Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 5,237
Tình trạng các công ty “ma” không có giấy phép vẫn đưa người đi lao động ở nước ngoài để thu tiền, lừa đảo người dân đã và đang xảy ra nhiều năm qua, và vẫn còn hết sức nhức nhối. Cổng TTĐT Chính phủ đã phỏng vấn ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) về thực trạng và giải pháp cho vấn đề này.
Chưa xoá được tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động
Ông đánh giá như thế nào về tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động hiện nay?
Ông Tống Hải Nam: Hiện nay có khoảng 500 doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép đưa người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng. Danh sách các công ty này được công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn).
Trong những năm gần đây, nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của người lao động trong nước lớn, dẫn đến những cá nhân hoặc tổ chức không có chức năng, không được cấp giấy phép hoạt động nhưng vẫn đứng ra tuyển dụng, thu tiền của người lao động dẫn đến tình trạng lừa đảo người lao động.
Hằng năm, Cục Quản lý lao động ngoài nước đều có chương trình tuyên truyền phổ biến thông tin trên các cơ quan truyền thông lớn về lĩnh vực này đến nhân dân, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa cần tìm hiểu kỹ, không cả tin khi đi lao động ở nước ngoài. Trước các thông tin này, cần tìm hiểu cẩn thận qua trang website của Cục để không bị lừa đảo, “tiền mất, tật mang”.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã có các văn bản yêu cầu các Sở Bộ LĐ-TB&XH trong cả nước triển khai công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân.
Chúng tôi đã cung cấp và phối hợp với cơ quan công an để xác minh, điều tra làm rõ khi nhận được các đơn tố cáo, khiếu kiện của người lao động. Đến nay, cơ quan điều tra các cấp để xử lý nhiều vụ lừa đảo xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, chúng ta vẫn chưa xoá được hết tình trạng lừa đảo này vì thông tin có khi không đến được với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Cần giải pháp thế nào trong việc ngăn chặn tình trạng các công ty “ma” lừa đảo xuất khẩu lao động hiện nay?
Ông Tống Hải Nam: Ở đây, chúng tôi thực hiện cả phòng và chống. Đối với phòng, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc và địa phương về đẩy mạnh truyền thông qua nhiều kênh, nhất là Cổng thông tin của Cục Quản lý lao động ngoài nước tại www.dolab.gov.vn, Cổng Thông tin điện tử của Bộ LĐ-TB&XH (www.molisa.gov.vn) thường xuyên đăng tải các thông tin liên quan đến xuất khẩu lao động như về thị trường lao động mà người Việt Nam có thể sang làm việc, thông tin về nhu cầu, thông tin cụ thể từng hợp đồng đã được doanh nghiệp đăng ký và được Cục chấp thuận cho triển khai để làm các thủ tục cần thiết.
Chúng tôi tha thiết kêu gọi những người lao động có mong muốn, nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trước khi đến gặp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hay người môi giới, cần kiểm tra thông tin trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, của Cục Quản lý lao động ngoài nước về tất cả thông tin đi làm việc ở nước ngoài để tìm đúng người, đúng địa chỉ mà ở đây là những doanh nghiệp có giấy phép.
Tất cả 500 doanh nghiệp có giấy phép đều được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Cục, người dân có thể vào xem công ty A, công ty B có giấy phép hoạt động hay không. Ở các địa phương, người lao động có thể đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận, huyện để tìm hiểu thông tin cụ thể, hoặc gọi về đường dây nóng của Cục Quản lý lao động ngoài nước để chúng tôi giải đáp tất cả các thắc mắc, băn khoăn và lo lắng của bà con.
Người lao động khi đến các công ty mà họ quảng cáo đưa người đi làm việc ở nước ngoài thì có thể đề nghị họ đưa xem giấy phép của Bộ LĐ-TB&XH cấp. Trong quá trình ký hợp đồng, yêu cầu doanh nghiệp công khai tất cả các điều kiện, quyền và nghĩa vụ, nhất là khi nộp các khoản tiền, loại phí thì yêu cầu doanh nghiệp phải có phiếu thu có đóng dấu để làm căn cứ cơ quan có thẩm quyền xử lý khi phát sinh tranh chấp, khiếu kiện.
Về công tác chống, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, kiểm sát ở Trung ương và địa phương để cùng vào cuộc xử lý. Mỗi khi chúng tôi nhận được thông tin về các vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, chưa nói đến là lừa đảo, chúng tôi đều vào cuộc ngay. Nếu công ty có giấy phép, chúng tôi sẽ xử lý ngay nếu sai phạm. Nếu cá nhân hoặc tổ chức không có giấy phép là lừa đảo thì chúng tôi sẽ cung cấp thông tin ngay cho cơ quan công an vào cuộc điều tra, xử lý.
Trong những năm qua, rất nhiều vụ việc lừa đảo xuất khẩu lao động đã được cơ quan công an xử lý, thông qua các thông tin chúng tôi cung cấp, trả lại hàng tỷ đồng cho người lao động bị các cá nhân, tổ chức chiếm dụng của người lao động.
