Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 5,184
Để hạn chế rút BHXH một lần, cần sửa đổi chính sách theo nhu cầu của người lao động và cần tầm nhìn dài hạn về mô hình nhà nước phúc lợi
Theo BHXH Việt Nam, mỗi năm bình quân có gần 700.000 người rút BHXH một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước (tăng trung bình 11%). Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life), về các giải pháp để giữ người lao động (NLĐ) ở lại hệ thống an sinh.
- PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC: Trong các KCN tại những vùng kinh tế trọng điểm, đa số lao động làm việc xuất phát từ nông thôn. Trong đó, không ít người còn nhận thức và theo tập quán truyền thống về mô hình kinh tế nông nghiệp - người trong gia đình "chăm sóc cho nhau" những lúc khó khăn hay khi đến tuổi già.
Kết quả khảo sát xã hội gần đây của Social Life cho thấy nhiều NLĐ xem việc tham gia BHXH như một phần tiền gửi tiết kiệm, tích lũy tài chính - giống hình thức chơi hụi vốn khá phổ biến trong xã hội.
Điều này cho thấy những thách thức trong việc triển khai các chính sách an sinh xã hội hướng tới mô hình nhà nước phúc lợi. Bởi lẽ, từ nhận thức chung, nhiều người cho rằng đối tượng nhận được lương hưu là cán bộ, công chức làm ở các cơ quan nhà nước, chứ không nghĩ công nhân nhà máy cũng được lãnh lương hưu.
Trong khi đó, khi xem xét lại quá trình triển khai các chính sách liên quan BHXH, có những giai đoạn các cơ quan chức năng thực sự lúng túng, như tính nhất quán chưa cao, chưa tạo sự tin tưởng cho NLĐ. Vì vậy, cần phải sửa đổi chính sách liên quan BHXH theo nhu cầu của NLĐ và có tầm nhìn dài hạn về mô hình nhà nước phúc lợi.
- Những nhà làm chính sách rất kỳ vọng NLĐ ở lại hệ thống BHXH, bởi đó là một trong những bệ đỡ quan trọng cho họ khi về già. Thế nhưng, trong tình hình hiện nay, khi nhiều NLĐ còn quen với tập quán cũ, chúng ta cần cân nhắc thật kỹ khi sửa đổi chính sách để lúc ban hành tránh ảnh hưởng đến nhiều người trong xã hội.
Theo tôi, để đông đảo NLĐ nhận được lương hưu, cách duy nhất là "chốt đơn" ở thời điểm này và bắt đầu xây dựng một thế hệ tham gia BHXH mới với các nguyên tắc đóng hưởng rõ ràng, minh bạch. Những người sắp bước vào thị trường lao động phải hiểu rằng tham gia BHXH là chính sách bắt buộc nhằm bảo đảm lương hưu, thụ hưởng các dịch vụ phúc lợi công mà họ có quyền được hưởng.
Những người đã tham gia BHXH từ giai đoạn hiện tại về trước có thể chọn rút một lần hoặc tiếp tục ở lại theo nguyên tắc tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Cách làm này sẽ giữ được nguyên tắc công bằng xã hội, không có chuyện người trước được, người sau không được, gây ra sự hoang mang, bất ổn.
- Theo tôi, Việt Nam cần thực hành thêm theo phương châm "bù đắp nhiều hơn, thu ít hoặc vừa đủ" để làm sống động lại thị trường lao động. Bởi lẽ, NLĐ trở lại thị trường làm việc, tiếp tục tạo ra của cải vật chất, đóng thuế, đóng quỹ BHXH thì sẽ tốt hơn tình trạng hàng triệu người nghỉ việc chờ rút BHXH một lần, với điều kiện phải nghỉ việc ít nhất 12 tháng như hiện nay.
Bên cạnh đó, Việt Nam có quỹ bảo hiểm thất nghiệp với kết dư lớn, có thời điểm lên đến gần 90.000 tỉ đồng. Mục tiêu của quỹ này là nâng đỡ, hỗ trợ thị trường lao động. Lúc này, quỹ bảo hiểm thất nghiệp cần phát huy đúng vai trò, có chính sách rõ ràng hơn cho nhóm lao động trên 40 tuổi, giúp họ quay lại thị trường.
Tôi quan sát ở một số quốc gia phát triển, NLĐ thất nghiệp được nhận trợ cấp 3 tháng. Tiếp theo, họ được đào tạo nghề miễn phí, phù hợp với xu hướng, nhu cầu việc làm mới của địa phương.
Thay vì để tình trạng NLĐ xếp hàng chờ lãnh BHXH như hiện nay, các cơ quan chức năng cần sớm xúc tiến các giải pháp làm sống động lại thị trường lao động, thiết lập gói đầu tư công cho NLĐ học nghề, giúp các DN nội địa vực dậy hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo ra việc làm, giúp NLĐ có thu nhập. Qua đó, tâm lý của họ sẽ dịu xuống, không còn nghĩ đến việc "lãnh một cục".
Ngoài ra, Quỹ BHXH cần có các chương trình đầu tư đúng đắn để tăng doanh thu, lợi nhuận. Quỹ cũng nên có các chương trình trao học bổng cho con NLĐ khó khăn.
Để giải bài toán BHXH thì không thể chỉ mỗi ngành BHXH, mà cần nhìn tổng thể các mối quan hệ. Để bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ và hướng tới mô hình nhà nước phúc lợi, trước hết phải bảo đảm được việc làm bền vững, giúp NLĐ an tâm. Các cơ quan quản lý cần xem xét, coi tỉ lệ thất nghiệp như là một chỉ số đánh giá hiệu quả quản trị công.
Source: Người lao động
Please sign in to perform this function