Ngoài việc “phù phép”, nâng điểm cho học sinh, tại Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp - Hướng nghiệp tỉnh Lạng Sơn còn xảy ra nhiều tiêu cực, khuất tất.
Điều đáng nói cán bộ, giáo viên đã có nhiều đơn thư tố cáo nhưng dường như những đơn thư này đều rơi vào sự im lặng khó hiểu.
Thợ sửa xe vỉa hè thành... GV dạy nghề Thực hiện sự đào tạo liên kết, giao chỉ tiêu của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lạng Sơn, năm học 2007-2008 Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp - Hướng nghiệp Lạng Sơn (gọi tắt là Trung tâm) tiến hành đào tạo gần 800 chỉ tiêu học nghề nông thôn và được Nhà nước tài trợ định mức khoảng 360.000 đồng/học sinh/tháng.
Thấy được nguồn lợi này, mặc dù không đủ nhân lực và cơ sở vật chất nhưng Trung tâm vẫn tìm mọi cách để thực hiện cho bằng được dự án.
Dù biết Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) không có chức năng đào tạo nghề nhưng ngày 23/8/2006, Trung tâm vẫn ký kết hợp đồng để cho trường học này chiêu sinh, mở 2 lớp sửa chữa xe máy và sửa chữa cơ khí nông nghiệp với tổng số 100 học viên.
Trong hợp đồng thể hiện rõ đối tượng đào tạo ngắn hạn cho nông dân. Nhưng chiều 27/9 khi tới thăm lớp học sửa chữa xe máy, phóng viên không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy các học viên (đa số là nữ duy nhất có một người là nam), là những học sinh đang theo học văn hóa tại trường.
Điều lạ lùng hơn, ông Nguyễn Văn Trí đang là người sửa chữa xe tư nhân ở đường Nhị Thanh (phường Tam Thanh-TPLS) bỗng được Trung tâm “biến” thành giáo viên rồi cử xuống huyện Chi Lăng giảng dạy.
Buôn bán tự do được tham gia lớp học đề án 112 Được phép của Ban đề án 112 CP và Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn, Trung tâm đã mở 3 khóa đào tạo tin học cho 118 học viên.
Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao vào giữa tháng 2/2006, bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc Trung tâm cho “mọc” thêm 2 lớp đào tạo với 47 học viên nữa cho ĐA 112.
Để có đủ chỉ tiêu biên chế lớp (24 người/ lớp), Trung tâm đã “vơ vét” tuyển dụng đủ thành phần từ cán bộ giáo viên các trường đến người ngoài công chức nhà nước.
Thậm chí, trong danh sách lớp học có bà Nguyễn Thị Nga (em ruột bà GĐ Bình) là người buôn bán tự do ở thành phố Lạng Sơn.
Chưa hết, lợi dụng chức quyền, bà Bình còn tạo điều kiện đưa con gái ruột của mình tên là Tôn Thị Hải Hạnh (đang là sinh viên học ĐH ở Hà Nội chưa tốt nghiệp ra trường) đi tập huấn ĐA 112 tại Hà Nội.
Đáng ngạc nhiên hơn, cô Hạnh còn được Trung tâm “ưu ái” thanh toán 1.600.000 đồng tiền công tác phí (?).
Vì Trung tâm thiếu cơ sở vật chất để tổ chức hai lớp ĐA 112 này, bà Bình đã “quyết” thuê lớp, thuê máy học ở một cửa hàng “chơi game” tư nhân tại khu phố Ba Toa (thuộc phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn).
Nhiều người ngạc nhiên đặt câu hỏi, vì đâu Trung tâm lại “nhiệt tình” quá mức với ĐA 112 đến như vậy, phải chăng vì muốn hưởng lợi, xà xẻo khoản kinh phí đào tạo từ trên cấp xuống?
Điều này được lý giải phần nào khi học được 1/2 chương trình (khoảng gần 1 tháng) thì bà Bình ký tờ trình số 26 của Trung tâm gửi Ban điều hành ĐA 112 và UBND tỉnh Lạng Sơn xin kinh phí.
Thấy việc làm vô nguyên tắc này, Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản số 154 do bà Lư Thúy Nga, quyền Chánh Văn phòng ký ngày 7/3/2006 phúc đáp: “Trung tâm tự gửi công văn triệu tập 2 lớp không đúng đối tượng đào tạo, Ban ĐA 112 CP không thanh toán số kinh phí đào tạo”.
Thế là bà Bình cho giải tán luôn lớp học. Sự “đứt gánh” giữa chừng này gây tổn thất nhiều thời gian, tiền của cho người giảng dạy và học viên. Khi được hỏi Trung tâm lấy khoản tiền ở đâu để trang trải kinh phí thuê địa điểm học, thuê máy và tiền công cho giáo viên, bà Bình không trả lời.
Hàng loạt sai phạm, cố ý làm trái những quy định của nhà nước xảy ra ở Trung tâm KTTH-HN tỉnh Lạng Sơn cần các ngành chức năng ở Lạng Sơn sớm xem xét, làm rõ.