|
Cảnh học sinh tan trường vào lúc 21g tại một điểm học thêm ở Q.1, TP.HCM
|
Mới bước vào năm học được hai tháng nhưng học sinh đã phải căng như dây đàn để chạy đua với chương trình. Áp lực chương trình không chỉ gây nên tình trạng “cháy” giáo án ở giáo viên, mà còn khiến phụ huynh kêu trời vì đưa đón con 3 - 4 ca học/ngày.
Túi bụi một ngày học Một ngày học bình thường của T.M., học sinh lớp 12 Trường THPT MĐC, quận 6, TP.HCM thường bắt đầu từ 5h45 - 24h.
Lịch học này hầu như được sử dụng đều đặn từ ba năm nay, kể từ khi M. bước vào lớp 10 ban C.
Sáng học chính khóa với năm môn Hóa - Tin - Anh - Địa - Toán. Chiều học phụ đạo tại trường bốn môn: Toán - Lý - Hóa - Sinh.
Ngoài ra, từ 19h - 21h40, M. phải tới lớp học tiếng Anh ở một trung tâm Anh ngữ (quận 3, TPHCM). Dù mới bắt đầu năm học được hai tháng nhưng M. đã học trung bình 10 - 12 tiết học/ngày.
Từ lúc vào cấp III, M. ít được cùng bố mẹ ăn bữa cơm gia đình. Thường bữa trưa hay bữa tối đều là ổ bánh mì và hộp sữa ăn vội để kịp ca học tiếp theo.
Kết thúc ca ba lúc 22h, M. lại phải làm bài tập và ôn đề cương để hôm sau trả bài trên lớp. Bữa tối của em lúc nào cũng sau 22h, giờ ngủ thường là 1h sáng.
M. tâm sự: “Lịch học của em như vậy là... rảnh hơn rất nhiều so với các bạn cùng lớp. Ngay cả giờ ra chơi giữa các tiết, chúng em cũng không dám ra ngoài thư giãn mà phải ngồi trong lớp đọc đề cương các môn thi tốt nghiệp. Trong lớp, em ở tốp có học lực khá nhưng không dám bỏ học thêm vì sợ không theo kịp bài vở trên lớp”.
Mỗi ngày một buổi học chính khóa và hai buổi học thêm, với tổng số tiết học 50 - 60 tiết/tuần đang là lịch học phổ biến của nhiều học sinh phổ thông tại TPHCM.
Ngoài giờ học trên lớp, nhiều học sinh phải gắng thêm “ca” ba, “ca” tư trong ngày để phụ đạo ngoại ngữ, tin học và các môn còn yếu. Ngay cả chủ nhật lẽ ra là ngày nghỉ để “nạp năng lượng” cho tuần học mới cũng được sử dụng tối đa cho việc học thêm.
17h30 chủ nhật, chúng tôi có mặt tại một điểm dạy thêm ở Q.1, TPHCM. Khá nhiều phụ huynh đang chờ đón con. Khối lớp 9 vừa kết thúc ca học thêm thì đến lượt khối lớp 6 vào học ca buổi tối. Hầu như HS đều tới trường với cặp sách nặng trịch, tay xách theo ổ bánh mì và chai nước.
Chị Phạm Thị Mỹ, phụ huynh có con học lớp 9, cho biết: “Chủ nhật nhưng cháu vẫn phải học ba “ca” như ngày thường. Sáng học tiếng Anh ở trung tâm Anh ngữ, chiều học thêm toán, tối học lý. Hai đứa con đều đi học nên tôi trước là giáo viên mầm non giờ phải xin nghỉ hẳn, chỉ ở nhà chăm sóc và đưa đón các cháu”.
Thời gian vui chơi, giải trí của học sinh hiện nay bị cắt giảm gần hết, khi ngay những giờ ngoại khóa hay sinh hoạt ngoài trời ở các trường cũng rất hiếm hoi.
