Theo định hướng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của TP.HCM đến năm 2010, những lĩnh vực được tập trung là cơ khí, điện tử - tin học, hóa chất cơ bản, nhựa cao su, dệt, may mặc, da giày và chế biến lương thực thực phẩm.
Bạn có muốn chọn một trong những ngành học này để được phục vụ trong những ngành công nghiệp chủ lực?
Cơ khí: nhiều cơ hội việc làm Ở phía Nam, có khá nhiều trường đào tạo ngành cơ khí với những chuyên ngành khác nhau như ĐHQG TP.HCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Thủy sản, ĐH Nông lâm, ĐH Công nghiệp TP.HCM...
Ở từng trường cụ thể, nội dung đào tạo có một số điểm khác nhau. Chẳng hạn, chương trình của ngành cơ khí Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) được phân thành các chuyên ngành kỹ thuật chế tạo, cơ khí năng lượng và máy xây dựng và nâng chuyển.
Trong đó, chuyên ngành kỹ thuật chế tạo đào tạo các kỹ năng về lĩnh vực kỹ thuật máy tính, điện, điện tử, thiết kế và gia công trên máy tính, kỹ thuật người máy, khoa học và công nghệ gia công các loại vật liệu kỹ thuật, phân tích, thiết kế và tổng hợp, tối ưu hóa, tự động hóa các quá trình sản xuất, thiết kế, qui hoạch mặt bằng phân xưởng, giám sát sản xuất phân tích kinh tế, đánh giá và lựa chọn công nghệ, kỹ thuật an toàn, chất lượng và bảo trì công nghiệp.
Chuyên ngành cơ khí năng lượng trang bị kiến thức thiết bị nhiệt, thiết bị lạnh, năng lượng mới. Kỹ sư tốt nghiệp ngành này có khả năng thiết kế, chế tạo, lắp đặt, sửa chữa, vận hành, bảo trì các thiết bị nói trên; công tác tại nhà máy nhiệt điện, nhà máy lọc dầu, hóa chất, các xí nghiệp dược phẩm, chế biến thực phẩm, nhà máy đông lạnh thực phẩm, giấy, bột giặt, mỹ phẩm, dệt, phân bón, nước đá, điều hành các hệ thống điều hòa không khí và thông gió, hệ thống nhiệt trong các khách sạn, siêu thị, sân bay và các công trình công cộng khác, trong lĩnh vực năng lượng gió và mặt trời. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là chuyên ngành đã và đang có nhu cầu nhân lực rất lớn.
Chuyên ngành máy xây dựng và nâng chuyển trang bị những kiến thức của nhóm ngành cơ khí nói chung và các kiến thức, kỹ năng chuyên môn thuộc lĩnh vực chuyên sâu là máy xây dựng. Tốt nghiệp ngành này, sinh viên có thể thiết kế, chế tạo, cải tiến các loại máy và thiết bị thông dụng như máy nâng - vận chuyển, thang máy, máy sản xuất vật liệu xây dựng, máy làm đất và các thiết bị cơ khí chuyên dùng trong xây dựng; lựa chọn, sử dụng và khai thác có hiệu quả các loại máy và thiết bị xây dựng đa dạng về chủng loại trong ngành, lập qui trình bảo dưỡng, sửa chữa các loại máy xây dựng.
Điện tử - tin học: ngành mũi nhọn
Dự báo ngành công nghiệp điện tử, tin học sẽ trở thành ngành mũi nhọn, hướng đến xuất khẩu, từng bước phát triển đồng bộ cả phần cứng lẫn phần mềm. Để tiếp cận với ngành công nghiệp này, sinh viên có thể theo học các ngành liên quan đến điện tử, tin học ở nhiều trường khác nhau.
Tiêu biểu như ngành điện tử viễn thông. Đây là ngành học trang bị những kiến thức về mạch điện tử, dụng cụ linh kiện điện tử, hệ thống viễn thông, kỹ thuật siêu cao tần, ăngten truyền sóng, truyền số liệu, thông tin số, lý thuyết tín hiệu, xử lý số tín hiệu, đo điện tử, nguyên lý mạch tích hợp, điện tử ứng dụng, điện tử y sinh, quang điện tử, hệ thống thu thập và xử lý dữ liệu và các thí nghiệm liên quan.
Đối với tin học, không ít thí sinh đã khá quen với tên gọi công nghệ thông tin nhưng những chuyên ngành đào tạo cụ thể thì không phải thí sinh nào cũng biết. Thí sinh có thể tham khảo một số chuyên ngành này trong chương trình đào tạo của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Trong đó, hệ thống thông tin là một chuyên ngành mà đối tượng nghiên cứu là các giải pháp tự động hóa các hệ thống thông tin trong các tổ chức kinh tế - xã hội.
Chuyên ngành công nghệ phần mềm trang bị kiến thức tổng quát về qui trình xây dựng, quản lý và bảo trì các hệ thống phần mềm, từ đó có thể ứng dụng để thiết kế, xây dựng phần mềm hệ thống và các ứng dụng chất lượng cao. Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể lao động trong các lĩnh vực công nghệ phần mềm, đáp ứng nhu cầu về xuất khẩu, gia công phần mềm, chuyển giao công nghệ phần mềm, hỗ trợ các nghiệp vụ, tự động hóa các dịch vụ, vận hành, khai thác các hệ thống phần mềm, giải quyết các vấn đề nâng cao trong công nghệ phần mềm...
Chuyên ngành mạng máy tính và viễn thông trang bị kiến thức về kỹ thuật truyền tin mạng diện rộng, mạng cục bộ, hệ cơ sở dữ liệu phân tán, kỹ năng thiết kế, cài đặt, phát triển ứng dụng các mạng tin học viễn thông. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đến làm việc tại bất kỳ đơn vị nào cần sử dụng đến máy tính, đặc biệt là trong ngân hàng, hàng không, bưu điện, quốc phòng, các công ty phát triển và thiết kế phần mềm hoặc giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ về tin học.
Công nghệ tri thức là một chuyên ngành đang phát triển ở các nước tiên tiến, cung cấp những kiến thức và kỹ năng tin học tiên tiến nhất để tạo ra các sản phẩm tin học thích hợp, đa dạng và có hàm lượng trí tuệ cao, ứng dụng trong giáo dục đào tạo, quản lý kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật, quốc phòng...