Hậu đại dịch cùng sự suy thoái kinh tế khiến nhiều lãnh đạo quyết định không tận dụng các kỳ nghỉ. Nhưng các kỳ nghỉ không chỉ giúp cải thiện năng suất, giảm căng thẳng và sức khỏe tinh thần tổng thể…
Vào dịp đầu năm, nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp lớn nhỏ đã đau đầu để kiếm đủ thưởng Tết cho nhân viên. Sau đó, họ còn cố gắng tạo ra những chiến dịch bán hàng đáp ứng nhu cầu của thị trường trong dịp Tết. Có thể nói, họ hầu như không nghỉ ngơi.
Chinh phục đỉnh núi cao cũng mang lại cảm xúc tương tự thành tích kinh doanh - Ảnh: Pexels
Và do doanh thu của doanh nghiệp đã bị cản trở do tình hình kinh tế chung đi xuống trong vài tháng qua, chưa kể thị trường tương lai có thể không tươi sáng trong thời gian tới, có lẽ một vài lãnh đạo hoặc nhà quản lý đã quyết định: "Mình nên bỏ qua những chuyến đi nghỉ/ số ngày phép để làm được nhiều việc hơn" hoặc "Quá nhiều việc để có thể nghỉ ngơi".
Tham công tiếc việc không phải là một lựa chọn tối ưu. Một cỗ máy còn phải có thời gian bảo trì, nữa là con người với sức lực hạn chế, cùng đời sống riêng bên cạnh công việc. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hiệu suất lao dốc khi chúng ta làm việc trong thời gian dài mà không nghỉ ngơi. Chưa kể, thời gian "giãn ra" khỏi công việc mang lại nhiều thúc đẩy tích cực.
Nghiên cứu về các vận động viên ưu tú cho thấy rằng nghỉ ngơi hợp lý giúp họ đạt được thành tích cao nhất. Chúng ta cũng vậy: các kỳ nghỉ cho phép chúng ta trở lại với cảm giác sảng khoái và tái tạo năng lượng, với sự tập trung mới. Không phải ngẫu nhiên mà ở một số nền kinh tế phát triển, các doanh nghiệp thậm chí còn yêu cầu nhân viên sử dụng ngày nghỉ.
Đáng ngạc nhiên hơn, nghiên cứu cho thấy những người đi nghỉ hơn 10 ngày có khả năng được tăng lương cao hơn 30% và những người đi nghỉ thường xuyên có mức độ hài lòng với công việc cao hơn.
Là một lãnh đạo, bạn cũng có thể gặt hái lợi ích từ những kỳ nghỉ, bất kể bạn đi đâu:
1. Nghỉ ngơi để thả lỏng
Bạn không nhất thiết phải chọn một nơi xa xôi, địa danh nổi tiếng cho kỳ nghỉ của bạn. Chỉ cần nó mang lại niềm vui khác với cuộc sống hàng ngày, ví dụ: một chuyến đi đường dài hoặc một chuyến du ngoạn, cắm trại ven đô thị, ngoại thành. Thậm chí, chỉ đơn giản là bạn thuê một căn homestay thật đẹp để đọc sách và tận hưởng cuộc sống không công việc trong vài giờ. Và tại sao không phải là một food tour ở Hải Phòng hoặc Vũng Tàu?
2. Lên kế hoạch trước
Kỹ năng quản lý có thể khiến bạn căng thẳng nếu phải đối mặt với những tình huống ngoài dự đoán. Vậy hãy cứ lên kế hoạch như bạn mong muốn. Ít nhất, khả năng bạn sẽ có trải nghiệm kỳ nghỉ tốt sẽ cao hơn. Chưa kể, quá trình lên kế hoạch trước cũng mang lại cho chúng ta điều gì đó để mong đợi được khám phá, và giảm bớt nguy cơ hủy kế hoạch. Điều đó mang lại sự lạc quan và vui vẻ, hào hứng ngay cả trước khi bạn bước lên máy bay.
