Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 12,723
Tình trạng thiếu công nhân lành nghề đã xuất hiện từ lâu. Tuy nhiên gần đây, trong quá trình đẩy mạnh sản xuất, trang bị thiết bị mới, tiên tiến ở các đơn vị sản xuất kinh doanh, việc khan hiếm lao động có tay nghề trở nên bức xúc.
Càng nghịch lý hơn khi cũng thời điểm này, các trường đào tạo nghề tại TPHCM lại thiếu người học trầm trọng. Vì sao?
Ông Nguyễn Văn Chương, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Lawnyard Việt Nam, đóng tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân TPHCM chỉ tay vào 150 chiếc máy may đang trùm mền tại 2 xưởng may, nói: “Chúng tôi đã thông báo tuyển 300 lao động kỹ thuật ngành may, nhưng đến nay chờ hoài vẫn không tuyển được”.
Theo ông Chương, tuyển công nhân (CN) lành nghề trong thời điểm hiện nay rất khó khăn. Từ tháng 7-2005, Công ty Lawnyard Việt Nam đã mở thêm 4 dây chuyền sản xuất mới nên rất cần các lao động có trình độ và tay nghề khá cho các công việc: bảo trì, thiết kế sơ đồ trên máy tính, kỹ thuật viên, công nhân có tay nghề. Chỉ vào mức lương trong tờ thông báo tuyển dụng của công ty, ông nói thêm: “Chúng tôi đã nâng mức lương khởi điểm lên đến 1,2 triệu đồng/tháng, có xe đưa đón tận nơi, thêm 2 tháng tiền thuê nhà nhưng mới chỉ được vỏn vẹn 20 người đến nhận việc”.
Tại Khu chế xuất Tân Thuận, trong tháng 10 vừa qua, Công ty TNHH Nissey (chuyên về lắp ráp mắt kiếng) cũng tuyển 300 lao động bậc thợ 3/7, công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông ở các nghề: cơ khí chế tạo máy, tiện-phay-bào nhưng đến nay cũng chưa tuyển đủ người.
Bà Lê Thị Ngọc Liên, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp (KCX&KCN) TPHCM, trong lúc đang nói chuyện với chúng tôi đã phải liên tục nghe những cuộc điện thoại gọi đến của các doanh nghiệp với câu trả lời duy nhất: “Chúng tôi cũng đang cố gắng tuyển, ráng đợi vài hôm nữa…”. Bà Liên cho biết chỉ trong tháng 10/2005, nhiều đơn vị trong KCX&KCN yêu cầu tuyển trên 1.000 lao động trình độ trung cấp có tay nghề, nhưng trung tâm tìm đỏ cả mắt vẫn không ra người để cung cấp cho các doanh nghiệp.
Trong tình hình cạnh tranh hàng hóa khốc liệt hiện nay, các doanh nghiệp đang phải trang bị thiết bị, máy móc mới, do đó đòi hỏi lượng công nhân có trình độ, tay nghề cao. Thế mà, lực lượng này có vẻ “ngày càng hiếm” do “cung” không đủ “cầu”. Hàng trăm đơn vị trông chờ vào số học sinh (HS) tốt nghiệp từ các trường THCN để tuyển dụng, nhưng số lượng này cũng không đủ vào đâu. Cùng lúc đó, ở các trường Trung học (TH) Kỹ thuật nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh, CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, CĐ Kỹ thuật Cao thắng, TH Kỹ thuật nghiệp vụ Phú Lâm…, số HS tốt nghiệp hàng năm cũng chỉ đáp ứng đủ cho vài đơn vị sản suất.
Theo số liệu từ Ban Quản lý các KCX&KCN TPHCM, mỗi năm thị trường lao động TPHCM cần khoảng 230.000 lao động, trong đó trình độ trung cấp, lao động có tay nghề chiếm số đông. Tuy nhiên, số HS tốt nghiệp từ các trường THCN ở TPHCM chỉ đáp ứng được khoảng 20%-30% nhu cầu của doanh nghiệp. Cơ hội việc làm của HS trường nghề rất cao, nhưng tuyển sinh hàng năm, tỷ lệ HS vào học tại các trường luôn dưới chỉ tiêu.
Bà Tô Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhìn nhận: “Ngoài tâm lý ưa chuộng khoa bảng của người học, cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các trường vừa thiếu vừa lạc hậu, suất đầu tư cho một HS trong chỉ tiêu đào tạo chỉ ở mức 3,6 triệu đồng/năm (thấp nhất so với các bậc học khác-PV). Một chiếc máy cơ khí cho HS thực tập phải tốn hàng trăm triệu đồng, thậm chí có loại máy trị giá hàng tỷ đồng”. Kinh phí này chỉ đủ để khắc phục những mặt còn yếu kém, chứ chưa thể nâng cao kỹ năng thực hành, và mở rộng được quy mô đào tạo hay phát triển ngành nghề mới.
Ở nhiều trường, máy móc thực tập cho ngành cơ khí hầu hết đều có tuổi đời 20 năm. Chuyện 10 HS chỉ có một máy thực tập, một em làm nhiều em khác đứng ngó là điều rất bình thường ở các trường nghề hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Chương bức xúc khi nói về chất lượng đào tạo từ một số trường nghề: “Rất nhiều bạn trẻ có bằng cấp, chứng chỉ tay nghề khá, nhưng khi thử việc tại xưởng lại lúng túng, công việc đơn giản không đáp ứng được. Chúng tôi phải tốn thời gian đào tạo lại”.
Theo khảo sát của Sở LĐ-TB&XH về tình hình sử dụng lao động, chỉ có 40% số doanh nghiệp hiện nay hài lòng về nguồn lao động đã qua đào tạo, còn lại chưa an tâm vì lượng lao động quá yếu về chuyên môn, thiếu kiến thức trong sản xuất lại không có ý định gắn bó lâu dài với công việc. Trong khi doanh nghiệp than thở về chất lượng đào tạo thì các trường lại cho biết, hầu hết HS đến xin thực tập, tiếp cận thực tế thì doanh nghiệp lại quay lưng. Vì đối với họ “một giờ máy chạy là một giờ tiền”.
PGS.TS Nguyễn Hữu Chí, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Bộ GD-ĐT trong buổi làm việc với Trường THKT&NV Phú Lâm tại TPHCM, nói: “Nếu chúng ta chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách của nhà nước cấp thì bài toán về nguồn nhân lực chất lượng khó có lời giải. Mấu chốt là phải tạo được sự liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường để hai bên hỗ trợ nhau cùng có lợi”.
Theo ông, cần có chính sách cụ thể khuyến khích, thậm chí ràng buộc các doanh nghiệp dành kinh phí nhất định hỗ trợ công tác đào tạo nghề ngay từ chính trong nhà trường và ngay tại doanh nghiệp đó.
Source: (Theo SGGP)
Please sign in to perform this function