|
Chuyên gia tư vấn doanh nghiệp; Nguyên Giám đốc Trung tâm BDS (Business Development Service) - Cộng hòa Liên bang Đức.
|
"Tôi không quan niệm rằng chúng ta có một lỗ hổng về nguồn nhân lực cấp cao, mà chính trong giai đoạn này, tôi nghĩ rằng chúng ta đang bị một khoảng trống rất lớn, tức là một lượng thiếu hụt rất lớn để có thể tham gia cuộc cạnh tranh" - Nguyễn Quốc Phồn - Chuyên gia tư vấn doanh nghiệp; Nguyên Giám đốc Trung tâm BDS (Business Development Service) - Cộng hòa Liên bang Đức.
- Trước tình hình thiếu hụt các nhân sự cấp cao của Việt Nam hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng đây là một lỗ hổng trong việc đào tạo nhóm nhân sự này Ý kiến của thầy về nhận định này?
Việt Nam hội nhập WTO, tức là chúng ta phải chuyển từ một nước từ một nền kinh tế độc lập, đang hoạt động ở một tầm thấp về kinh tế, một nước chậm phát triển, sang cạnh tranh với các nước có nền kinh tế phát triển. Chúng ta chấp nhận đọ sức, một cuộc cạnh tranh hiện đại hay còn gọi là cạnh tranh toàn cầu với các nước thành viên của WTO. Tôi không quan niệm rằng chúng ta có một lỗ hổng về nguồn nhân lực cấp cao, mà chính trong giai đoạn này, tôi nghĩ rằng chúng ta đang bị một khoảng trống rất lớn, tức là một lượng thiếu hụt rất lớn để có thể tham gia cuộc cạnh tranh. Bởi vì hội nhập hay cạnh tranh quốc tế thì đều cần kiến thức, đặc biệt là kiến thức của nhân lực cấp cao, cho nên chúng ta đang thiếu hụt rất lớn, cả về số lượng và chất lượng.
Chúng ta có một số nhân lực gọi là cấp cao, và hơi cao, nhưng số lượng đó lại có chất lượng rất thấp so với nhân lực cấp cao của thế giới. Trong khi chúng ta cạnh tranh bằng trí tuệ chứ không phải bằng cạnh tranh bằng sức lực hay cơ bắp. Chúng ta thiếu những người có "tầm", hay gọi là "độ trí tuệ" đủ cạnh tranh thì cạnh tranh sẽ rất khó khăn, kể cả trong quản lý, trong kinh doanh, trong hoạt động doanh nghiệp nói chung.. Muốn lãnh đạo doanh nghiệp thì cần phải có nhân sự có trình độ, kỹ năng nhất định thì mới lãnh đạo được doanh nghiệp để có thể đủ tham gia cạnh tranh quốc tế. Nhưng thiếu một người như vậy, doanh nghiệp được chỉ huy bởi một người ở tầm thấp hơn (so với nước ngoài) thì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp này với các doanh nghiệp nước ngoài là thấp hơn. Đấy là một khó khăn.
Và khoảng trống ở đây không chỉ là về mặt chất lượng mà còn là mặt số lượng. Nếu chúng ta nói Việt Nam đang có 300.000 doanh nghiệp, có nghĩa là chúng ta phải có 300.000 giám đốc. Làm thế nào để chúng ta có ngay được 300.000 giám đốc mà có "nghề giám đốc"? Nhà nước chúng ta nên suy nghĩ và chọn ra một phương án, hoặc một chiến lược để làm sao đáp ứng được khoảng trống này về mặt nhân lực cấp cao. Vấn đề đào tạo ở Việt Nam hiện nay vô cùng quan trọng, nhất là đào tạo nguồn nhân lực cấp cao. Chúng ta nên có chiến lược về đào tạo này. Trong nước nên cố gắng đào tạo đáp ứng được 1/3 nguồn nhân lực này, còn 2/3 nữa thì ta phải dùng bên ngoài. Bởi vì ở nước ngoài đã có sẵn các trường nghiên cứu, các nơi đào tạo rồi. Chúng ta hội nhập về kinh tế cũng có nghĩa là chúng ta hội nhập về đào tạo, vậy thì tại sao chúng ta không đào tạo ở nước ngoài? Đào tạo ở nước ngoài là thuận lợi nhất, bởi vì các doanh nghiệp của nước ta phải cạnh tranh với doanh nghiệp của nước ngoài. Các doanh nghiệp của nước ngoài có các giám đốc được đào tạo ở nước họ, vậy thì ta không thể lấy giám đốc được đào tạo ở nước mình đi để chọi với giám đốc nước họ. Chúng ta nên đào tạo ở "bên kia" thì mới ngang hàng và cạnh tranh với họ. Như vậy thì sẽ ngang sức hơn.
