C&B là gì, nhân viên C&B có vai trò gì trong doanh nghiệp? (phần 1)

05/07/2023 10:49 GMT+7

Cụ thể thì công việc của nhân viên C&B là gì? Vai trò của họ trong doanh nghiệp ra sao? Hãy cùng CareerBuilder đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

1. C&B là bộ phận gì?

Để hiểu rõ về công việc của bộ phận C&B, trước tiên chúng ta cần biết nhân viên C&B là gì. C&B là cụm từ viết tắt của Compensation & Benefits. Đây là bộ phận chịu trách nhiệm về mọi quyết định lương, thưởng và quyền lợi của nhân viên trong công ty.

Cụ thể, "compensation" được hiểu là khoản tiền thù lao chi trả cho một nhân viên để đổi lấy kết quả công việc của họ và khoản thưởng đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà công ty đưa ra. Ngoài tiền lương thì chế độ phúc lợi và quyền lợi (benefits) cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc giữ chân nhân tài cho công ty. Chế độ phúc lợi bao gồm tiền thưởng, bảo hiểm xã hội hoặc các chính sách liên quan đến đời sống tinh thần của nhân viên.

Nhân viên C&B là gì? – Ảnh: Internet

Nhân viên C&B là gì? – Ảnh: Internet

2. Vai trò của bộ phận C&B trong các doanh nghiệp

Bộ phận C&B trong doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc gắn kết các hoạt động kinh doanh với mục tiêu thị trường. Họ là người phân tích, tiến hành đo lường giá trị của doanh nghiệp và chuyển nó thành giá trị thực tế tương ứng.

Đồng thời, nhân viên bộ phận C&B và ban giám đốc sẽ cùng đề ra hệ thống phúc lợi định kỳ nhằm tăng năng suất cũng như khuyến khích nhân viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thông thường, bộ phận C&B sẽ xây dựng phương thức chi trả cho nhân viên theo hai hình thức:

● Tài chính: nguồn tiền trực tiếp (lương, thưởng, hoa hồng) và nguồn gián tiếp (bảo hiểm, phụ cấp, phúc lợi).

● Phi tài chính: Văn hóa công sở hoặc môi trường làm việc chuyên nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển khả năng của mỗi thành viên. Ngoài ra, lộ trình thăng tiến rõ ràng sẽ giúp nhân viên không ngừng nỗ lực hết mình và phấn đấu đạt vị trí như mong muốn.

Hai hình thức chi trả nhân viên phổ biến hiện nay – Ảnh: Internet

Hai hình thức chi trả nhân viên phổ biến hiện nay – Ảnh: Internet

3. Mô tả công việc của nhân viên C&B trong doanh nghiệp

3.1 Nhập và quản lý Data HR

Đây là nhiệm vụ đầu tiên mà một nhân viên C&B phải hoàn thành. Data HR (dữ liệu nhân sự) là danh sách thông tin nhân viên của công ty được hiển thị qua phần mềm hoặc tệp Excel.

Data HR chứa đầy đủ thông tin cá nhân, thông tin liên lạc, ngày làm việc, mã nhân viên, loại hợp đồng, lộ trình thăng tiến,... cùng một số thông tin khác tùy theo quy định riêng của từng công ty.

Các dữ liệu nhân sự sẽ được đội ngũ C&B tiếp nhận từ phòng tuyển dụng và nhập thủ công lên file excel hoặc các phần mềm khác. Sau đó, họ sẽ tiếp tục duy trì và cập nhật các thông tin khác khi nhân viên làm việc.

3.2 Ban hành và điều chỉnh chính sách lương hàng năm

Đây là một công việc khá quan trọng đối với vị trí C&B. Họ đóng vai trò như một chuyên viên tư vấn, xây dựng và điều chỉnh chính sách lương theo định hướng thị trường.

