Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 5,150
Hành vi không tuân thủ quy định khi chấm dứt hợp đồng không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn vi phạm quyền lợi người lao động
Mặc dù đã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn 1 năm (từ ngày 1-7-2023 đến 30-6-2024) với Công ty TNHH Vận tải Thương mại Long Vân Limousine chi nhánh TP HCM (trụ sở chính đặt tại tỉnh Đắk Lắk, chi nhánh tại quận Bình Thạnh, TP HCM) nhưng chỉ vì không chấp hành chỉ thị của giám đốc chi nhánh về việc giữ con dấu và thực hiện kiểm kê tài sản tại chi nhánh, chị Tô Ngọc Quỳnh Như, nhân viên hành chính - nhân sự, đã bị buộc thôi việc. Quyết định cho thôi việc đối với chị Như được công ty ban hành chỉ sau 1 ngày kể từ khi xảy ra vụ việc.
Trình bày lý do từ chối giữ con dấu, chị Như cho biết khu vực chị làm việc không có tủ nên không có nơi bảo quản con dấu. Hơn nữa, trước đó, do không phải là người được phép giữ con dấu nên khi được giao nhiệm vụ, chị đã yêu cầu bà Lê Thị Mỹ Linh, giám đốc chi nhánh, có chỉ thị bằng văn bản nhưng không được chấp thuận.
Đối với việc kiểm kê tài sản, chị Như cũng yêu cầu công ty có văn bản cũng như quyết định thành lập ban kiểm kê nhằm thực hiện cho đúng quy trình. Song, đáp lại đề nghị này, đại diện chi nhánh yêu cầu chị Như nghỉ việc vì không hoàn thành nhiệm vụ. Sự việc xảy ra vào ngày 8-8-2023, ngày 9-8-2023 chị Như nhận quyết định cho thôi việc.
Luật sư tư vấn cho người lao động tại điểm tư vấn pháp luật do LĐLĐ huyện Hóc Môn, TP HCM tổ chức
Chị Như không phải là trường hợp cá biệt bị công ty này đột ngột cho nghỉ việc. Sau gần 1 năm làm việc, vào tháng 9-2023, anh Nguyễn Huy Khiêm, nhân viên dựng phim, cũng bị cho thôi việc thông qua tin nhắn của bà Lê Thị Mỹ Linh, với lý do công ty gặp khó khăn. Anh Khiêm cho hay theo thỏa thuận khi nhận việc, anh được trả lương 20 triệu đồng/tháng, đóng BHXH đầy đủ; hình thức làm việc toàn thời gian, linh hoạt tại nhà.
Qua tin nhắn gửi ngày 13-9-2023, bà Linh thông báo cho anh nghỉ việc kể từ ngày 14-9-2023. Thay vào đó, công ty sẽ tạo điều kiện để anh làm việc tại nhà theo kiểu Outsource (thuê ngoài), khoảng 10 ngày/tháng, trả lương theo gói công việc thực hiện, thay vì làm việc toàn thời gian như trước đây, song anh Khiêm không đồng ý.
Làm việc với phóng viên vào đầu tháng 11-2023, ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Thương mại Long Vân Limousine, phủ nhận việc đã ký HĐLĐ với anh Khiêm và cho hay anh chỉ là nhân viên thuê ngoài. Nay công ty không có nhu cầu thuê nên chấm dứt hợp tác. Đối với trường hợp chị Như,
ông Long khẳng định lý do cho thôi việc là vì người lao động (NLĐ) không hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời công ty có đủ bằng chứng để chứng minh việc chấm dứt HĐLĐ đối với chị Như là đúng quy định. Phía NLĐ cho hay đang thực hiện thủ tục để khởi kiện ra tòa đòi quyền lợi.
Theo luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, người sử dụng lao động (NSDLĐ) có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ trong một số trường hợp quy định tại điều 36 Bộ Luật Lao động năm 2019.
Riêng với trường hợp chấm dứt HĐLĐ với NLĐ vì lý do thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ thì phải căn cứ vào quy chế của doanh nghiệp (DN) để xác định mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do DN ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở. Bên cạnh đó, khi chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp này, NSDLĐ phải tuân thủ đúng thời hạn báo trước cho NLĐ theo quy định.
Vụ tranh chấp lao động xảy ra giữa ông Nguyễn Văn Tuấn và Công ty TNHH B.V (tỉnh Tiền Giang) xảy ra cách đây ít lâu là một điển hình. Trước đó, vào ngày 24-5-2023, sau gần 9 năm làm việc, ông Tuấn nhận được quyết định chấm dứt HĐLĐ từ công ty với lý do thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ. Thời gian bắt đầu nghỉ việc cũng là ngày 24-5-2023. Không đồng tình với quyết định của công ty, ông Tuấn khởi kiện ra tòa, yêu cầu công ty hủy bỏ quyết định chấm dứt HĐLĐ và bồi thường cho hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.
Tại tòa, phía công ty đã xuất trình Biên bản thẩm định và đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh, Quyết định về việc thành lập đội quản lý chất lượng theo HACCP (trong đó bổ nhiệm ông Tuấn làm đội trưởng) để khẳng định ông Tuấn không hoàn thành công việc theo HĐLĐ.
Tuy nhiên, theo hội đồng xét xử, công ty không cung cấp được chứng cứ mô tả công việc cụ thể và trách nhiệm kèm theo của ông Tuấn. Công ty cũng chưa lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản để ông Tuấn khắc phục. "Công ty căn cứ vào kết luận về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở không đạt làm căn cứ để xác định vi phạm và lỗi thuộc về ông Tuấn là không có cơ sở.
Khi ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ với ông Tuấn, công ty không có căn cứ để đánh giá mức độ không hoàn thành công việc, không thực hiện việc thông báo trước 45 ngày cho NLĐ biết. Vì vậy quyết định chấm dứt HĐLĐ của công ty là không hợp pháp" - tòa nhận định. Từ đó, hội đồng xét xử đã tuyên hủy quyết định chấm dứt HĐLĐ và buộc công ty bồi thường cho ông Tuấn gần 113 triệu đồng.
Source: Người lao động
Please sign in to perform this function