Để ý tưởng tuyệt vời trở nên khả thi

07/02/2023 09:20 GMT+7

Một ý tưởng tốt là khởi nguồn của vô số thành công. Nhưng chỉ khi nó được hiện thực hóa. Và từ ý tưởng đến thực tế là một chặng đường dài, mà nếu bạn có khả năng nhận thức các trở ngại tiềm ẩn, bạn sẽ tiết kiệm rất nhiều công sức.


Để ý tưởng tuyệt vời trở nên khả thi - Ảnh 1.

Hãy cùng đội ngũ mổ xẻ trước khi đưa ‘đứa con tinh thần’ ra thị trường - Ảnh: Pexels

Khi có một ý tưởng thú vị, thường chúng ta sẽ rơi vào trạng thái sục sôi muốn hiện thực hóa ngay. Nghĩ lớn - làm lớn, đó là những gì chúng ta hướng tới. Chúng ta tập hợp nhân lực, trình bày với cấp lãnh đạo và lên kế hoạch thực hiện. 

Với mong muốn thuyết phục người khác tin và ủng hộ, chúng ta có thể bị mờ mắt bởi chính tâm huyết và niềm tin vào sự tốt đẹp của ý tưởng và đánh mất khả năng đánh giá khách quan. Chúng ta có thể gặp phải những trở ngại bất ngờ vào phút cuối hoặc công trình dừng lại dang dở vô thời hạn.

Vậy chúng ta cần thiết lập một bộ lọc khách quan thông qua việc hỏi những người không liên quan nhất đến dự án:

Điều gì khiến bạn ấn tượng?

Trình bày dự án với một người không nằm trong nhóm thực hiện. Có thể điều mà bạn thực sự muốn nhấn mạnh lại vô nghĩa với họ. Mời những người không liên quan đóng góp ý kiến để ý tưởng trở nên khả thi hơn sẽ giúp bạn có thêm góc nhìn về cách thực hiện phù hợp.

Điều gì còn thiếu?

Chúng ta tưởng rằng đã xem xét kế hoạch từ mọi góc độ và đặt ra mọi giả thiết. Nhưng những người có nền tảng hoặc lĩnh vực chuyên môn khác có khả năng nhìn ra những tình huống khác. Họ có thể bắt lỗi trước khi sản phẩm ra mắt thị trường và nhờ thế tạo ra đáng kể so với các sản phẩm đã có sẵn.

Những khách hàng khó tính sẽ nghĩ gì?

Mọi người sẽ do dự phê bình sản phẩm/ dịch vụ mới vì sợ mất lòng đồng nghiệp. Nhưng khi cho phép họ đóng vai một người khác, họ sẽ nói ra những ý kiến khách quan một cách tự do hơn. Bằng cách đóng vai một nhà phê bình giả định, họ có thể nêu các mối quan ngại và các đề xuất xuất phát từ nhu cầu khách hàng. Chính bản thân chúng ta cũng sẽ dễ dàng tiếp nhận những ý kiến khó nuốt trôi hơn nếu không coi nó là từ những đồng nghiệp mà là từ khách hàng.

Để ý tưởng tuyệt vời trở nên khả thi - Ảnh 2.

Khuyến khích mọi người đưa ra những phê bình - Ảnh: Pexels

Chuyện tệ nhất có thể xảy ra là gì?

Câu hỏi này là một mức độ khó khăn mới. Khi chính nhóm của bạn và những người khác đặt ra tình huống xấu nhất, rằng dự án có thể thất bại theo các cách nào. Đó chính là lúc người trong cuộc tự đặt ra cái nhìn thực tế và người ngoài cuộc chỉ ra các nguy cơ hoàn toàn có thể xảy ra. Nhìn ra được con đường sai để tránh sẽ giúp tiết kiệm nguồn lực cho hướng đi đúng đắn hơn.

Lực lượng bán sẽ nghĩ gì về nó?

Chúng ta có thể là chuyên gia trong một lĩnh vực hoặc là nhà quản lý cấp cao, chúng ta tin rằng mình có cái nhìn sâu sắc và bao quát về thị trường, về xu hướng kinh doanh. Nhưng những người trực tiếp đưa sản phẩm/ dịch vụ tới khách hàng ở nhiều địa bàn đặc thù khác nhau là người có tác động quan trọng tới thành công của sản phẩm trong thực tế. Vì thế, hãy hỏi lực lượng bán về tính khả thi ở mỗi thị trường mà họ phụ trách.

Đối thủ cạnh tranh sẽ nghĩ gì về chúng?

Thay vì sa lầy vào chính trị nội bộ, tìm cách vận động hành lang để đưa sản phẩm/ dịch vụ vào vận hành; hãy thử tưởng tượng thái độ phê bình của đối thủ cạnh tranh với sản phẩm ra sao? Họ sẽ vui mừng vì những thiếu sót nào của sản phẩm mới ra mắt này? 

Họ sẽ phản ứng ra sao về sự ra mắt này trên thị trường? Hãy để những người từ những bộ phận khác nhau đóng vai đối thủ và nói ra tưởng tượng của họ. Với kinh nghiệm và quan sát của số đông, có thể bạn sẽ nhìn ra những khả năng chưa bao giờ tính đến.

Bằng cách đặt mình vào địa vị của người khác cũng như cho phép đồng đội đưa ra các góc nhìn đa dạng và khách quan, bạn sẽ rút ra những quyết định sát với thực tế hơn. Cuối cùng, nguồn lực của bạn sẽ được sử dụng đúng hướng, và ý tưởng của bạn từ đó cũng trở nên thuyết phục và khả thi hơn.

Feedback