3. Tìm kiếm kiểu trải nghiệm bạn thích
Tốt nhất hãy biết trước điều bạn muốn là gì, thay vì "được chăng hay chớ". Bởi mỗi người có một nhu cầu, mối quan tâm, sở thích khác nhau, nên bạn sẽ thỏa mãn với kỳ nghỉ của mình hơn nếu xác định được chuyến đi phù hợp với bản thân. Ví dụ: bạn không phải người quan tâm nghệ thuật và kiến thức hàn lâm, thì một tour đi thăm các bảo tàng nổi tiếng cũng có thể trở thành hành xác; hoặc bạn ghét vận động quá nhiều, thì các chuyến trekking chinh phục núi cao sẽ là không cần thiết.
Điều quan trọng là các kỳ nghỉ phải kích thích được cảm hứng sáng tạo, cung cấp trải nghiệm tận hưởng mà bạn mong đợi.
Lựa chọn trải nghiệm bạn yêu thích và nhớ mãi về sau - Ảnh: Pexels
4. Dành thời gian ở ngoài trời
Dù vậy, trải nghiệm ánh nắng và thiên nhiên vẫn có lợi cho chúng ta cả về tinh thần và thể chất. Ánh nắng giúp tăng hormone "hạnh phúc" Serotonin cho cơ thể. Và dù chỉ vài giờ đi bộ trong rừng quốc gia, hay nghỉ ngơi trên bãi biển cũng khiến bạn cảm thấy thư thái và tĩnh tâm hơn, thoát khỏi nhịp sống căng thẳng nơi đô thị.
Kể cả trong tình huống công việc dồn dập, thì bạn vẫn có thể dành cho mình "kỳ nghỉ ngắn hạn" là chuyến dạo bộ buổi sáng trong vườn Bách thảo, hoặc quanh một hồ nước.
5. Cách ly khỏi công việc
Có rất nhiều người mang cả công việc vào trong hành trình. Các yếu tố công việc xen vào giữa kỳ nghỉ không những làm gián đoạn các lợi ích mà việc nghỉ ngơi mang lại, mà còn làm tăng căng thẳng vì cảm giác FOMO (lo ngại bỏ lỡ) và vì phải tập trung cho cả gia đình/chuyến hành trình và công việc từ xa cùng lúc. Cuối cùng, không việc nào bạn thực sự làm tốt - cả nghỉ ngơi và làm việc.
Như vậy, bạn nên toàn tâm toàn ý với việc nghỉ ngơi. Qua đó, bạn mới có thể tạo ra không gian cho sự sáng tạo xuất hiện và thực sự có mặt, tận hưởng chuyến du lịch cùng gia đình, bạn bè... Để bớt cảm thấy phân tâm, bạn có thể mang theo một cuốn sách, một trò chơi, bộ phim để có thể tận dụng cho thời gian chết. Hãy tin tưởng vào đồng nghiệp mà bạn đã lựa chọn để thay mặt trong khi bạn đi vắng.
6. Tạo kỷ niệm đáng nhớ
Đây là cơ hội tuyệt vời để tạo ra những kỷ niệm tích cực, lâu dài cho bản thân và những người đi cùng. Kỳ nghỉ với những kỷ niệm vui vẻ sẽ giúp bạn có dịp nhớ lại khi cần, giúp giảm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm.
Không phải ngẫu nhiên mà mọi người đều thích quay lại những video khi họ ngồi quanh đống lửa trại, quanh nồi bánh chưng bánh tét, hay cùng đón bình minh nơi phương xa. Những hình ảnh đẹp và khiến bạn xúc động, mãn nguyện này sẽ còn theo bạn nhiều ngày, nhiều tháng sau đó, để có niềm tin tích cực hơn và nỗ lực khi gặp khó khăn.
Hãy tận hưởng kỳ nghỉ mà bạn xứng đáng. Và tin CareerViet nhé, bạn sẽ vui vì lựa chọn này.