Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn
Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn
Từ ngày 14/1/2024, CareerBuilder.vn chính thức đổi tên thành CareerViet.vn. Chi tiết xem tại đây.
Lượt xem: 5,767
Không phải nhân viên nào cũng dễ dàng trở thành người làm việc từ xa hiệu quả. Bạn không thể đơn giản là "đặt hàng" rồi hy vọng nhân viên WFH sẽ làm việc hết sức. Bạn cần hiểu nguồn gốc tạo động lực, và nguyên lý để thúc đẩy nó.
Động lực trong hàng ngũ dưới quyền là mối quan tâm của tất cả các cấp quản lý
Động lực trong hàng ngũ dưới quyền là mối quan tâm của tất cả các cấp quản lý. Nếu bạn đã từng gặp phải tình trạng thiếu động lực của nhân viên, bạn hẳn là biết các bên liên quan có thể bực bội thế nào. Bản thân bạn cũng sẽ có lúc cảm thấy bất lực với sự ì trệ của một nhân viên, hoặc một nhóm.
Tuy vậy, cũng có những tổ chức, dù nhân viên làm việc từ xa, thậm chí ở các múi giờ khác nhau, nhưng vẫn chăm chỉ và cùng nhau tạo nên các kết quả chất lượng. Vậy đâu là bí quyết của người lãnh đạo?
1. Nhận diện “động lực”
Trước hết, lãnh đạo thành công sẽ thấu hiểu lý do để tập thể của họ nỗ lực.
Động lực để mọi người phấn đấu được chia thành hai loại: tự thân và bên ngoài. Cá nhân nào cũng có hai loại động lực này, nhân viên của bạn cũng vậy.
Động lực tự thân: Nếu nhân viên của bạn có động cơ thực chất (Ví dụ: Điều gì đó mà bản thân họ thấy rất bổ ích), họ sẵn sàng làm điều đó. Ví dụ, anh ta hoặc cô ta đọc tiểu thuyết hoặc xem chương trình truyền hình vì thích cảm giác khám phá, tận hưởng...
Vậy để thúc đẩy động lực tự thân của họ, bạn có thể tập trung vào 5 lĩnh vực sau để thúc đẩy động lực tự thân cho các thành viên trong nhóm:
- Kỹ năng đa dạng: Công việc này có nhiều nhiệm vụ thú vị không? Các công việc khiến người ta thích thú nhất luôn cung cấp những trải nghiệm đa dạng.
- Quy mô trách nhiệm: Nhân viên có được hoàn thành một dự án từ đầu đến cuối hay chỉ chịu trách nhiệm hạn chế trong một số khâu? Những người được làm cả dự án hoặc một nhiệm vụ nhất định xuyên suốt dự án sẽ cảm thấy được kết nối và có trách nhiệm hơn.
- Ý nghĩa nhiệm vụ: Khi các thành viên trong nhóm cảm thấy hành động của họ mang lại tác động tích cực, họ sẽ có động lực hơn.
- Mức độ tự chủ: Các thành viên có được tự mình đưa ra quyết định trong phạm vi trách nhiệm của họ, hay họ cần được sự chấp thuận của cấp cao hơn? Những người được tự do quyết định cách thực hiện công việc của họ (kèm báo cáo rõ ràng) khả năng sẽ có động lực hơn.
- Phản hồi: Các thành viên trong nhóm có nhận được thông tin chi tiết về nguồn lực dự án, mục tiêu công việc cũng như phản hồi của cấp trên về kết quả, tiến độ của họ không? Nếu phải loay hoay trong nhiệm vụ mơ hồ hoặc không nhận được phản hồi, nhóm của bạn sẽ nghi ngờ rằng bạn không thực sự quan tâm đến công sức của họ.
Động lực bên ngoài: Tập trung vào kết quả - anh ta/ cô ta làm điều gì đó để có được phần thưởng hoặc tránh bị trừng phạt. Ví dụ, động lực bên ngoài để họ tham gia một khóa học trực tuyến nhàm chán là nó sẽ giúp họ có được sự thăng tiến như mong muốn.
Ba yếu tố này kết hợp với nhau sẽ trở thành một động lực hiệu quả:
- Hiệu suất: Đội của bạn cần có hy vọng rằng sự gia tăng nỗ lực sẽ mang đến gia tăng hiệu suất. Nói cách khác, họ cần tin rằng họ có thể kiểm soát được kết quả công việc.
