|
Sinh viên Trường ĐH Mở TPHCM chờ đóng học phí năm học 2008-2009
|
Muốn giáo dục có chất lượng thì ít nhất phải có chương trình giáo dục ổn định, sách giáo khoa phù hợp với Việt Nam và theo chuẩn mực quốc tế...
Đề án tăng học phí đã được Bộ GD-ĐT chuẩn bị từ 2003 và được đệ trình lên Quốc hội, nhưng không được Quốc hội chấp nhận. Ngày 23-11-2005, tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lúc đó đã công khai xin bỏ phương án tăng học phí. Sau khi trình Bộ Chính trị, theo luật, đề án tăng học phí phải thông qua Quốc hội trước khi thực thi. Khi cấp có thẩm quyền chưa có ý kiến chính thức, có điều lạ là các lãnh đạo Bộ GD-ĐT lại thường tuyên bố trước là học phí mới sẽ được triển khai vào lúc nào. Những thông tin này đã gây hoang mang cho xã hội.
Muốn nói gì thì nói cũng phải có tính toán cụ thể. Đúng là khung học phí được quy định từ năm 1998. Song, số lượng học sinh, sinh viên khoảng 22 triệu em (xấp xỉ 1/4 dân số), hầu như không đổi. Năm 1998, kinh phí cấp cho giáo dục hơn 11.000 tỉ đồng, thì năm 2008 đã là 76.200 tỉ đồng (khoảng 4,5 tỉ USD), tăng gần 7 lần. Hệ số lương tăng cho cán bộ Nhà nước chưa đến 4 lần. Sự chênh lệch lớn giữa tỉ lệ quỹ lương mà ngân sách bố trí và con số chi lương theo báo cáo của ngành, riêng năm 2006 là 10.600 tỉ đồng.
Kinh phí đóng góp của dân cho tổng kinh phí giáo dục của ta là 50/50, cao nhất thế giới, vì nhiều nước phần đóng góp của dân chỉ dừng ở mức 20% tổng chi cho giáo dục. Trung Quốc chỉ có 12%, Cuba vẫn còn nền giáo dục miễn phí.
Mặt khác, lương cho cán bộ toàn ngành giáo dục khoảng 1,5 tỉ USD/năm, vậy 3 tỉ USD/năm còn lại từ ngân sách Nhà nước đã nói ở trên cần được làm rõ, trước khi bàn tới việc tăng học phí năm nay.
Lúc chiến tranh khó khăn ta miễn học phí, ngày nay khá giả lại thu học phí? Thật không nên. |
Có thể thấy nguyên nhân thiếu kinh phí là cải cách liên tục, họp hành triền miên và buông lỏng quản lý tài chính. Kinh phí cho giáo dục 3 bộ cùng quản: Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT và Bộ GD-ĐT. Cần một số liệu tài chính thì 3 bộ đưa ra 3 con số khác nhau. Còn cơ sở, bây giờ nhiều nơi được giao quyền tự chủ, những con số thu chi chưa hẳn kiểm soát được. Phân tích tài chính của hai ĐH Quốc gia theo số liệu công bố trên mạng, thì lương trung bình cho cán bộ trong trường năm 2008 phải 9-12 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế chỉ 3-4 triệu đồng/tháng. Vậy chênh lệch này đi về đâu?
Muốn giáo dục có chất lượng thì điều tối thiểu phải có chương trình giáo dục ổn định, sách giáo khoa phù hợp với Việt Nam và theo chuẩn mực quốc tế... Thực tế, ở bậc phổ thông suốt 27 năm chưa hề có chương trình và sách giáo khoa chuẩn, còn ở bậc ĐH đói sách, học chay triền miên, vậy thì nền giáo dục làm sao có chất lượng?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gần đây đã đề nghị cần nghiên cứu kỹ để học phí không tăng. Tôi thấy ý kiến của Đại tướng đáng phải nghiên cứu kỹ. Cấp phổ cập giáo dục không thu học phí được coi là nguyên tắc cho mọi thể chế. Trung Quốc đã có quyết định phổ cập 9 năm được miễn học phí và có hỗ trợ cho học sinh nghèo. Hiện nay ta có 46 tỉnh, TP phổ cập THCS, dự kiến đến 2010 sẽ hoàn thành. Nhìn ra thế giới, ngay các nước trong khu vực, giáo dục của họ miễn phí đến THCS, có nước miễn đến hết 12 năm học phổ thông. Ngay Thái Lan hiện giờ đang bàn tính miễn phí giáo dục ĐH. Thế mà người dân của ta lại phải đóng học phí cả bậc phổ thông. Điều này thật đau lòng! Tôi cũng xin lưu ý là giáo dục miễn phí, có học bổng, có chất lượng đã từng tồn tại ở Việt Nam mấy chục năm trước đây. Ngày đó học ít biết nhiều, còn ngày nay học nhiều biết ít.
GS Nguyễn Xuân Hãn (ĐH Quốc gia Hà Nội)