Đồng thời, nhân viên C&B còn phải nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh thang bảng lương hàng năm của công ty sao cho trùng với mức lương tối thiểu theo vùng của Bộ luật Lao động. Cuối cùng là tiến hành đăng ký lại với Cơ quan quản lý lao động tại địa phương nhằm đảm bảo tuân thủ pháp lý và quyền lợi của người lao động.

Thiết lập chính sách lương định kỳ – Ảnh: Internet

Thiết lập chính sách lương định kỳ – Ảnh: Internet

3.3 Tính toán và chi trả lương

Đây là hoạt động có tính chất định kỳ và phải thực hiện hàng tháng. Nhân viên C&B căn cứ vào bảng lương thưởng cũng như thâm niên của từng nhân viên để tính và chi trả lương theo tháng.

Công việc này chủ yếu được hỗ trợ bởi phần mềm nhằm hạn chế sự can thiệp chủ quan của con người, tránh được những tiêu cực. Tuy nhiên, nếu công ty có chính sách tiền lương phức tạp, bạn sẽ phải thực hiện các thao tác thủ công với Excel.

Sau khi tính lương, nhân viên C&B nên gửi phiếu lương cho nhân viên theo cách thủ công hoặc bằng phần mềm. Sau đó lấy ý kiến phản hồi từ nhân viên và giải quyết (nếu có sai sót trong khâu tính toán thời gian). Cuối cùng là phối hợp với các bộ phận để giải quyết thỏa đáng trong thời gian sớm nhất.

Chi trả lương và tiền thưởng cho đội ngũ nhân viên – Ảnh: Internet

Chi trả lương và tiền thưởng cho đội ngũ nhân viên – Ảnh: Internet

3.4 Thực hiện các công tác liên quan đến BHXH và Thuế TNCN

Nhân viên C&B có trách nhiệm thực hiện các công việc liên quan đến an sinh xã hội, chế độ bảo hiểm. Cụ thể là tính thuế thu nhập cá nhân và các chế độ phúc lợi cho nhân viên. Công việc này đòi hỏi sự chính xác, chi tiết và kịp thời để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người lao động.

3.5 Đánh giá nhân viên hằng năm

Dựa trên kế hoạch kinh doanh hàng năm từ ban lãnh đạo, bộ phận C&B sẽ đánh giá và tổng kết thành bảng đánh giá năng lực nhân viên hàng năm. Đây là cơ sở để khen thưởng và tôn vinh nhân viên tiêu biểu cũng như thay thế những nhân viên làm việc kém hiệu quả. Tùy theo quy mô công ty, C&B sẽ là người trực tiếp đánh giá hoặc hỗ trợ tư vấn cho bộ phận nhân sự.

3.6 Quản lý các vấn đề về quan hệ lao động

Ngoài những công việc trên, C&B còn cần tiếp nhận và giải quyết các tranh chấp, khiếu nại của nhân viên để đảm bảo hiệu quả công việc. Đồng thời thay mặt công ty ban hành các chính sách mới đến toàn thể nhân viên. Nhân viên C&B cần đảm bảo tính chính xác của thông tin truyền đạt và không để thông tin lan truyền sai sự thật, gây nhầm lẫn trong tổ chức.

3.7 Báo cáo tình hình nhân sự theo yêu cầu

Bộ phận C&B sẽ phải thực hiện báo cáo theo tuần, tháng, quý, năm. Bản báo cáo sẽ bao gồm các thông tin về sự thay đổi nhân sự, tỷ lệ nghỉ việc, hiệu suất làm việc của từng nhân viên, mức lương trung bình,...

Thực hiện báo cáo nguồn nhân lực  –  Ảnh: Internet

Thực hiện báo cáo nguồn nhân lực – Ảnh: Internet

Đây là nền tảng thông tin nhằm hỗ trợ Trưởng phòng nhân sự hoặc ban lãnh đạo đưa ra các quyết định quan trọng về chính sách lương thưởng, phúc lợi giúp giữ chân nhân tài hoặc giảm tỷ lệ nghỉ việc của nhân sự.

(còn tiếp)

Feedback