- Vậy số lượng 2/3 nhân sự cấp cao đó sẽ được đào tạo ở nước ngoài theo cách nào?
"Khi cử người đi học, không có nghĩa là chúng ta cử anh giám đốc đang lãnh đạo đi học ở nước ngoài mà hãy cử phó giám đốc của anh ta, hoặc một trưởng phòng, hoặc một trợ lý có trình độ. Và giám đốc sẽ nói với người được cử đi rằng: "Anh đi học đi, tôi sẽ chọn một người khác thay thế, còn tôi vẫn đang giữ "gôn" rồi. Trong vòng 5 năm nữa anh quay trở lại đây để thay tôi". "
- Chuyên gia Nguyễn Quốc Phồn
|
Theo tôi, lúc này nhà nước phải lo đầu tư. Nhà nước muốn phát triển thì phải lo đầu tư. Nhà nước phải có một chiến lược rõ ràng và nằm trong chiến lược về phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam, nhưng phải nhấn mạnh rằng, việc đào tạo nguồn nhân lực cấp cao này khó khăn hơn rất nhiều. Chúng ta sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Và nhà nước phải lo vấn đề này. Còn nếu nhà nước lo không nổi thì nhà nước và doanh nghiệp cùng làm, chứ không phải với nhân dân cùng làm. Vì nếu anh là một doanh nghiệp đã rất to thì anh phải trích một lượng tiền ra để đào tạo nhân lực cho chính anh. Nguồn nhân lực cấp cao này phải đào tạo gấp rút, và chiến lược phải được đầu tư đúng mức thì mới lấp được khoảng trống đang có.
- Còn việc đào tạo trong nước 1/3 số nhân sự cấp cao trên sẽ tiến hành như thế nào?
Đào trong nước 1/3 số nhân sự trên thì nhà nước cũng phải có chiến lược. Còn các lớp mà hiện nay tôi đang tham gia đào tạo thực ra là chúng ta đang chắp vá đấy chứ. Việc các công ty mở lớp đào tạo vẫn rất tùy tiện, tự phát, chứ chưa phải là chiến lược, chưa tập trung vào cốt lõi. Vậy thì xin hỏi, ai lo cho việc đào tạo nguồn nhân lực cấp cao hiện nay tại Việt Nam? Có phải Bộ Giáo dục - Đào tạo không? Bộ không lo được hết đâu. Theo tôi, vấn đề này vẫn phải là Chính phủ đứng ra lo, chứ Bộ Giáo dục cứ phải gánh đám phổ thông, và đám đại học đã hết hơi rồi, giờ còn gánh đám nhân lực cấp cao thì sẽ quá tải... Nhà nước phải thấy rõ một vấn đề quan trọng, đó là giáo dục là quốc sách. Giáo dục là việc của "Quốc" (Nước) chứ không phải chỉ việc của "Bộ". Và quốc sách thì phải có chiến lược quốc gia. Có lẽ, chúng ta phải nên học Trung Quốc một chút về điều này trong việc đào tạo nhân lực cấp cao. Trong một thời gian không dài, Trung Quốc có một lượng nhân lực cấp cao rất lớn cho hệ thống các doanh nghiệp và nghiên cứu của họ.
- Đào tạo nhân sự cấp cao cho khối doanh nghiệp và khối hành chính sự nghiệp lại không giống nhau? Đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Lúc này, đào tạo nguồn nhân lực cấp cao không chỉ cho kinh tế, mà còn cho vấn đề hành chính, văn hóa, cho rất nhiều vấn đề khác nữa, chứ không chỉ cho kinh tế, mà cho cả nền kinh tế, cho cả xã hội Việt Nam. Mà xã hội thì có rất nhiều ngành. Chúng ta tiến lên không chỉ bằng kinh tế, mà còn tiến lên về cả xã hội, cả đất nước.
