Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 19,302
Bước qua ngưỡng cửa một nơi làm việc mà bầu không khí quá tiêu cực rõ ràng là sinh lực của bạn sẽ hút cạn. Trong một số trường hợp, mối quan hệ của bạn với đồng nghiệp bị ảnh hưởng. Hay tình huống nghiêm trọng hơn, nó thậm chí khiến bạn phải rời bỏ công việc hiện có.
Bạn hẳn sẽ hành động để thoát khỏi tình trạng tiêu cực này, tất nhiên mọi thứ không hề dễ dàng. Trong khi đó, tìm việc mới không phải lúc nào cũng là giải pháp khả thi. Nên điều quan trọng nhất là bạn phải tự mình giải quyết được câu hỏi “Làm thế nào để tôi có thể giữ được niềm vui và động lực trong một môi trường công sở đầy thị phi, tiêu cực”.
“Tâm bất biến giữa văn phòng vạn biến”– luôn là chính mình, không để bị lôi kéo, giữ sự khách quan và đánh giá mọi thứ đúng bối cảnh chính là chìa khoá. Tham khảo ngay những tư vấn sau đây với CareerViet.vn nhé!
Tránh xa tình huống xung đột cá tính
Xung đột cá tính giữa hai người đồng nghiệp thường chính là nguồn cơn của thái độ tiêu cực có khả năng ảnh hưởng lớn đến toàn bộ phận hoặc cả công ty. Sự tiêu cực lan rộng ra khỏi cuộc chiến gốc rễ ban đầu bởi vì những người xung quanh sẽ có xu hướng chọn phe phái. Đôi khi nơi làm việc của bạn có thể trở nên phân cực đến mức mà mọi người rất khó tránh khỏi việc phải chọn một bên để ủng hộ. Trong trường hợp này, bạn có thể cân nhắc vài chọn lựa: ngó lơ sự việc tiếp tục nhiệm vụ của mình, chọn bên ít phản cảm nhất và cố gắng làm dịu tình hình nếu có thể, hoặc đi trình bày với quản lý về sự hỗn loạn này để được trợ giúp. Bên cạnh đó, bạn hãy cố gắng giữ sự trung lập, chẳng hạn như đứng riêng – ăn trưa một mình – trong khi những người khác đã hùng hổ xếp hàng ở hai bên chiến tuyến.
Không phàn nàn
Góp thêm sóng gió cho sự tiêu cực bằng cách ồn ào kể lể những cảm giác của mình không bao giờ giúp tình huống tốt hơn, mà nó có thể khiến bạn mang lấy tai tiếng như một phần của rắc rối. Nếu có những phàn nàn thích đáng, hãy mang nó đến gặp đối tượng thích hợp – thông thường người này không phải là đồng nghiệp làm việc ở phòng bên cạnh. Cũng đừng đẩy sự việc đến thái cực khác và trở nên ngây ngô trẻ con bằng cách cổ vũ sự phản đối hay than vãn lan rộng khắp nơi! Khi những rắc rối thực sự phát sinh, không ai muốn có một quý cô “Phớt-Lờ-Sự-Thật” đi khắp nới giảng giải cho mọi người trong văn phòng biết rằng mọi chuyện của họ đang tốt đẹp ra sao. Bạn nên tận dụng cơ hội này đưa ra những lời động viên thực lòng dành cho người khác và duy trì thái độ tích cực nhất trong công việc của mình. Người duy nhất bạn có thể thay đổi là chính bạn – hãy làm việc như một người truyền cảm hứng!
Đừng nghe những chuyện tiêu cực
Trong hầu hết văn phòng, chỉ một hai cá nhân chịu trách nhiệm cho phần lớn sự tiêu cực. Rất khó tránh né nếu chúng xảy ra ngay bên cạnh chỗ ngồi của mình, nhưng nếu có thể, bạn hãy thử! Chọn một cái bàn mới hay di chuyển đến nơi khác dùng bữa trưa để bảo vệ bao tử và giờ nghỉ ngơi của mình khỏi phiền hà, quấy nhiễu. Khi không thể né tránh nữa, hãy lịch sự nói với đối phương rằng tôi không muốn nghe thêm những chuyện thế này, mạnh dạn đứng lên và bước ra khỏi chỗ trước khi họ tuôn ra một tràng những điều tiêu cực; hoặc nhấc điện thoại lên và thực hiện một cuộc gọi nhằm ngụ ý rằng bạn nghe đủ rồi. Nếu mọi việc thực sự trở nên tệ hơn, hãy đề nghị được chuyển chỗ ngồi, đổi phòng làm việc. Làm bất cứ điều gì cần thiết để cho thấy bạn không sẵn sàng tham gia những cuộc phàn nàn hay lắng nghe điều tiêu cực.
Đánh giá sự việc trong đúng bối cảnh
Công việc chiếm một phần lớn cuộc sống chúng ta, nhưng không phải toàn bộ. Hãy cố gắng để những việc phát sinh trong công việc lại nơi làm việc, đừng tiếp tục ấp ủ chúng trong cả thời gian còn lại ở nhà nữa, bạn nhé! Nếu cảm thấy mình đã quá sầu khổ vì luôn phải đắm chìm trong những trăn trở đó, về với gia đình rồi mà vẫn không dứt ra được dù đã học cách giải phóng những cảm xúc tiêu cực nơi công sở, hãy suy nghĩ về phương án tìm việc mới! Tuy nhiên, cần ghi nhớ thật kỹ rằng cỏ bên kia đồi không phải lúc nào cũng xanh: mọi nơi làm việc đều ẩn chứa mức độ xung đột và tiêu cực riêng, nhưng đó cũng là lúc chúng ta học cách làm việc cùng người khác. Trong vài trường hợp, tiêu cực là phản ứng tạm thời của nhân viên trước những thay đổi vừa áp dụng; hoặc một số trường hợp khác, mọi thứ sẽ tự giải quyết khi mọi người nhận ra rằng không phải sự thay đổi nào cũng tiêu cực. Vậy nên, đừng vội vàng nhảy việc quá sớm mà cần có những so sánh và nhận định kỹ càng.
Quan điểm của bạn về tình huống này thế nào? Bạn đã từng trải qua những cảm giác khó khăn khi thấy xung quanh toàn màu xám như thế này chưa, hãychia sẻ những trải nghiệm cá nhân bạn cùng CareerViet.vn nhé!
Nguồn hình: Freepik
Source: CareerViet VietNam
Please sign in to perform this function