Ở doanh nghiệp, họ là những người "hét ra lửa", một chữ ký liên quan đến bạc tỷ song trên lớp, những học viên doanh nhân cũng quay cóp, nhìn ngang ngửa, thắc mắc tranh luận với thày cô một cách rất trẻ con.
Tổng giám đốc Tổng công ty sách VN Trần Tấn Ngô cho hay lớp cao học tại Khoa quản trị kinh doanh Đại học quốc gia Hà Nội (HSB) của ông có khá nhiều học viên giữ những cương vị cao như Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đinh Tiến Dũng, Phó chủ tịch tỉnh Yên Bái Trần Văn Ngọc...song trên lớp, họ thân mật, trẻ trung như thời sinh viên.
Ông Ngô kể những doanh nhân đi học không có mục đích nhặt nhạnh những con số vụn vặt mà chủ yếu tổng hợp kiến thức. "Trước kia cứ có đầu sách mới nào về kinh tế anh em cũng trình lên nhưng nhiều khi tôi không nắm được, sau khi học chỉ cần liếc qua 2 trang tôi có thể biết quyển nào hay dở". Khi học về marketing, ông Ngô vi hành làm cuộc khảo sát nhỏ và yêu cầu nhân viên trình bày lại toàn bộ gian hàng làm sao cho thật hấp dẫn, "đập vào mắt" khách hàng, rồi ông quyết định thực hiện tiếp thị lớn qua chương trình "Mỗi ngày một cuốn sách" trên truyền hình.
Tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn - một đại gia trong giới kinh doanh bất động sản lại quan tâm tới kỹ năng đàm phán và quản trị dự án. "Thực hiện nhiều dự án song không phải lúc nào mình chỉ đạo anh em cũng khiến họ nể. Giờ có kiến thức biết chỗ nào sai mình chỉ ra ngay được", ông nói.
Với doanh nhân khó khăn lớn nhất đối với họ là thời gian. Chính vì vậy các chương trình đào tạo hướng tới đối tượng này thường được thiết kế rất đặc biệt. HSB liên kết với trường đại học Hawaii nhưng có phiên dịch, học vào 2 ngày nghỉ cuối tuần, trong một tháng chỉ học 2 tuần rưỡi để không tạo cho học viên sự căng thẳng. Chương trình đào tạo thạc sỹ về tài chính - ngân hàng của Trung tâm đào tạo Pháp Việt (CFVG)mời toàn bộ giáo sư từ Pháp sang giảng dạy bằng tiếng Anh nhưng cũng học vào tối thứ bảy, chủ nhật.
Trong khi các chương trình "nội" liên tục than phiền về tình trạng học viên không có mặt tại cơ sở đào tạo, thuê người học hộ, không tham gia hoạt động nghiên cứu thì doanh nhân tham gia các khóa học có yếu tố ngoại lại rất chăm chỉ. Lý do khiến họ thích thú là giáo trình rất thực tiễn, học viên tìm được cái mà họ cần tại nhà trường. Chẳng hạn, các giảng viên tại CFVG gửi bài giảng từ Pháp sang, trung tâm đóng thành sách cho học viên. Một môn học có khoảng 30 giờ, trong đó 24 giờ do giáo viên nước ngoài đảm nhiệm, số thời gian còn lại trung tâm mời các chuyên gia của Bộ Tài chính, UBCKNN và giám đốc các ngân hàng đến nói chuyện thực tiễn, học viên có thể trao đổi hỏi thoải mái tại những buổi như vậy.
Khác với các chương trình của VN khi tuyển sinh luôn yêu cầu học viên có chứng chỉ tiếng Anh như TOELF, IELTS hoặc TOEIC, các doanh nhân đánh giá khả năng ngoại ngữ của họ qua phỏng vấn và kỹ năng làm hồ sơ. Nguyễn Phương Nhung, hiện đang công tác tại Ngân hàng SEA Bank cho biết, hoàn thiện bộ hồ sơ đăng ký học là cả một công trình bởi các giáo sư đưa ra các yêu cầu rất mở, khi hỏi về nghề nghiệp luôn là mô tả vị trí hiện tại, những nhiệm vụ, công việc thường ngay thay vì chọn và đánh dấu vào thông tin có sẵn như các trường VN vẫn làm.
Yêu cầu đầu vào khá khắt khe, song VN càng mở cửa nhu cầu học của giới doanh nhân, chuyên gia càng lớn. Theo khảo sát của Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam mới đây, nhu cầu đào tạo quản lý của doanh nghiệp sẽ tăng gấp 7,5 lần trong 1-2 năm tới.