộ gia đình.
Ông Sơn chia sẻ: “Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/T.Ư ngày 22.11.2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 (theo thống kê từ một số quốc gia có nền kinh tế phát triển, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân nói trên phải mất từ 40 đến 80 năm). Do đó mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số như Nghị quyết 20-NQ/T.Ư năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đặt ra là hoàn toàn khả thi”.
Hướng tới phát triển BHYT bền vững
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Sơn, phát triển bền vững chính sách BHYT cũng đang gặp nhiều vấn đề thách thức trong thời gian tới như: già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi... và đặc biệt là chi khám chữa bệnh BHYT không ngừng gia tăng. Từ năm 2017 quỹ BHYT bắt đầu trong tình trạng chi vượt quá thu trong năm. Năm 2018, số thu từ đối tượng tham gia BHYT là 93.318 tỉ đồng; trong khi, tổng số chi KCB BHYT là 95.081 tỉ đồng. Năm 2019, số thu (ước tính) từ đối tượng tham gia BHYT là 104.807 tỉ đồng; tổng số chi KCB BHYT ước là 104.443 tỉ đồng.
Do đó, để thực hiện được mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra là đến năm 2025 tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số và để phát triển BHYT bền vững, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, cần phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp. Một trong các giải pháp quan trọng là BHXH các địa phương cần tập trung phát triển đối tượng tham gia BHYT bền vững. Ông Sơn cho hay: “Hiện số người dân chưa tham gia BHYT hiện nay tuy còn ít, nhưng lại là thách thức không nhỏ, bởi đó là những người không có thu nhập ổn định, thuộc thị trường lao động tự do, thường khi có bệnh mới tham gia BHYT, đi ngược lại nguyên tắc chia sẻ rủi ro của chính sách BHYT. Ngành BHXH cần phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB-XH và chính quyền địa phương để đề xuất những giải pháp hỗ trợ người dân tham gia BHYT, giúp những đối tượng này có những thuận lợi ban đầu khi tham gia BHYT. Đồng thời tăng cường cải cách thủ tục hành chính tiến tới thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, cho phép người tham gia BHYT thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT”.
Để quản lý, sử dụng quỹ BHYT hiệu quả, an toàn nhưng cũng cần bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT, ông Sơn cho rằng cần sớm thực hiện và hoàn thiện các quy trình như: xây dựng gói quyền lợi BHYT phù hợp, rà soát ưu tiên đưa vào danh mục quỹ BHYT chi trả đối với các dịch vụ y tế có tính chi phí hiệu quả cao; bảo đảm công khai và minh bạch trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; thay đổi phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo hướng thanh toán định suất đối với khám chữa bệnh ngoại trú; đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam sẽ tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ giám định đối với BHXH các tỉnh phố và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hình thức lạm dụng BHYT cũng như các trường hợp người bệnh BHYT không được đảm bảo quyền lợi tối đa.
“BHYT là chính sách xã hội quan trọng, là một trong các trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách BHYT cần có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm phát triển bền vững. Với việc triển khai những giải pháp đồng bộ, hiệu quả như vậy, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân và đảm bảo phát triển BHYT bền vững”, ông Sơn nhấn mạnh.
Source: Theo Báo Thanh Niên
Please sign in to perform this function