Sếp hơi ghét mình, làm sao đây?

05/09/2023 13:44 GMT+7

Rõ ràng hai người không ăn ý trong giao tiếp và công việc. Bạn có cảm giác rằng bị sếp lờ đi, không coi trọng và giao cho bạn những việc khó nhằn. Bạn nên xác định điều gì đang thực sự xảy ra và tìm hiểu nguyên nhân trước khi mọi chuyện tệ hơn.

Thật khổ nếu bạn phải dằn vặt: "Sếp ghét mình không?" - Ảnh: Pexels.

Thật khổ nếu bạn phải dằn vặt: "Sếp ghét mình không?" - Ảnh: Pexels.

Cảm giác của bạn có thể đúng, có thể sai. Hãy thử xem bạn đang nằm trong trường hợp nào dưới đây:

Bị mất niềm tin

Nếu sếp không thực sự tin tưởng bạn, bạn sẽ nhìn ra một số dấu hiệu khá công khai. Ví dụ: sếp không nghĩ rằng bạn có thể hoàn thành công việc nếu chỉ giao cho bạn những công việc ít quan trọng hơn so với các đồng nghiệp của bạn.

Hoặc sếp muốn quản lý các công việc bạn làm một cách vi mô, hoặc thậm chí chỉ giao cho bạn dự án quan trọng nếu có một đồng nghiệp đáng tin cậy tham gia cùng. Họ cũng không phê duyệt cho bạn các dự án, các cơ hội phát triển hoặc thăng tiến. Đó là các dấu hiệu báo động.

Không dễ để phục hồi lòng tin của sếp. Đầu tiên, hãy làm rõ những mong đợi của họ. Nếu có cơ hội trò chuyện cùng, hoặc trong buổi đánh giá hiệu suất, hãy hỏi sếp của bạn chính xác những gì họ mong muốn ở bạn.

Ví dụ: "Tôi muốn đóng góp tốt hơn trong tương lai, sếp muốn tôi tập trung vào điều gì?". Sử dụng các câu hỏi định hướng tương lai để thể hiện rằng bạn có thể làm tốt hơn và cũng để tránh việc bị phê bình các hạn chế ở hiện tại. Khi sếp của bạn nói ra một lỗi rõ ràng, hãy nhanh chóng thừa nhận và khẳng định "Từ giờ trở đi, tôi sẽ…".

Như vậy, bạn vừa thể hiện sự cầu tiến, vừa có một căn cứ để lên kế hoạch thay đổi cái nhìn của sếp về bạn. Hãy tiếp tục hỏi ý kiến của họ làm sao để bạn tận dụng điểm mạnh và biến việc sửa đổi trở nên khả thi: "Tôi có kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực bán hàng, nhưng đúng là chưa có kinh nghiệm chăm sóc khách hàng. Tôi nên học hỏi ai trong công ty về vấn đề này?".

Điều đó cho thấy bạn có cái nhìn thực tế và có phương án để hiện thực hóa sự tiến bộ. Thậm chí, bạn có thể đề xuất học hỏi từ một đồng nghiệp giỏi để sếp tin tưởng hơn vào kế hoạch phát triển bản thân của bạn.

Hãy tìm cơ hội để được tiếp cận và báo cáo công việc để chứng minh sự tiến bộ của bạn. Đừng từ chối nếu được giao những công việc ngoài tầm, thay vào đó, chỉ rõ những hạn chế mà bạn có thể gặp phải và đề nghị sự hỗ trợ.

Thay vì che giấu những điểm yếu, và cố biến bản thân từ con số 0 trở thành anh hùng, hãy làm rõ những kỳ vọng của sếp, thể hiện năng lực của bạn và tạo ấn tượng như một người được việc.