- Thực tế, số lượng người chúng ta gửi đi học có thể lại bị thẩm thấu vào chính các nước sở tại? Có nên đề phòng nguy cơ này?
"Nước nào cũng có chiến lược về đào tạo nhân lực cấp cao. Trung Quốc chi một lượng tiền rất lớn ra cho đào tạo nguồn nhân lực này một cách rất chăm chỉ, lớn, và đúng đắn. Còn Việt Nam nên tập trung đào tạo như thế nào để cho kịp hội nhập và hội nhập có hiệu quả vào WTO"
- Chuyên gia Nguyễn Quốc Phồn
|
Nguy cơ đó là có thật. Bởi vì những người tài luôn chọn chỗ cho mình, chứ người khác (không tài) thì giữ chỗ mới khó. Nếu nhà nước đã đứng ra đảm nhận, thì nhà nước sẽ ký hợp đồng với những người được cử đi. Chẳng hạn, tôi ký hợp đồng với anh đi học tiến sĩ ở Mỹ thì sau khi học xong, anh trở về phụng sự đất nước, và tôi sẽ chu cấp khoản tiền để đào tạo anh. Còn bây giờ, nếu dân chúng cử con cái họ đi học, thì sẽ hơi khó nếu muốn họ trở về, vì mình không có hợp đồng nào ràng buộc về tiền học. Thực sự, vấn đề người tài không chỉ có việc đào tạo, mà còn sử dụng họ như thế nào nữa cũng rất quan trọng: đào tạo xong thì chỗ làm việc cho họ sẽ như thế nào, lương bổng ra sao, họ được sử dụng như thế nào thì mới có giá trị. Còn nếu đào tạo xong mà ta không sử dụng được thì họ sẽ làm ngay cho các liên doanh trong nước, không cần phải đi nước ngoài thì ta lại mất rất nhiều, và thành "đào tạo hộ".
- Nhưng việc sử dụng nhân tài tại Việt Nam chưa được đánh giá cao lắm?
Đúng là việc này chưa được đánh giá cao lắm. Tôi cho rằng, nhà nước cần phải biết sử dụng người tài. Vậy thì, trước tiên phải nhìn nhận "thế nào là người tài, và người tài có đặc tính gì, yêu cầu của người tài là gì và cách sử dụng người tài như thế nào" thì chúng ta mới có người tài. Còn rất nhiều người tài của Việt Nam đang được 3.500 công ty của nước ngoài sử dụng hộ. Họ trả lương cũng rất dở, chỉ khoảng 2000$ mà họ đã mua được một người rất giỏi. 2000$ thì chưa bằng lương của một công nhân người Nhật. Công nhân của Đức cũng hưởng lương 3000-3500$. Vậy mà chỉ cần 2000$ là họ đã mua được một nhà khoa học của chúng ta.
- Hệ thống hành chính công của Việt Nam lại không đủ sức giữ chân những người tài như thế, vậy thì chúng ta sẽ giải quyết vấn đề như thế nào? Theo tôi, có một cách giải quyết hiệu quả nhất là Việt Nam nên nhanh chóng phân biệt giữa hành chính và sự nghiệp. Hành chính thì nhà nước bao cấp vì khối đó không lớn lắm. Nhưng khối sự nghiệp thì rất lớn, gồm giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao... , chiếm một khối lượng cán bộ đông nghịt. Chúng ta nên chuyển hành chính mang tính sự nghiệp, thành hành chính mang tính dịch vụ, tức là dịch vụ sự nghiệp (hay là sự nghiệp làm dịch vụ), chứ không phải là sự nghiệp bao cấp. Nếu tách ra như vậy, thì hành chính sẽ chỉ chiếm 2/10 khối lượng nhân sự thôi, còn 8/10 là bên sự nghiệp. Nếu nhà nước buông mảng này ra cho xã hội giải quyết, thì nhà nước sẽ dùng được rất nhiều tiền để bù vào chỗ hành chính kia. Và khối sự nghiệp này cần rất nhiều người tài, khi nó trở thành dịch vụ thì sẽ có thể trả được mức lương cao cho người tài. Các viện nghiên cứu cũng phải để doanh nghiệp nuôi, chứ không nên để nhà nước nuôi. Chúng ta nên biến các viện đó thành công ty, hoặc trả các viện đó cho các công ty.
- Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn.