Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 97,952
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Em đang là sinh viên (SV) năm 4 ngành quốc tế học. Với ngành học này, em được học và hiểu nhiều lĩnh vực: chuyên viên truyền thông, ngoại giao, kinh tế... tuy nhiên, bọn em chỉ được học tổng quát... có thể không chuyên sâu so với các bạn học chuyên ngành riêng.
Và một điều khó nữa là, đa số mọi người còn hiểu "mơ hồ" về khái niệm quốc tế học, có thể đó cũng là một trong những trở ngại đối với em khi xin việc. Vậy theo anh chị thì với ngành học của bọn em, những công việc nào phù hợp nhất? Nếu em chưa tốt nghiệp đại học nhưng muốn đi xin việc thì hồ sơ xin việc bao gồm những gì?
(Thu Nguyen)
Chào bạn. Đúng như nhận định của bạn, ngành quốc tế học còn khá mới mẻ với mọi người. Sinh viên ngành này cần phải có kiến thức cơ bản về quan hệ quốc tế, kinh tế và luật quốc tế, lịch sử và văn hóa thế giới, kiến thức về chính sách và quan hệ đối ngoại của Việt Nam…
Với ngành học này, sau khi tốt nghiệp, các bạn có thể ở lại trường tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy các môn học liên quan đến quốc tế hoặc tìm việc tại các cơ quan ngoại giao Trung ương hay địa phương, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, các doanh nghiệp liên doanh hay tư nhân, các cơ quan truyền thông báo chí…
Trong quá trình học tập, bạn nên định hướng cũng như tìm hiểu và nâng cao kiến thức cho mình một chuyên ngành (ví dụ: tìm hiểu văn hóa, kinh tế, chính trị khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latin hay kinh tế Hoa Kỳ…). Từ đó bạn sẽ dễ dàng khoanh vùng các đơn vị hoặc công việc theo đúng chuyên môn và kiến thức mình đã học và tìm hiểu.
Việc chuẩn bị cho bộ hồ sơ tìm việc trước khi ra trường là một bước mà các bạn sinh viên rất nên làm.
Bạn có thể tham gia vào một số cuộc thi viết hồ sơ tìm việc và phỏng vấn thử để được nghe những nhận xét của nhà tuyển dụng, từ đó rút kinh nghiệm để khi thực tế không bị lúng túng.
Để có bộ hồ sơ tìm việc tốt, bạn cần chú ý những điểm sau:
Hồ sơ tìm việc bao gồm các phần: mục tiêu nghề nghiệp, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng chuyên môn, người tham khảo (nếu có) thông tin liên hệ.
- Phần mục tiêu nghề nghiệp cần thể hiện mục tiêu rõ ràng, cụ thể giúp nhà tuyển dụng thấy được định hướng nghề nghiệp của bạn. Một điều chúng tôi lưu ý với các bạn sinh viên ngay từ khi làm hồ sơ tìm việc cần cân nhắc thật kỹ việc hoạch định cho mình mục tiêu nghề nghiệp có hạn định và khả thi. Đây là một trong những yếu tố “ghi điểm” đối với nhà tuyển dụng cũng như sự thăng tiến trong công việc ở tương lai.
- Phần thông tin cá nhân: cần ghi đầy đủ thông tin, để nhà tuyển dụng có thể liên lạc với bạn khi họ có nhu cầu tuyển dụng. Đặc biệt không nên sử dụng những email có tên không trang trọng.
- Phần quá trình học tập: cần phải thể hiện quá trình học tập rõ ràng, có kèm theo thời gian cụ thể.
- Kinh nghiệm làm việc: bạn cần liệt kê đầy đủ những công việc bạn đã từng làm (bán thời gian, thời vụ…) hay bất kỳ hoạt động đoàn, hội, hoạt động ngoại khóa tại trường đại học hay những câu lạc bộ bạn đã từng tham gia. Thông qua những hoạt động này, bạn đã tích lũy cho mình những kinh nghiệm gì, bạn cần ghi đầy đủ vào hồ sơ.
- Phần kỹ năng: đây là một trong những phần quan trọng của hồ sơ, bạn cần cho nhà tuyển dụng thấy được những kỹ năng mà bạn đã có được thông qua quá trình học tập và tham gia những hoạt động đoàn hội, chẳng hạn như: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng dẫn chương trình, khả năng thiết kế và sử dụng phần mềm Photoshop… đây chính là một trong những điểm cộng vào hồ sơ của bạn, giúp bạn có thêm nhiều cơ hội hơn những ứng viên khác.
- Phần người tham khảo: bạn có thể điền vào đây thông tin của những người đã từng cộng tác với bạn, chẳng hạn như thầy hướng dẫn đề tài tốt nghiệp, Trưởng câu lạc bộ mà bạn đã tham gia… và phải đảm bảo rằng người tham khảo này biết rõ về bạn.
Ngoài ra, bạn cần có thêm một phần nêu lên những thành tích và kết quả bạn đã có được, chẳng hạn bạn đã đạt học bổng trong suốt những năm đại học, hay bạn đã giành chiến thắng trong các cuộc thi tại trường đại học… chúng sẽ một lần nữa giúp bạn thuyết phục nhà tuyển dụng về khả năng của bạn. Mặc dù bạn là sinh viên, chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, nhưng với những khả năng và kiến thức, kinh nghiệm bạn đã tích lũy trong quá trình học tập, bạn chắc chắn sẽ trở thành một ứng viên sáng giá.
Bạn nên có hồ sơ tiếng Anh và tiếng Việt, vì tiếng Anh ngày càng trở nên thông dụng, và nhà tuyển dụng đòi hỏi ứng viên phải có một trình độ tiếng Anh nhất định. Đây chính là một trong những điểm bạn nên lưu ý.
Chúc bạn sớm tìm được công việc như ý!
Source: Theo HRVietNam
Please sign in to perform this function