Tiền rút bảo hiểm xã hội một lần sau 19 năm chỉ bằng 1 năm đi làm

21/03/2023 18:59 GMT+7

Ý kiến được nêu tại hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội do Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức ngày 21-3.

Tiền rút bảo hiểm xã hội một lần sau 19 năm chỉ bằng 1 năm đi làm - Ảnh 1.

Ông Củ Phát Nghiệp - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam - phát biểu tại hội nghị góp ý dự thảo Luật bảo hiểm xã hội do Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức

Rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ bất lợi

Ông Củ Phát Nghiệp - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam - chỉ ra rất nhiều bất lợi của việc rút bảo hiểm xã hội một lần để người lao động cân nhắc bằng phép tính rất cụ thể.

"Đi làm 19 năm, rút bảo hiểm xã hội một lần khoảng 140 - 150 triệu. Trong khi đó nếu làm công nhân tay nghề 19 năm thì thu nhập trung bình là 10 triệu/tháng. Một năm là 120 triệu. Thưởng Tết khoảng 20 triệu là 140 triệu, tương đương với khoản tiền rút bảo hiểm xã hội một lần mà anh mất 19 năm tích lũy", ông Nghiệp đưa ra phép tính.

Là một công ty sản xuất đang sử dụng trên dưới 50.000 lao động, ông Nghiệp cho biết công đoàn PouYuen luôn thuyết phục người lao động bảo lưu khoản đóng bảo hiểm xã hội để có thể hưởng lương hưu và bảo hiểm y tế khi về hưu.

"Giữ được bảo hiểm xã hội để sau này có lương hưu, có bảo hiểm y tế suốt đời thì về già con cái bớt lo lắng, yên tâm làm ăn. Có lương hưu thì cũng tự do, bớt lệ thuộc con cái, không phải chuyện gì cũng phải 'nhìn mặt con cái' nữa", ông Nghiệp chia sẻ thêm.

Đồng thời, ông đề nghị luật không nên kéo giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm bởi sẽ khiến người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần nhiều hơn gây xáo trộn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, nếu người lao động đi làm từ năm 20 tuổi, đến năm thứ 14 sẽ 34 tuổi họ nghỉ việc để rút bảo hiểm xã hội một lần. Có thể nhiều người sẽ nghĩ 35, 36 tuổi, sau khi rút bảo hiểm xã hội một lần, họ vẫn có thể làm việc thêm 15 năm, đóng lại từ đầu để hưởng lương hưu vẫn kịp. 

"Tương tự như khi có quá nhiều người ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng, ngân hàng sẽ sụp đổ, quỹ bảo hiểm xã hội cũng sẽ gặp bất ổn khi có quá nhiều người rút bảo hiểm xã hội một lần", ông Nghiệp nói thêm.

Lương một đằng, đóng bảo hiểm xã hội một nẻo

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia, đại diện công đoàn đã lý giải lý do vì sao người lao động không quá mặn mà với việc tích lũy bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.

Bà Nguyễn Thị Phát - chủ tịch công đoàn TNHH Nikkiso Việt Nam - nói bảo hiểm xã hội phải để người lao động nhìn thấy lợi ích thật sự nếu họ tích lũy bảo hiểm xã hội. Chẳng hạn nếu nghỉ việc thì trợ cấp thất nghiệp vẫn đủ để duy trì cuộc sống, khi về hưu thì lương hưu đủ sống mới hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần. 

Đề cập đến vấn đề này, ông Phạm Chí Tâm - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, chủ trì hội nghị - cũng cho rằng chất lượng lương hưu thấp, "đồng lương ở thời điểm khi về hưu còn chưa bảo đảm mức sống tối thiểu" nên người lao động càng muốn rút bảo hiểm xã hội một lần. 

"Tiền lương căn bản 5 triệu mà tiền nhà ở 10 triệu, tiền con nhỏ, cơm trưa… gấp 3-4 lần tiền lương căn bản để đóng bảo hiểm xã hội. Luật còn nhiều kẽ hở khiến doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động ở mức lương thấp hơn nhiều so với thu nhập thực tế. Nếu cứ đóng ở mức bình bình như vậy thì lương hưu khoảng 3,5 triệu sẽ không đủ sống", ông Tâm nói.

Ông Nguyễn Thành Đô - trưởng ban chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động TP.HCM - cũng nêu khi nói đến tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, phần lớn doanh nghiệp đều lấy lý do là người lao động không đồng ý đóng ở mức cao. Nếu câu chuyện "lương một đằng, đóng bảo hiểm xã hội một nẻo", dẫn đến lương hưu thấp không được giải quyết sẽ làm mất đi ý nghĩa của bảo hiểm xã hội, của lương hưu. 

Như vậy, để cải thiện chất lượng các chế độ bảo hiểm xã hội như trợ cấp thất nghiệp, lương hưu thì phải cải thiện mức đóng.

Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến lại cho rằng nên duy trì quy định hiện hành về mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (gồm lương và các phụ cấp, bổ sung ghi trong hợp đồng) thay vì phương án 2 là toàn bộ tiền lương và các khoản phụ cấp, bổ sung mà người lao động nhận được, kể cả các khoản đột xuất (nôm na là đóng trên toàn bộ thu nhập).

Bà Ung Thị Xuân Hương - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - nói với tỉ lệ đóng hiện nay khá cao là doanh nghiệp đóng 21,5%, người lao động đóng 10,5%, nếu đóng trên toàn bộ thu nhập sẽ gây sức ép cho doanh nghiệp và người lao động.

Feedback