Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 5,659
Theo đánh giá của các chuyên gia, hạn mức bảo trả tiền bảo hiểm là nội dung quan trọng và thiết yếu trong chính sách bảo hiểm tiền gửi. Vì vậy, cần được xem xét, điều chỉnh kịp thời với thực tiễn hoạt động kinh tế - xã hội. Chính sách hạn mức cũng cần phải đồng bộ với mục tiêu chung của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là bảo vệ người gửi tiền, góp phần nâng cao niềm tin của khách hàng, ổn định hệ thống tài chính - ngân hàng.
Bối cảnh kinh tế
Vào năm 2017, hạn mức trả tiền bảo hiểm quy định được điều chỉnh từ 50 triệu đồng mỗi người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lên 75 triệu đồng. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi tốt sau giai đoạn 2008-2012 với tăng trưởng kinh tế trung hạn tích cực, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Cùng với đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam không ngừng lớn mạnh về quy mô vốn cũng như tài sản, chỉ số sinh lời ngày càng cải thiện, tính thanh khoản cũng được đảm bảo. Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 cũng góp phần thúc đẩy hệ thống ngân hàng bước vào thời kỳ mới, sẵn sàng hướng tới mục tiêu hội nhập quốc tế. Bốn nhóm nội dung chính của đề án gồm sắp xếp lại các thành viên trong hệ thống, cơ cấu lại về tài chính, hoạt động và quản trị.
Thông tin về Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại quầy giao dịch của ngân hàng HDBank.
Theo số liệu khảo sát của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, với hạn mức 75 triệu đồng, số người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ là 87,32%, tiệm cận với thông lệ quốc tế là trên 90%. Đồng thời, với hạn mức mới, số tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ chiếm 20% tổng số dư tiền gửi bảo hiểm trên toàn hệ thống, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Sau hơn 3 năm áp dụng, đến nay các điều kiện kinh tế vĩ mô liên quan đến hạn mức trả tiền bảo hiểm như GDP bình quân đầu người, lạm phát, tỷ giá, lãi suất... đã có nhiều thay đổi. Đơn cử như GDP tăng trưởng ở các năm 2018, 2019 đều đạt mức cao, lần lượt là 7,08% và 7,02% (theo số liệu của Tổng cục Thống kê). Hệ thống ngân hàng lớn mạnh về quy mô vốn, tài sản, đảm bảo nhiệm vụ lưu thông vốn, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, tình hình tiền gửi được bảo hiểm cũng có thay đổi.
Nhiệm vụ đặt ra
Năng lực tài chính của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam có bước tăng trưởng nhanh. Cụ thể, tính từ tháng 12/2016 đến tháng 12/2019, quỹ dự phòng nghiệp vụ tăng từ 27.000 tỷ đồng lên hơn 53.000 tỷ đồng, tổng nguồn vốn từ 33.000 tỷ đồng lên hơn 59.000 tỷ đồng. Đây là nguồn tích lũy đảm bảo việc triển khai nhiệm vụ của tổ chức.
Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật và những chỉ đạo từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng có bước thay đổi theo hướng bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Nhiệm vụ mới của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam là tập trung vào việc tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu. Trước mắt, đơn vị tập trung vào quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, bảo vệ quyền lợi của tổ chức và cá nhân gửi tiền.
Điều này đã được cụ thể hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, bao gồm các nhiệm vụ tham gia kiểm soát, đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi đối với tổ chức tín dụng yếu kém, cho vay, mua trái phiếu dài hạn... bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Nhằm tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam còn có các nhiệm vụ quan trọng như phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước; cho vay đối với quỹ tín dụng nhân dân gặp khó khăn về tài chính, thanh khoản...
Đại diện Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam nhận định, việc rà soát, đánh giá tính phù hợp của hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện nay là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm tiền gửi, bảo vệ khách hàng, ổn định tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển hoạt động ngân hàng.
Source: Theo Báo VNExpress
Please sign in to perform this function