Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 13,271
Tốt nghiệp ra trường cũng đồng nghĩa với “nhiệm vụ” kiếm việc làm càng sớm càng tốt. Ngoại trừ số ít được gia đình lo lót cho một chỗ êm ấm, phần đa sinh viên “tay trắng gây dựng cơ đồ” coi quá trình tìm việc là một chặng đường gian nan, thậm chí bế tắc.
Có thể nhận thấy đa phần sinh viên hiện nay đều có thể kiếm cho mình một việc làm thêm đúng nghĩa để cải thiện đời sống học đại học xa nhà, thiếu thốn đủ bề hay để tăng kinh nghiệm, tích luỹ kiến thức thực tế nghề nghiệp… nhưng điều đó không đồng nghĩa với chuyện họ sẽ bình chân như vại khi đi kiếm việc bởi “làm thêm” hoàn toàn khác với một công việc thực sự.
Toàn tốt nghiệp Đại học Kiến trúc với thành tích học tập không mấy khả quan nhưng thành tích "làm thêm làm nếm" cũng đủ để anh chàng tự hào vì sự từng trải hơn so với bạn bè đồng môn. Bảng công việc thời sinh viên cùng các mối quan hệ sẵn có giúp Toàn dễ dàng qua mặt một vài ứng viên mới tập tễnh bước vào nghề.
Nhà không đủ điều kiện để xin việc cho, Toàn phải tự đứng ra xoay sở. Các công ty từng nhận Toàn vào làm thêm giờ không thể là đích ngắm của một người trẻ vừa ra trường đầy tham vọng, Toàn rải hồ sơ ra các công ty thuộc lĩnh vực kiến trúc với ước nguyện sẽ tìm được một chỗ thật sự ưng ý. Suốt ngày chỉ lo mỗi chuyện làm hồ sơ, nghe ngóng nơi này nơi nọ đang tuyển người nhưng chẳng phải khi nào mọi thứ đều có thể trọn vẹn.
Từng bận bịu với đồ án này nọ, giờ chỉ mỗi việc vác hồ sơ đi rồi về nằm dài chờ đợi các cú điện thoại gọi phỏng vấn. Toàn bỗng nhận ra thời gian của mình đang trôi đi một cách lãng phí. Đáng lý ra, Toàn vẫn được các công ty cũ nhận vào làm việc tiếp nhưng tâm lý “làm thêm” khiến Toàn sợ cái viễn cảnh mãi chỉ được nhìn nhận như một người làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu mà khó có đường tiến lên. Hơn nữa, với Toàn, cái gì to lớn phải khởi đầu thật mới mẻ, mới có hứng thú để “dựng nghiệp”, thành ra câu chuyện tìm việc của Toàn còn kéo dài mãi.
Rời trường Báo chí, chuyên ngành xuất bản, Mai Anh trở nên bơ vơ vì không biết đi đâu về đâu. Gia đình chẳng thể kiếm được cho cô một chỗ cho bằng bạn bằng bè mà bản thân Mai Anh thì cũng không kiếm đâu một chốn để tự nuôi thân. Mang tiếng dân báo chí nhưng cả đời Mai Anh chỉ cắm cúi vào sách vở, tiểu thuyết nước ngoài cô có thể kể vanh vách chứ bảo cô viết một bài báo thì chắc cô ngồi ngâm đề tài được giao cả tháng.
Là dân “xuất bản” nhưng cô chỉ có kiến thức lý thuyết, kĩ năng thực hành hay áp dụng những gì đã thu nhận được vào thực tế công việc với Mai Anh lại là con số 0.
Là một người thiếu năng lực, bản thân Mai Anh cũng không có mấy tham vọng. Cô chỉ mơ ước có một công việc mà thu nhập đủ sống, bất kể đó là công việc gì, tuy nhiên điều kiện bản thân đưa ra là “cũng không được nặng nhọc quá”. Thành ra, cũng giống như Toàn, Mai Anh thực hiện ngay chiến dịch “rải thảm” hồ sơ khắp những nơi mà cô biết đang có tin tuyển dụng.
Thiếu định hướng khi ra trường, những người trẻ như Toàn và Mai Anh sẽ rơi vào một khoảng thời gian khủng hoảng thực sự, phần nhiều vì những ảo vọng và niểm tin mà họ đặt ra quá lớn, xa rời thực tế, phần nữa là bởi năng lực không cho phép họ theo đuổi chuyên ngành mà mình đã học khi đang còn ngồi trên ghế giảng đường.
Cuối cùng, sau mấy tháng rong ruổi khắp nơi mong tìm được chỗ có cơ hội tiến thân nhanh, Toàn lại quay trở lại công ty cũ, nơi làm thêm trước đây nộp hồ sơ xin việc. Biết trước năng lực của Toàn, các sếp cũ nhận anh vào làm ngay. Đến lúc này Toàn mới nhận ra mình đã sai lầm khi mang tâm lý “nơi mới, công việc mới” khiến mọi việc bị đình trệ một cách không đáng có.
Mai Anh cuối cùng cũng tìm được việc. Tuy không đúng với những gì cô được dạy nhưng tạm thời Mai Anh đã cảm thấy tương đối hài lòng. Một công việc không quá sức, thu nhập cũng ổn định, tuy vậy nhiều lúc cô cũng tiếc quãng thời gian dài ăn học lại chẳng bao giờ được sử dụng đến nữa.
Source: Theo VTV
Please sign in to perform this function