Chỉ còn hơn một tuần nữa, các em học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2005-2006. Để giúp các em chuẩn bị chu đáo và đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới, tôi có đôi lời nhắn nhủ như sau:
Cần biết trước khi vào phòng thi
1) Các em nên giữ gìn sức khỏe thật tốt từ nay đến các ngày thi: ăn uống đầy đủ các chất bổ dưỡng, không uống cà phê để thức khuya quá độ, không nên miệt mài học cả ngày đêm mà phải biết cách ôn tập kết hợp với nghỉ ngơi, giải trí.
2) Không nên làm nhiều bài tập mới nữa mà cần ôn tập đủ các nội dung kiến thức cơ bản do Bộ GD-ĐT hướng dẫn: phần nào chưa vững thì củng cố lại; học kỹ lại các định lý, công thức; nắm chắc các dạng toán và phương pháp giải mà các thầy cô đã hệ thống hóa cho các em; xem lại các bài tập đã giải trong suốt năm học, nhất là các bài chủ yếu trong SGK.
3) Trước buổi thi môn Toán nên tự nhẩm ôn lại các phần chính yếu của chương trình, chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết: bút, viết chì, tẩy, compa, thước kẻ, máy tính...
4) Khi vào phòng thi cần thật bình tĩnh, tự tin, không ỷ lại, dựa dẫm vào người khác hoặc bị người khác chi phối. Khi nhận đề thi, các em nên đọc cả đề, lựa chọn bài nào quen dạng, dễ hiểu thì giải trước để chắc chắn có điểm và vững tâm khi đã giải đúng. Biết phân phối thời gian hợp lý cho các bài toán. Đừng lo giải bài khó trước, bài dễ giải sau vì khi tập trung giải các câu khó sẽ tốn nhiều thì giờ và nếu giải không được thì sẽ bối rối, mất tinh thần. Ở mỗi bài toán, nên đọc tất cả các câu hỏi, xem chúng có liên quan nhau không. Nếu có thì giải kỹ câu đầu vì nếu sai câu này có thể dẫn đến sai tất cả các câu sau. Đôi khi câu đầu có nhiều cách giải khác nhau, nên chọn cách giải có liên quan và vận dụng được cho các câu sau để lợi được thời gian.
5) Khi làm bài - ngay cả khi làm nháp, cũng viết chữ cẩn thận, rõ ràng - nhất là những chữ số, vì khi viết không rõ, phần dưới dùng lại hoặc khi viết vào bài thi có thể sai. Giải xong một câu nên tìm cách tự kiểm tra đáp số. Chẳng hạn khi tính diện tích hình phẳng mà ra đáp số là một số âm hay một số quá lớn so với hình vẽ thực tế thì chắc chắn là sai, phải tính toán lại. Làm xong câu nào viết ngay câu đó vào giấy thi. Cách viết phải rõ ràng, cẩn thận, không bôi xóa lung tung, không dùng mực đỏ hay làm dấu khả nghi.
Khi trình bày lời giải, nên lý luận rõ ràng, chặt chẽ, không bỏ ngang các bước vì mỗi bước đều có điểm riêng, nếu giải tắt mà sai đáp số thì không được điểm nào. Nên giải theo cách quen thuộc dễ hiểu, không cầu kỳ, lạ lẫm trừ khi đó là cách giải hay, độc đáo. Đối với câu khó, nếu chưa giải kịp thì nghĩ đúng được phần nào, ghi phần đó vào kể cả các công thức có liên quan.
Những dạng đề toán thường gặp
Sau đây là nội dung thường gặp trong một đề thi Toán, mà đa số thuộc dạng cơ bản, bám sát SGK, thêm một, hai câu khó để phân loại học sinh. Các em thử tự đánh giá mình đã nắm vững hết chưa. Đề thi thường có 5 bài toán với dạng như sau:
Bài 1: Về việc khảo sát hàm số và các vấn đề liên quan. Đây là phần chủ yếu (3-4đ): Học sinh cần nắm vững: Khảo sát các hàm số bậc ba, trùng phương, nhất biến, hữu tỉ - biện luận số giao điểm của hai đường - ba dạng phương trình tiếp tuyến của đường cong (C) - Dùng đồ thị, biện luận số nghiệm số của phương trình - Định tham số m để hàm số thỏa một vài tính chất về đơn điệu, cực trị, điểm uốn... - Vài tính chất đặc trưng liên quan đến 4 loại hàm số trên - Tính diện tích hình phẳng, thể tích vật thể tròn xoay.
Bài 2 (1-2đ): Đạo hàm, nguyên hàm và tích phân: Tính f '(x0); chứng minh một hệ thức giữa y, y', y" - Tìm GTLN, GTNN của y = f(x) trên một khoảng, một đoạn - Tính tích phân bằng công thức, phương pháp đổi biến số, tích phân từng phần.
Bài 3 (1-2đ): Hình học giải tích trong mặt phẳng: - Các hệ thức về tọa độ điểm, vectơ, góc, khoảng cách - Các dạng phương trình đường thẳng - Vị trí tương đối của hai đường thẳng - góc của hai đường thẳng, khoảng cách từ một điểm đến một đường thẳng - đường tròn: Định tâm và bán kính của đường tròn; viết phương trình đường tròn; Vị trí tương đối (VTTĐ) của đường thẳng và đường tròn; Ba dạng phương trình tiếp tuyến của đường tròn - Ba đường conic: elip, hypebol, parabol: định các phần tử đặc biệt của chúng; viết phương trình chính tắc; VTTĐ của đường thẳng và conic; Ba dạng phương trình tiếp tuyến của conic; vài tính chất đặc biệt.
Bài 4 (1-2đ): Hình học giải tích trong không gian: Các hệ thức về tọa độ điểm, vectơ. Tích vô hướng, tích có hướng của hai vectơ và các ứng dụng - Viết phương trình mặt phẳng - VTTĐ của hai mặt phẳng. - Viết phương trình tham số, chính tắc,tổng quát của đường thẳng - VTTĐ của hai đường thẳng - Các công thức về góc, khoảng cách - viết phương trình đường thẳng thỏa vài điều kiện cho trước - Mặt cầu: Định tâm và bán kính mặt cầu; Viết phương trình mặt cầu; VTTĐ của một điểm, một đường thẳng, một mặt phẳng đối với mặt cầu.
Bài 5 (1đ): Đại số tổ hợp: Phân biệt kỹ ba khái niệm hoán vị, chỉnh hợp, tổ hợp và các công thức tương ứng - Áp dụng nhị thức Newton. Đây thường là một câu khó để lấy điểm 10.
Đối với chương trình phân ban thí điểm
Các bài 1, 2, 4 thường tương tự như trên.
Riêng hai bài 3 và 5 được thay đổi như sau:
Bài 3 (1-2đ): Phần Hình học không gian thuần túy: Các khối đa diện: đa diện đều, hình lăng trụ, hình chóp. Các khối tròn: Khối nón, khối trụ, khối cầu - Chứng minh vài tính chất liên quan đến thiết diện, xác định góc, khoảng cách. Tính diện tích, thể tích.
Bài 5 (1-2đ): Hàm số mũ, logarit: Tính toán về hàmsố mũ, logarit; chứng minh các hệ thức; đổi cơ số; giải các phương trình, bất phương trình, hệ phương trình mũ, logarit.
Số phức: Các phép tính về số phức dưới dạng đại số, lượng giác; giải phương trình trong tập hợp số phức.
Chúc các em học sinh bình tĩnh, tự tin và đạt kết quả tốt trong kỳ thi tú tài này.