Thời khóa biểu của học sinh nào cũng đặc kín lịch học. Cặp sách luôn đựng sách và tập vở của cả môn chính khóa và các môn học thêm. Kết thúc buổi học Anh văn lúc 21h, một học sinh lớp 6 ở quận 5 (TPHCM) mếu máo: “Em thích được chơi mấy trò nhảy dây, chơi chuyền với mấy bạn trong hẻm, nhưng thi thoảng lắm chủ nhật ba mới cho chơi. Lâu lắm rồi em cũng chẳng được chở đi chơi sở thú”.
Khổ cả cô, trò lẫn phụ huynh
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc - Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, TP.HCM: Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, chương trình giảng dạy được giao về cho các trường chủ động sắp xếp, phân phối sao cho phù hợp.
Tuy nhiên, việc cho phép các trường được “tự do” dạy mà không đưa ra “khung” sẽ thi cử như thế nào (bộ nắm khâu ra đề) khiến các trường lo lắng.
Vậy nên các trường dù năng động đến mấy cũng không dám liều, vì sợ lỡ dạy lệch “khung” thì HS mình... lãnh đủ. Chỉ còn cách vận động HS học phụ đạo, tăng tiết, học thêm, ôn thi... để theo kịp chương trình. |
Chỉ có bốn tiết văn/tuần nhưng khối lượng bài phải giảng cho học sinh lại đòi hỏi thời gian gấp đôi là khó khăn của nhiều giáo viên đang giảng dạy môn văn ở các trường phổ thông.
Cô Dương Thu Trang, giáo viên bộ môn văn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TPHCM), trao đổi: “Thời lượng quá hạn hẹp trong khi lượng văn bản lại rất lớn, giáo viên hầu như chưa thể giảng hết bài chứ đừng nói đến liên hệ mở rộng. Vì vậy, việc HS chán nản với môn học là điều rất dễ hiểu”.
Không muốn “cháy” giáo án, thầy cô buộc phải dạy thật nhanh, nói thật nhiều. Để đảm bảo học sinh có thể “chạy đua” kịp với chương trình, những biện pháp trước mắt như tăng tiết, phụ đạo, truy bài được các trường tăng cường ngay từ đầu năm học.
Ở bậc THCS, học sinh cũng phải học thêm do thời lượng học chính khóa không đảm bảo “tiêu hóa” được hết lượng kiến thức quy định. Cô Phạm Thị Huệ - hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, quận 3 (TPHCM), nhận định: “Chương trình quá nặng nên giáo viên thường bị “cháy” giáo án. Chương trình dài mà thời lượng quá ngắn, vì vậy HS phải chạy đua với bài vở, trên lớp không theo nổi thì phải đi học thêm.
Năm nay là năm đầu tiên học sinh học 37 tuần thay vì 35 tuần như trước. Thời lượng tăng thêm hai tuần nhưng có đến 13 môn học nên rất khó khăn để đảm bảo mỗi tiết học, học sinh tiếp thu được lượng kiến thức quy định”.
Con đi học, cha mẹ cũng phải chạy... sô ngày mấy lượt tới trường để đón con đi, đưa con về. Chưa kể gánh nặng học phí và các khoản chi tiêu khác cho việc học của con, các ông bố bà mẹ phải gác công việc bận bịu sang một bên để có kế hoạch đưa đón con sáng ở trung tâm này, chiều ở lớp học thêm kia.
Một người mẹ ở quận 12 (TPHCM), có con gái học lớp 12 Trường THPT Trần Đại Nghĩa, quận 1 (TPHCM) cho hay, mỗi ngày từ 5h sáng phải dậy để chở con đi học, con học từ sáng đến chiều, rồi ù sang lớp học thêm để ôn thi đại học đến 8h tối.
Chị than: “Hôm nào trời mưa, kẹt xe thì khổ không kể nổi nhưng cũng không thể để cháu nghỉ học được. Cháu lại học chuyên văn, nếu không đi học thêm các môn Toán, Lý, Hóa, Anh văn làm sao thi tốt nghiệp”.