Cô bạn tôi than phiền: Có lẽ sau những quy định "xưa như trái đất" như cấm đi muộn về sớm, hút thuốc lá trong phòng làm việc... thì chuyện chơi game ở cơ quan cũng nên cấm bởi nó đã trở thành một bệnh dịch dễ lây lan với tốc độ "đường truyền nhanh", không phân biệt già trẻ, nam nữ.
Cô bạn kể, hồi mới vào làm việc tại một tòa soạn báo, cô vô cùng cảm kích trước hình ảnh "người người làm việc, phòng phòng ban ban làm việc", mà toàn làm trên máy vi tính hiện đại, đời mới. Ai ai cũng chăm chú trước màn hình máy tính, người gõ lạch xạch, người lướt chuột nhoay nhoáy... Thời đại vi tính hóa có khác, giấy bút không cần dùng đến đã đành, mà cả chuyện đi lại trao đổi cũng khỏi luôn vì máy tính đã nối mạng toàn bộ, online 24/24 giờ. Mỗi người một ô bàn, một máy tính, tha hồ làm việc, tha hồ sáng tạo. Thế nhưng khi đã thành "bụt chùa nhà", cô than thở: Nhìn bề ngoài là vậy, chứ bên trong coi màn hình vi tính thì biết. Đủ các loại games, từ game cài sẵn trên máy tính đến game đĩa CD, game trên mạng... Games được tranh thủ chơi mọi lúc mọi nơi. Khi sếp vừa đến gần thì một trang web được mở ra.
Sếp đi rồi thì nào là xếp gạch, lines, hoàng tử cứu công chúa, rồi The Sim, chat, võ lâm truyền kỳ... tái xuất hiện, hoạt động rầm rộ kèm theo những âm thanh ấn tượng hoặc cả những lời trao đổi rất ư sôi nổi về... kỷ lục games, cứ như ở ngoài tiệm Internet công cộng. Có lẽ bên cạnh bản thành tích của công việc còn tồn tại song song một bản thành tích của các games thủ, và họ cũng được ngưỡng mộ không kém. Cô bạn tôi cho biết: "Nhiều người bảo chơi game chỉ là tranh thủ những lúc rỗi rãi thôi nhưng thực sự không phải vậy. Có người mê chơi rồi tranh thủ lấn sang cả những lúc cần phải làm việc mà... không biết. Một lần tôi có việc cần trao đổi với một đồng nghiệp, anh này à, ừ... rồi mải chơi quên khuấy mất việc tôi nói. Đến khi sự cố xảy ra thì không kịp sửa chữa nữa".
Tại một viện nọ, có lẽ do làm "công tác nghiên cứu" nên nhân viên có nhiều thời gian rảnh để tranh thủ luyện game. Anh A., kỹ sư của viện, kể ở cơ quan anh "sếp cũng chơi" huống chi nhân viên. Mà sếp chơi là do nhân viên... dạy, rồi ghiền lúc nào không hay. Tiền cơ sở vật chất, tiền điện, tiền truy cập mạng Internet... đều "miễn phí", không cần phải quan tâm. Ở nhà chơi còn phải bỏ tiền túi ra trả, chứ ở cơ quan thì... vô tư, chỉ sợ không đủ sức mà chơi. Nhiều thanh niên chưa lập gia đình và cả mấy anh chàng "chán về nhà với vợ" cứ nằm lỳ ở cơ quan. Một trong những lý do họ không chán... đi làm vì ở đó được chơi game không mất tiền. Vừa có tiếng là "làm việc" chăm chỉ cả sáng, trưa, chiều, tối, lại vừa không bị... vợ la (cứ thử gọi điện kiểm tra xem, đang ở cơ quan làm việc nhé, có đi nhậu hay bồ bịch gì đâu!). Buổi trưa và đêm khuya là lúc những nhân viên "làm ngoài giờ" như thế túc trực thường xuyên. Đã từng xảy ra tình trạng thất lạc đồ đạc, hồ sơ lặt vặt ban đêm và tình trạng sinh hoạt bê bối của các games thủ. Buổi sáng, chị lao công tha hồ dọn những mẩu thuốc lá, những bao bì thức ăn nhanh và cả chăn màn chiếu gối lùm xùm... Trong giới "game thủ cơ quan" còn có cả chuyện chung độ, tất nhiên khi chung độ thì kéo nhau ra bên ngoài, nhưng không ít lần những cuộc tranh cãi về thành tích hay chuyện xù độ lại diễn ra trong nội bộ...
Thực ra, games là hình thức giải trí, thư giãn cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ dành cho người đang... thất nghiệp hay giới hưu trí (có thời gian rảnh). Chuyện cấm chơi games là vô lý, nhưng trong một cơ quan, vấn đề kỷ cương và nền nếp làm việc là rất quan trọng. Những văn phòng, cơ quan có sử dụng máy vi tính thường là gắn với công việc của giới trí thức. Không khí làm việc vì thế rất cần sự nghiêm túc, tập trung, sáng tạo. Không thể biện minh cho sự giải trí để biến cơ quan, văn phòng thành một nơi lộn xộn. Ở nhiều công ty nước ngoài, giờ giấc và kỷ luật làm việc được tôn trọng tuyệt đối và được tận dụng tối đa, đó cũng là một sự tránh lãng phí thiết thực. Thiết nghĩ, sự "nở rộ" của games trong một cơ quan, văn phòng đến nỗi nó trở thành thú vui bình thường, công khai và thoải mái thực sự là một "căn bệnh" cần "chữa trị".