Sign up for the Latest Industry News, Tips and Advice with CareerViet.vn
Sign up for the Latest Industry News, Tips and Advice with CareerViet.vn
Từ ngày 14/1/2024, CareerBuilder.vn chính thức đổi tên thành CareerViet.vn. Chi tiết xem tại đây.
Views: 5,585
Đại dịch đã làm thay đổi đáng kể cách thức làm việc trong vài tháng qua. Điều này khiến nhiều quản lý đau đầu về việc đánh giá hiệu suất công việc. Làm thế nào để nắm bắt được đóng góp của nhân viên WFH, nhận xét họ một cách chính xác và duy trì sự tin tưởng?
Những gợi ý dưới đây nếu được thực hiện đúng, không chỉ giúp người quản lý đánh giá hiệu suất của nhân viên mà còn có thể tạo động lực, thúc đẩy sự phát triển của cấp dưới dù WFH.
Cách đánh giá hiệu suất của nhân viên WFH
Tạo bảng đánh giá
Đây là việc đầu tiên cần làm. Cách theo dõi định lượng với các tiêu chí cụ thể về chất lượng, hiệu quả, sẽ giúp bạn đánh giá có trọng tâm và tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người.
Bạn có thể tham khảo các bảng đánh giá trên mạng để chọn những yếu tố phù hợp nhất với từng đặc thù công việc. Ví dụ, nhân viên được đánh giá dựa trên các yếu tố như: mục tiêu đạt được, tính kỷ luật, tính chuyên cần, tinh thần làm việc, kỹ năng chuyên môn… Nếu được, hãy gửi bảng này cho các thành viên trong nhóm, giúp họ hiểu mình được ‘chấm điểm’ như thế nào.
Khuyến khích tự đánh giá
Tự đánh giá tạo điều kiện cho người lao động nhìn nhận mục tiêu, trách nhiệm, điểm mạnh và điểm yếu của họ. Bác Hồ từng nói: “Người có tự phê bình, mới tiến bộ”. Thực vậy, tự nhận xét mang lại những lợi ích:
- Nhân viên tự xem lại bản thân, hiểu hơn về những gì đã làm được và những gì cần cải thiện.
- Người quản lý biết được cấp dưới có hiểu chính xác vai trò của họ không, đồng thời, hiểu hơn về quan điểm của nhân viên.
Thông thường, bảng tự đánh giá gồm các mục như mô tả công việc, mục tiêu đã đạt được, tiến độ cải thiện, thành tích xuất sắc, nhược điểm cần cải thiện... Có thể cân nhắc gửi nhân viên bản đánh giá mẫu trước..
Ưu tiên họp online
Sau bước tự đánh giá là cuộc thảo luận 1-1 giữa quản lý và nhân viên. Cuộc thảo luận này có thể trở nên phức tạp, tiềm ẩn nhiều khúc mắc giữa công ty và người lao động.
Cuộc thảo luận 1-1 giữa quản lý và nhân viên
WFH khiến cuộc thảo luận này còn khó khăn hơn do thiếu giao tiếp trực tiếp. Nhưng tiến hành đánh giá 1-1 qua các ứng dụng họp trực tuyến như Zoom, Google Meet vẫn hơn là chỉ thông báo một chiều qua email hay Google Drive. Một cuộc thảo luận minh bạch và rõ ràng sẽ giải quyết nhiều khúc mắc trong giai đoạn vốn đã khó kiểm soát hiệu quả.
Đừng quên thiết lập quy tắc họp online và gửi cho nhân viên trong nhóm để các cuộc họp được tổ chức hiệu quả và tiết kiệm thời gian nhất có thể.
Nhận xét rõ ràng, chuẩn bị dữ liệu
Người lãnh đạo luôn được cấp dưới kỳ vọng đưa ra nhận xét thật cụ thể. Bạn hãy tránh nhận định mơ hồ vì chúng có khả năng giảm tinh thần làm việc của họ.
Điều này càng trở nên quan trọng hơn trong thời đại WFH. Thận trọng khi giao tiếp và nhận xét: nói chuyện rõ ràng rành mạch, thể hiện quan điểm qua dữ liệu… sẽ giúp bạn tránh được hiểu lầm không đáng có.
Ví dụ: Nếu nhân viên kinh doanh đang gặp khó khăn trong việc giải quyết dứt điểm các đơn hàng, hãy trình bày dữ liệu thực tế (tổng doanh thu, danh sách khách hàng tiềm năng, chi phí trung bình cho mỗi khách hàng tiềm năng...) trong lúc chỉ ra các khâu cần rút kinh nghiệm. Thông qua những dữ liệu này, họ chắc chắn sẽ hiểu rõ vấn đề hơn.
Đối thoại hai chiều
Đừng đóng vai ‘người phán xử’ khi đánh giá nhân viên. Thay vào đó, hãy tạo nên một cuộc đối thoại hai chiều cởi mở với họ.
Hãy dành thời gian để lắng nghe phản hồi của nhân viên. Đây là cơ hội để bạn biết được suy nghĩ, quan điểm của họ. Sau đó, một chút động viên, khích lệ cấp dưới làm việc tốt hơn cũng như đặt ra phương án giải quyết vấn đề nếu được sẽ giúp họ có niềm tin vào tương lai hơn.
Đánh giá thường xuyên
Đừng đợi hết 6 tháng, hoặc cuối năm mới đánh giá hiệu suất. Xét cho cùng, những nhận xét của cấp trên sẽ hữu ích khi được đưa ra thường xuyên. Nhiều công ty đang tiến tới việc đánh giá nhân viên liên tục hàng tháng, hàng quý.
Hơn thế nữa, khi WFH, thường xuyên đánh giá giúp cấp trên gắn kết với nhân viên hơn. Đội quân làm việc tại gia của bạn sẽ nhận được phản hồi kịp thời về công việc, duy trì động lực và có thể cải thiện năng suất.
Kết
Với những bí quyết trên, người quản lý có thể xây dựng được quy trình đánh giá vừa chính xác, vừa minh bạch và hiệu quả. Lúc đầu, bạn có thể mất nhiều thời gian, nhưng sau đó, mọi việc trở thành quy trình chuẩn và nhanh gọn. Quan trọng hơn hết, một quy trình bài bản, quy củ và cởi mở chắc chắn sẽ giúp xây dựng lòng tin với người lao động và thúc đẩy sự phát triển của họ.
Source : CareerViet
Sign up for the Latest Industry News, Tips and Advice with CareerViet.vn
Sign up for the Latest Industry News, Tips and Advice with CareerViet.vn