Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 14,042
Sáng ngày 29.3, tại 51 Hàng Bồ, Hà Nội, Báo Lao Động phối hợp với 6 đơn vị đang hoạt động trên địa bàn thủ đô, trực tiếp tuyển dụng lao động. 278 chỉ tiêu là con số thật hấp dẫn trong ngày tuyển dụng trực tiếp này, song cả nhà tuyển dụng lẫn các ứng viên đều chưa tìm được "tiếng nói chung".
Vậy, đâu là điểm gặp của họ?
Yêu cầu của cả 6 công ty tuyển dụng người đều không quá khó. Thậm chí có công ty còn tuyển cả lao động phổ thông chứ không hẳn là những người có tay nghề cao hoặc ứng viên đã tốt nghiệp đại học "bằng giỏi, bằng khá" như lâu nay vẫn nghe, vẫn gặp. Ấy thế mà trọn một buổi sáng, các nhà tuyển dụng vẫn không tìm đủ số chỉ tiêu đề ra, còn số ứng viên "thất vọng" ra về vì không được chọn cũng không phải ít.
Sốt ruột tìm việc
Điều khá ngạc nhiên cho các nhà tổ chức lẫn nhà tuyển dụng là, trong số hàng trăm thanh niên đến tìm việc, có rất nhiều bạn trẻ đang học năm cuối cùng ở các trường đại học. Họ quá sốt ruột với chuyện tìm một chỗ làm ngay sau khi ra trường.
Bùi Thị Huyền Trang, sinh viên năm cuối Đại học Thương mại cho biết: "Tôi muốn thử sức mình, may ra tìm một chỗ làm tạm được để tích lũy kinh nghiệm cho sau này".
Còn bạn Nghiêm Đức Thức, học năm cuối Đại học Giao thông thì khẳng định ngay với nhà tuyển dụng khi được hỏi: "Sao không tìm cơ quan nào phù hợp với nghề mà ứng thí vào một cơ quan kinh doanh?". "Tôi thích lĩnh vực kinh doanh và tích lũy tri thức cho mình qua công việc mà tôi chọn hôm nay".
Nhà tuyển dụng không hề "khó dễ" với các ứng viên "sốt ruột" này, song để lọt vào mắt xanh của họ quả là không dễ. Đa số nhà tuyển dụng đều muốn có một đội ngũ nhân viên lành nghề, nhanh nhạy và "gắn" với công ty lâu dài chứ không phải họ là nơi để các bạn trẻ "thể nghiệm" công việc hoặc tích lũy kinh nghiệm cho tương lai.
Tư tưởng "nhảy lò cò" của các bạn trẻ trong chuyện tìm việc đã khiến các nhà tuyển dụng phải dè dặt khi tuyển.
Đâu là điểm gặp?
Điểm gặp giữa nhà tuyển dụng và ứng viên không nhiều ngoài những lý do trên còn có nguyên nhân nữa là ứng viên không đáp ứng đầy đủ yêu cầu.
Trực tiếp nghe các nhà tuyển dụng phỏng vấn ứng viên mới biết rằng để len chân vào một công ty nào đó tại Hà Nội là rất khó khăn. Người hỏi luôn đặt ra các tình huống giả định với ứng viên. Họ "quay" các ứng viên như chong chóng. Những câu hỏi đầy bất ngờ, những tình huống khá éo le mà nhà tuyển dụng đặt ra, nếu ứng viên không đủ tự tin lẫn tri thức, kiến thức thì dễ bị "out".
Ví như chị Hồ Thị Hạnh, đại diện cho Công ty Thương mại tiếp thị Bến Thành không cần kiểm tra trình độ ngoại ngữ của ứng viên nhưng vẫn có thể loại được những người không đủ trình độ tiếng Anh giao tiếp.
Chị Hạnh cho biết: "Tôi đặt tình huống giả định, chẳng hạn như trong yêu cầu tuyển dụng thì có việc nhân viên đó thi thoảng có cuộc đàm phán với đối tác là người nước ngoài để mua hàng cho công ty. Ứng viên nào mà ấm ớ tiếng Anh, nghe yêu cầu như vậy, tự động đứng dậy chứ không cần phải đợi hỏi thêm".
Nhưng thi thoảng, nhà tuyển dụng vẫn "gặp" được ứng viên của mình. Đó là khi nhà tuyển dụng "nhìn" thấy tiềm năng của ứng viên chứ không nhất thiết phải đáp ứng tất cả các yêu cầu trong buổi phóng vấn.
Quan sát các ứng viên được lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng thì thấy rằng đa số họ là những người tự tin, thông minh và rất "nhạy" trước các câu hỏi.
Ứng viên phải làm gì?
Trước hết là phải nắm kỹ thông tin mà các nhà tuyển dụng yêu cầu. Có người đến nơi tuyển dụng rồi hỏi trống không: "Tôi mới học xong phổ thông, không biết có được không?". Hỏi một câu vu vơ như vậy, nghĩa là anh (chị) ấy chưa nắm một chút gì thông tin về ngày tuyển dụng cả.
Việc tối cần thiết nữa là ứng viên phải hết sức tự tin vào mình, đừng tỏ ra quá "sợ" nhà tuyển dụng. Khuôn mặt "sợ hãi" của bạn sẽ mách cho nhà tuyển dụng rằng, không nên nhận những người thiếu bản lĩnh như vậy vào công việc của công ty! Mà chuyện tự tin này là cả một quá trình rèn luyện chứ không dễ một sớm một chiều mà có được.
Tốt nghiệp đại học hẳn hoi nhưng có quá nhiều bạn còn rụt rè, sợ sệt như thế thì rất khó tìm việc. Một câu hỏi thường thấy ở nhà tuyển dụng: "Bạn có tham gia hoạt động gì ở trường không? Làm công tác Đoàn hay đội văn nghệ chẳng hạn?". Câu hỏi này hàm chứa câu trả lời rằng, nếu bạn tham gia sinh hoạt nhóm, tham gia công tác xã hội nhiều thì bạn đang là người rất tự tin đấy!
Source: Theo LĐ
Please sign in to perform this function