Đối với những trường hợp người lao động bị những người không có chức năng, giấy phép đưa ra nước ngoài làm việc rồi (đưa người đi lao động bất hợp pháp ở nước ngoài – phóng viên) thì cũng có thể liên hệ với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để được giúp đỡ về bảo hộ công dân và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước có 6 ban quản lý lao động tại các nước đang tiếp nhận nhiều lao động người Việt Nam làm việc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Đài Loan (Trung Quốc), Ả rập-Xê út.
Hãy liên lạc với Cục khi thấy nghi ngờ
Vậy Cục Quản lý lao động ngoài nước có hỗ trợ trực tiếp, cụ thể gì khi người lao động cần giúp đỡ, thưa ông?
Hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước có số điện thoại đường dây nóng để người lao động có thể liên hệ trực tiếp qua số điện thoại: 04 38249517, các số máy lẻ: 511, 512, 513 để người lao động có thể liên hệ thường xuyên mà bất cứ người lao động khi gặp khó khăn để được sự trợ giúp từ việc kiểm tra thông tin, nghi ngờ mức phí tuyển dụng cao chưa đúng theo quy định đều được giải đáp và chúng tôi sẽ kiểm tra ngay.
Nếu doanh nghiệp thu sai, chúng tôi sẽ xử lý doanh nghiệp, yêu cầu hoàn trả cho người lao động, nếu trường hợp đấy là doanh nghiệp hoặc cá nhân không có giấy phép thì chúng tôi sẽ tư vấn cho người lao động cách xử lý vụ việc và chuyển ngay thông tin đó cho cơ quan công an để điều tra.
Chúng tôi xin được nhắc lại, nếu bất cứ khi nào người lao động từ khi tìm hiểu thông tin đến quá trình làm thủ tục, đóng tiền hoặc đưa đi đều có thể liên hệ với chúng tôi để được tư vấn kịp thời, xử lý nghiêm minh và chuyển cơ quan công an khi có dấu hiệu lừa đảo.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, nếu doanh nghiệp xuất khẩu lao động nào có giấy phép mà có dấu hiệu lừa đảo sẽ tước giấy phép ngay. Vậy thời gian qua, các ông đã thực hiện chỉ đạo này ra sao?
Ông Tống Hải Nam: Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, chúng tôi làm nghiêm việc này. Cụ thể, chưa cần nói lừa đảo người lao động, chỉ cần doanh nghiệp có giấy phép mà làm sai quy định đến mức tước giấy phép là chúng tôi làm ngay như đưa lao động đi làm việc mà chưa đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng chứ chưa nói là lừa đảo đã bị tước giấy phép, nếu lừa đảo thì báo ngay cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố xử lý hình sự, điều này cũng được quy định rõ trong Luật đưa người Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài.
Chúng tôi đã tước giấy phép nhiều doanh nghiệp sai phạm. Chỉ tính từ tháng 7/2020 đến nay chúng tôi đã tước giấy phép của 5 doanh nghiệp sai phạm.
Nhiều cơ quan chưa làm hết trách nhiệm của mình
Vậy trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương như thế nào khi để các công ty lừa đảo treo biển quảng cáo đưa người đi xuất khẩu lao động mà không biết, thưa ông?
Ông Tống Hải Nam: Hiện nay, đã có rất nhiều cuộc họp về vấn đề này như Hội nghị của ngành Lao động đều nêu rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương về quản lý nhà nước trên địa bàn của mình. Người ta trưng biển về xuất khẩu lao động thì cần kiểm tra xem công ty, chi nhánh này có phải thật hay không? Có được cấp phép hay không? Hoạt động có vấn đề gì trên địa bàn hay không?
Chúng tôi cung cấp thường xuyên cho các địa phương về doanh nghiệp có giấy phép cho nên địa phương có quyền kiểm tra, nếu sai có thể xử phạt. Như doanh nghiệp chỉ được tư vấn mà tuyển chọn hoặc thu tiền người lao động là sai phép, địa phương có thể xử phạt hoặc báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý. Nếu có dấu hiệu lừa đảo thì chuyển cơ quan công an xử lý.
Đồng thời, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài truyền thông xã, huyện và của tỉnh về lĩnh vực này để người dân nâng cao hiểu biết, không để bị lừa đảo. Chúng tôi mong muốn các địa phương cùng đồng lòng với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội để hạn chế thấp nhất những sai phạm, lừa đảo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Người lao động phản ánh, khi bị lừa đảo họ gửi đơn tố giác tội phạm ra cơ quan công an thì lại được trả lời gửi ra toà án?
Ông Tống Hải Nam: Các doanh nghiệp trưng biển mà địa phương nói không biết là điều khó tin. Ngay việc rất nhỏ thì người dân địa phương cũng biết, chính quyền cũng biết như việc sửa cái nhà, thay cái cửa nếu không xin phép thì đều bị phát hiện, xử lý.
Từ năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH đã có Chỉ thị chấn chỉnh công tác xuất khẩu lao động gửi các địa phương nhằm đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, xử lý đối với vấn đề này.
Còn việc người dân làm đơn tố giác tội phạm vì có dấu hiệu lừa đảo mà cơ quan công an hướng dẫn ra toà án là không đúng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Source: Báo chính phủ
Please sign in to perform this function