Thật là buồn nếu sau buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp nhà nước mà Hội đồng quyết định đánh rớt vì có đến hai trong bảy thành viên của Hội đồng không tán thành. Nhìn xuống dưới thì ôi thôi biết bao là hoa và gia đình cùng bạn bè đang chờ sẵn để chúc mừng. Xa hơn nữa là nhà hàng hay bàn tiệc đã sẵn sàng để ăn liên hoan. Vậy mà bảo vệ luận án tiến sĩ ở Việt Nam vẫn phải rớt, điều hiếm khi xảy ra ở các nước khác. Học tiến sĩ ở nước ta khó thật!
Cái khó đó có thể phân tích qua nhiều bước. Trước tiên là hội đồng chấm luận án quốc gia gồm có nhiều thành viên phản biện và ngay cả chủ tịch hội đồng thường được mời từ các nơi đến để cho có tính khách quan. Do đó, các vị này thường ít nắm bắt được đề tài mà nghiên cứu sinh (NCS) báo cáo nên các nhận xét của họ có thể không chính xác, dễ đưa đến hiểu lầm và nhiều khi họ còn bị sốc vì chỉ được đọc luận án có một lần.
Hơn nữa, quan điểm và trình độ của mỗi người cũng khác nhau, lại không có ai đủ khả năng làm trọng tài, cũng như tài liệu tham khảo còn hiếm nên chuyện “ông nói gà bà nói vịt” rất thường xảy ra, tranh luận chỉ thêm thiệt cho thí sinh bảo vệ luận án.
Thậm chí, có những người bảo thủ, chỉ chấp nhận những cái đã thành kinh điển, còn các ý tưởng mới, các phương pháp đang phát triển như bố trí thí nghiệm hay phân tích thống kê để làm rõ thêm ý nghĩa của vấn đề thì họ lờ đi (có thể vì không hiểu nổi) và cho là không cần thiết. Thế là họ bỏ phiếu không tán thành.
Những chuyện như vậy hiếm khi xảy ra ở các nước phát triển, nơi mà chủ tịch hội đồng chính là thầy hướng dẫn của NCS. Thí dụ như học theo chương trình Ph.D. của các trường thuộc khối nói tiếng Anh, hội đồng chấm luận án được thành lập ngay từ khi sinh viên mới vào để chọn chuyên ngành học và chọn thầy hướng dẫn (advisor). Người này sẽ thiết lập chương trình học và chọn các thành viên của hội đồng hướng dẫn, thường gồm ba thầy cho ngành chính và hai thầy cho ngành phụ cần thiết để hỗ trợ cho sinh viên.
Kể từ đây sinh viên sẽ học và làm việc dưới sự hướng dẫn của hội đồng này. Việc bảo vệ luận án cũng vậy. Do đó các thành viên trong hội đồng luôn theo sát kết quả đạt được của NCS qua từng giai đoạn nên khi đã cho phép bảo vệ luận án thì coi như xong. Việc bảo vệ luận án chỉ mang tính thủ tục để phong học vị cho NCS. Dĩ nhiên trước đó bản nháp của luận án đã được gởi bằng e-mail đến các thầy hay nhà khoa học khác ở nhiều nơi để góp ý và phản biện. Vì vậy, hầu như không có thí sinh nào rớt khi bảo vệ mà chủ yếu là sửa chữa lại luận án cho hoàn chỉnh hơn theo góp ý của hội đồng.
Suốt quá trình 3-4 năm học tiến sĩ tại nước ta không có môn học nên NCS chỉ phải chuẩn bị và báo cáo ba chuyên đề. Ba chuyên đề đó được xem như là ba môn học và NCS phải tự chọn và viết báo cáo theo thầy hướng dẫn. Vì vậy, việc đào tạo tiến sĩ hiện nay có thể giao cho các viện nghiên cứu thực hiện vì NCS không cần phải học. Các báo cáo chuyên đề này cũng được chấm với hội đồng được thành lập như đã nói ở trên nên chất lượng thường không cao.
Hệ quả là sau khi tốt nghiệp, tiến sĩ của ta nếu về giảng dạy ở bậc đại học thì phải học lại tất cả những môn được giao mới có thể đảm đương nổi. Ngược lại, ở các trường của nhiều nước phát triển, học viên phải học rất nhiều môn vì số môn học thuộc cấp tiến sĩ (thường có mã số là 400 thay vì 200-300 cho cao học và 100 trở lại cho đại học). Nhờ đó, họ có cơ hội cập nhật kiến thức một cách có hệ thống và đầy đủ để làm luận án và làm công tác giảng dạy sau này.
Sau khi học đủ các môn, NCS còn phải trải qua kỳ thi tổng hợp kiến thức trước hội đồng hướng dẫn mới bắt đầu làm luận án. Nếu NCS không vượt qua được thì sẽ phải ngừng học, hoặc chuyển sang hình thức tốt nghiệp với văn bằng khác.
Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có lưu chuyển văn bản để lấy ý kiến cho dự thảo về sửa đổi cách phong giáo sư và phó giáo sư. Tôi thấy cũng cần góp ý để sửa đổi chương trình và thủ tục học tiến sĩ cho phù hợp và mang tính thực tiễn hơn. Không nên tổ chức bảo vệ tiến sĩ cấp nhà nước mà nên giao cho trường đại học tự làm lấy, Chính phủ sẽ đóng vai trò giám sát và kiểm tra chất lượng.
TS. Nguyễn Văn Huỳnh