Những năm gần đây nhiều SV Việt Nam chọn Nhật Bản là điểm đến du học nhờ việc dạy tiếng Nhật trong nước đã phổ biến và còn vì bị thuyết phục bởi một đất nước phát triển mạnh cả về kinh tế lẫn khoa học kỹ thuật. Kinh nghiệm học tập SV Việt Nam theo học ở bậc CĐ (3 năm), ĐH (4 - 6 năm), sau ĐH, hoặc theo các chương trình giao lưu hợp tác giữa 2 trường ĐH tại Nhật Bản có thể chia làm 2 dạng: SV quốc phí và sinh viên tư phí (hay ta thường gọi là du học tự túc). SV quốc phí có lợi điểm là không phải đóng tiền học và được hỗ trợ mức học bổng hằng tháng khá cao từ Chính phủ Nhật Bản.
Học phí của các trường ĐH ở Nhật Bản rất cao (trong đó trường tư thường gấp 3 trường công), nhất là đối với các trường ĐH lớn và nổi tiếng. Nếu du học dạng SV tư phí, người học cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về vốn tiếng Nhật. Thực tế, vốn tiếng Nhật tốt trước khi vào ĐH là một lợi thế rất lớn của các SV tư phí. Vì phải tự túc mọi sinh hoạt nên các SV dạng này thường phải đi làm thêm và chính việc này giúp SV có điều kiện nâng cao khả năng giao tiếp cũng như kinh nghiệm sống trong xã hội Nhật. Tuy vậy, việc đi làm thêm chiếm khá nhiều thời gian cũng ảnh hưởng không tốt đến việc học, nhất là khi vào giai đoạn chuyên ngành có khối lượng kiến thức lớn cần có nhiều thời gian đầu tư cho việc học.
Trước khi nhận học bổng du học Nhật Bản, Nguyễn Toàn là học sinh lớp chuyên Toán trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa), sau đó là sinh viên lớp Cử nhân tài năng Toán-Tin của trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Khoảng giữa học kỳ 2 năm thứ nhất, Toàn tình cờ biết được thông báo về học bổng du học Nhật. Thấy đủ điều kiện (điểm trung bình học kỳ 1 trên 8.0 và có bằng C Anh văn hoặc TOEFL 550 trở lên) nên Toàn đăng ký thi học bổng này và được chọn du học hệ ĐH tại Nhật. Sau một năm tập trung học tiếng Nhật ở trường ĐH Ngoại ngữ Osaka, Toàn hiện là SV năm thứ hai khoa Khoa học máy tính (trường ĐH Công nghệ Tokyo).
Theo kinh nghiệm của Toàn, để học tập có hiệu quả tại Nhật Bản, sinh viên cần tích cực trau dồi tiếng Nhật, chăm chỉ đi học và làm bài tập đầy đủ vì giảng viên Nhật đánh giá cao những sinh viên cần cù, chăm chỉ; có nhiều học bổng đặc biệt dành cho các SV giỏi và đi học chuyên cần. Ngoài ra, SV cần rèn luyện tính tập thể và tính kỷ luật, tích cực làm quen với bạn người Nhật, khi gặp khó khăn đừng ngần ngại hỏi SV bản xứ vì hầu hết họ rất sẵn sàng giúp đỡ SV nước ngoài.
Tìm học bổng thế nào? Nếu chuẩn bị du học tại Nhật Bản, SV cần học tiếng Nhật càng nhiều càng tốt, hiệu quả nhất là làm quen với tiếng Nhật ngay khi ở Việt Nam, sau đó tiếp tục học tại các trường dạy tiếng ở Nhật. Theo các du học sinh ở Nhật Bản cho biết, các bạn có thể tìm học bổng ngay tại các trường dạy tiếng hoặc học bổng của Chính phủ Nhật dành cho sinh viên năm 1 tại các trường ĐH ở Việt Nam. Nguyễn Toàn nêu kinh nghiệm về việc xin học bổng du học ở Nhật Bản của chính mình: "Sau khi được học bổng, tôi mới biết học bổng này từ lúc thông báo đến lúc hết hạn rất nhanh, vì vậy nên theo dõi thường xuyên trên mạng và liên hệ với đại sứ quán Nhật Bản tại VN để biết tin kịp thời và nhanh chóng hoàn tất hồ sơ.
Bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước những văn bằng hay hồ sơ cần thiết, ví dụ như bản thành tích học tập học kỳ 1 tốt, văn bằng Anh văn có giá trị, các giấy tờ công chứng cần thiết... trong trường hợp không nhận được học bổng, bạn vẫn có thể du học nhờ sự cố gắng trong học tập và kiếm việc làm thêm để chi phí học tập và sinh hoạt vì tại Nhật Bản, sinh viên sẽ dễ dàng tìm được công việc làm thêm sau 2 - 3 tháng học tiếng Nhật".
Cũng cần lưu ý thêm những đặc điểm sau đây khi chọn trường học tại Nhật Bản: thi đầu vào các trường công ở Nhật Bản rất khó, không nhất thiết phải học các trường ĐH ở ngay thủ đô Tokyo vì chi phí sinh hoạt ở Tokyo rất đắt đỏ, danh tiếng của các trường ĐH ảnh hưởng lớn đến việc đi xin việc làm sau này. Đặc biệt, nên tham khảo những người đi trước, tích cực tham gia các diễn đàn của du học sinh tại Nhật như Vysa, Đông Du... để tiếp thu kinh nghiệm.