Bị hiểu nhầm, bị ghét

Có thể không phải là bạn không được sếp tin tưởng, mà đơn giản là sếp có ấn tượng xấu và không thiện cảm với bạn. Đặc biệt, nếu sếp tránh giao tiếp bằng mắt với bạn, ít hơn đáng kể so với đồng nghiệp, thì đó là một dấu hiệu cho thấy họ cảm thấy không thoải mái với bạn.

Hoặc ngừng nói khi bạn bước vào phòng, hoặc tránh làm một việc gì đó chung với bạn. Nhưng hãy đảm bảo là sếp có cách cư xử này riêng với bạn, thay vì với tất cả mọi người. Một số lãnh đạo không giỏi giao tiếp xã hội sẽ tránh tiếp xúc với hầu hết mọi người.

Đôi khi sếp lạnh lùng không phải do bạn - Ảnh: Pexels.

Đôi khi sếp lạnh lùng không phải do bạn - Ảnh: Pexels.

Nếu bạn thực sự muốn cải thiện vấn đề này, hãy tìm hiểu những chủ đề nào thu hút được sự quan tâm của sếp và tạo cơ hội để khai thác đề tài đó. Các chủ đề liên quan đến công việc sẽ làm cho các cuộc hỏi đáp của bạn có vẻ ít lúng túng hơn so với việc thăm dò về cuộc sống cá nhân của sếp.

Hãy chú ý đến những gì sếp của bạn có vẻ đánh giá cao. Đặt câu hỏi về mối quan tâm đó theo hướng xây dựng là một cách. Và thực tế là con người có xu hướng thích những người thích họ nên nếu bạn muốn sếp thích mình, hãy thích họ trước.

Cuối cùng là ngôn ngữ cơ thể. Cách nói chuyện với lòng bàn tay mở về phía người đối diện, ở tầm ngang bụng khi nói chuyện với sếp sẽ tạo cảm giác chân thành, đáng tin. Một cách thụ động, sếp có thể sẽ cảm thấy thoải mái hơn với bạn.

Ngoài ra, để ý xem sếp của bạn là kiểu người tránh giao tiếp bằng mắt hay ngược lại, hãy ‘copy’ kiểu của họ để không tạo cảm giác tránh né hoặc hung hăng. Ngồi cùng phía, thay vì ngồi đối diện trong phòng họp. Nhận biết tín hiệu ngôn ngữ cơ thể của sếp và điều chỉnh bản thân cho phù hợp sẽ giúp bạn tăng cường kết nối.

Tập trung vào điều cốt lõi

Suy cho cùng, bạn không thể làm hài lòng mọi kiểu người trên đời. Những kinh nghiệm ở trên là để bạn có cuộc sống dễ dàng hơn, vì chúng ta không thể đòi hỏi người khác hiểu mình trong thời gian ngắn.

Trong một số trường hợp, bạn càng cố gắng càng tạo cảm giác là kẻ xu nịnh đáng ghét. Vì thế, điều quan trọng là bạn hãy làm tốt công việc của mình, cũng như học hỏi chuyên môn để tiến bộ hơn. Dù sếp của bạn là kẻ cảm tính thích xu nịnh, hay đơn giản là hiểu nhầm, thì cũng cần người làm được việc.

Nếu họ không cần, thì bạn cũng đã tích lũy được vốn kinh nghiệm cần thiết cho công việc để đi tìm một người sếp mới phù hợp hơn. Rất có thể sếp bạn là người tự ti sâu sắc về vấn đề nào đó và không cảm thấy thoải mái để khiến bạn trở nên tốt hơn, vậy bạn không thể chịu trách nhiệm cho điều đó. Hãy tập trung thời gian cho điều giá trị.

Điều cực kỳ quan trọng là bạn không nên phàn nàn về sếp với đồng nghiệp. Thay vì vậy, hãy bắt đầu xây dựng liên minh của bạn ở những nơi khác: với đồng nghiệp, với những người có uy tín trong nghề, với những chủ dự án tiềm năng… để mở ra mọi cơ hội có thể trong tương lai.

Feedback