- Thành quả: Sự gia tăng hiệu suất cần dẫn đến phần thưởng. Điều đó có nghĩa là nhóm của bạn cần tin rằng sự chăm chỉ của họ sẽ được đền đáp.
- Giá trị: Phần thưởng mà bạn hứa hẹn cần hấp dẫn. Nếu các thành viên vốn không thích, họ sẽ không cố gắng để có được nó.
Những thông tin trên giúp bạn nhận biết và áp dụng để truyền cảm hứng cho các thành viên trong nhóm của mình. Các động lực nên được áp dụng trong những công việc khả thi. Bởi khi một nhân viên cảm thấy họ không thể thực hiện nhiệm vụ được giao, hoặc cấp trên sẽ không thực hiện lời hứa, thì họ sẽ mất tinh thần.
Ở mức độ cao hơn, động lực liên quan đến những giá trị chung mà một người đi làm hướng đến. Cốt lõi của việc tạo động lực là giúp nhân viên của bạn biết cách để đạt được những gì họ mong muốn từ công việc: thành tựu cá nhân, cảm giác được ghi nhận, vai trò quan trọng... Giúp họ đạt được những gì họ muốn và họ sẽ đưa công ty của bạn lên một tầm cao mới.
2. Duy trì động lực cho nhóm WFH
Khi không làm việc trong cùng một môi trường, mặt đối mặt, một cá nhân không có động lực sẽ làm việc kém hiệu quả hơn nữa. Hậu quả từ công việc của họ có thể ảnh hưởng đến năng suất, động lực của các thành viên khác trong nhóm. Nói cách khác, việc tự hài lòng và hạ tiêu chuẩn rất dễ lây lan.
Đó là lý do tại sao bạn cần chú ý đến thái độ của các nhân viên dưới quyền. Khi bạn hành động để giúp nhóm của mình có động lực hơn, bạn sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp hơn:
- Tăng năng suất: Động lực cao giúp họ làm việc nhanh và đóng góp nhiều hơn, thúc đẩy năng suất của họ.
- Giảm tình trạng “đốt thời gian”: Dù là WFH, nhân viên có động lực sẽ vui vẻ có mặt và làm việc thực sự tại bàn làm việc của họ, chứ không online cho có.
- Cải thiện tính chủ động: Nhân sự có động lực có xu hướng chủ động hơn và tìm cách cải thiện cách thức làm việc.
- Giảm tỷ lệ thay nhân sự: Nhân viên có động lực sẽ có nhiều khả năng ở lại làm việc hơn.
Duy trì động lực cho nhóm Work From Home
3. Cách đo lường động lực
Bạn muốn tăng cường động lực cho cả nhóm? Bước đầu tiên cho kế hoạch này là bạn xác định được vạch xuất phát thông qua việc đo lường. Đo lường giúp bạn biết được hiện tại nhóm đang ở mức độ nào và nỗ lực của bạn sau một thời gian nhất định có hiệu quả hay không.
Hãy thử một cuộc khảo sát ngắn gọn, không quá 10 câu hỏi. Tốt nhất nên để các thành viên trong nhóm cảm thấy đây là nhiệm vụ nhanh chóng và không quá áp lực.
Nội dung bao gồm: Cảm giác của họ đối với phần việc được giao; mối quan hệ công việc giữa họ với các thành viên khác và cấp trên; mong muốn của họ trong công việc.
Ví dụ:
- Bạn có cảm giác kích thích, được khuyến khích khi làm công việc của mình không? (Có/ Không).
- Các đề xuất của bạn đã được cấp trên xem xét như bạn mong muốn chưa? (Không bao giờ/ Thỉnh thoảng/ Khoảng một nửa số đề xuất/ Hầu hết / Luôn luôn).
- Cấp trên có thể làm gì để giúp bạn có hứng khởi trong công việc hơn? (câu hỏi mở).
Các thành viên bận rộn có thể trả lời các câu hỏi mở một cách hời hợt, nhưng hãy khuyến khích họ. Vì những câu hỏi đó thường mang lại cái nhìn sâu sắc nhất cho bạn với tư cách là một nhà lãnh đạo. Hy vọng bạn có thể lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu thực sự của họ. CareerBuilder sẽ tiếp tục cung cấp cho bạn phương pháp cải thiện động lực cho nhân viên trong các bài viết khác.
Nguồn : CareerViet
Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn
Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn