|
Làm thủ tục nhập học tại ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: Đ.N.T
|
Xung quanh đề án "Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 2009 -2014", Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận về những tồn tại bất hợp lý của cơ chế tài chính giáo dục lâu nay.
* Ông có thể cho biết đâu là những tồn tại của cơ chế tài chính giáo dục hiện nay? - Ngành giáo dục không có điều kiện đánh giá hiệu quả chi của Nhà nước cho giáo dục, các cơ quan quản lý giáo dục và nhân dân không đánh giá được chất lượng giáo dục trong tương quan với chi của Nhà nước và người dân cho giáo dục, nhất là đào tạo nghề nghiệp: 74% ngân sách nhà nước dành cho giáo dục do các UBND tỉnh quản lý, 21% do các bộ ngành khác quản lý, Bộ GD-ĐT chỉ quản lý 5%. Trong khi đó, không có quy định về chế độ báo cáo sử dụng ngân sách cho giáo dục do các địa phương và bộ ngành khác quản lý cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các trường không công khai cam kết chất lượng giáo dục, không công bố đánh giá thực tế chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục, không công bố nguồn lực thực tế của nhà trường phục vụ đào tạo, không công khai tài chính của nhà trường để người dân dễ dàng kiểm tra, giám sát. Lâu nay, người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu sử dụng kinh phí giáo dục không hiệu quả, không quan tâm thỏa đáng đến yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, hầu như không bị chế tài gì. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp, nếu phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước cho giáo dục không hợp lý, không giám sát được hiệu quả chi cho giáo dục, thực tế hầu như không bị chế tài gì.
* Đâu là nguyên nhân của đề án tăng học phí mà ngành giáo dục đang ủng hộ thông qua? - Trong 10 năm (từ năm 1999-2008), lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước tăng 1,86 lần. Chỉ số giá cả tiêu dùng tăng gấp 2 lần (1 triệu đồng của năm 2008 có sức mua hàng chỉ tương tương 500.000 đồng năm 1998). Thế nhưng, khung học phí 10 năm không thay đổi. Với mức học phí ĐH công lập 180.000 đồng/tháng, chi phí đào tạo cho 4 năm hoặc 5 năm học để trở thành kỹ sư, cử nhân, người học phải trả là 7,2 triệu đến 9 triệu đồng, trong khi ra trường ngay năm đầu tiên đi làm, thu nhập của các kỹ sư, cử nhân đã từ 1,2 triệu đồng đến 3 triệu đồng/tháng, tức là 14,4 triệu đến 36 triệu đồng/năm. Có nghĩa là thu nhập chỉ từ 3 đến 8 tháng lương sau khi ra trường đã bằng toàn bộ học phí của cả quá trình đào tạo.
* Thưa ông, đề án "Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 2009-2014" đề xuất ngoài việc hỗ trợ người nghèo qua miễn học phí, Chính phủ còn trợ cấp thêm tiền để các hộ này có thể đưa con đi học, vậy sao chúng ta không duy trì việc miễn giảm học phí diện chính sách như những năm qua?
- Nhiều năm qua, Nhà nước thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên diện chính sách, song không trả lại chi phí này cho các trường. Các trường ĐH-CĐ-TCCN phải tự cân đối từ thu học phí của sinh viên khác. Kết quả là nếu nhận nhiều sinh viên diện chính sách bao nhiêu, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của nhà trường bao nhiêu thì trường càng gặp khó khăn về tài chính bấy nhiêu. Sinh viên sư phạm được miễn đóng học phí, song có một số nhất định sau khi ra trường không làm việc cho ngành giáo dục. Điều này là một sự không công bằng, làm giảm hiệu quả đầu tư của Nhà nước cho giáo dục. Để khắc phục điều này, đề án mới đề nghị cho sinh viên sư phạm vay tín dụng để học tập, và sẽ xóa nợ này khi sinh viên ra trường đã làm việc trong ngành giáo dục một khoảng thời gian được quy định cụ thể. Ngoài việc hỗ trợ người nghèo qua miễn học phí, Chính phủ còn trợ cấp thêm tiền để các hộ này có thể đưa con đi học (phụ cấp thêm tiền ăn, mặc, sách vở và đồ dùng học tập...).
* Đề án mới sẽ có tác dụng gì trong việc giải quyết những tồn tại nói trên, thưa ông?
- Trách nhiệm của các cấp quản lý nhà nước trong việc lập kế hoạch ngân sách cho giáo dục và chính sách sao cho có hiệu quả là rõ ràng, được đánh giá công khai, tạo tiền đề cho việc xử lý trách nhiệm cá nhân và tổ chức. Các cơ sở giáo dục phải thực hiện 3 công khai (công khai cam kết và thực tế chất lượng giáo dục; công khai nguồn lực của cơ sở đào tạo; công khai tài chính). Đây là cơ sở hết sức quan trọng để Nhà nước và nhân dân kiểm tra, đánh giá chất lượng và tình hình tài chính của cơ sở giáo dục. Hệ thống quản lý giáo dục yêu cầu tất cả các trường học phải thực hiện đánh giá chất lượng theo chuẩn do Bộ GD-ĐT ban hành từ tự đánh giá đến được kiểm định bởi một tổ chức độc lập có thẩm quyền được Nhà nước cho phép. Đây là căn cứ rất quan trọng để phụ huynh và người học chọn trường, tạo áp lực cạnh tranh lành mạnh để các trường phát triển và để Nhà nước kiểm tra, quản lý các cơ sở giáo dục (đóng cửa các cơ sở giáo dục chất lượng kém kéo dài). Một tác dụng khác từ đề án này là công bằng xã hội cao hơn hẳn trước kia, người nghèo được đảm bảo cơ hội học tập cho con em tốt hơn trước. Khi kinh tế khó khăn do thiên tai hoặc suy thoái của vùng hay cả nước, thì theo đề án, người nghèo càng được quan tâm hơn, vì số người được miễn giảm học phí sẽ tăng, số người được Nhà nước trợ cấp để có điều kiện cho con đi học được tăng thêm...