Du học là gì? Hãy truy cập vào blog của các du học sinh và bạn sẽ thấy một thế giới du học muôn màu vẻ. Chia sẻ kinh nghiệm, học hành, khó khăn, tâm sự, ăn chơi…, tất cả cuộc sống của du học sinh đều được “mổ xẻ” trên blog.
Đong đầy cảm xúc “Ngày đầu tiên du học, bao thiếu thốn mệt nhoài/Tôi vừa ăn vừa khóc, nước mắt làm canh chan/Ngày đầu tiên du học, tôi thức trắng đêm trường/Bóng hình ai lấp lánh, chao ôi sao nhớ thương/Ngày đầu như thế đó, du học bao nhọc nhằn/Tôi bây giờ mới biết, du học là gian nan”.
Đó là tâm sự đẫm nước mắt trên blog HNLQT của một du học sinh nhớ về thời điểm chia tay người thân sang University of New South Wales (UNSW) - Australia học tập. Đọc blog, người ta cảm thấy đằng sau những con chữ tưởng chừng vô tri ấy có cái gì đó day dứt, khổ tâm, có cái gì đó nghẹn ngào nơi cổ họng, có cái gì đó gợi hình ảnh thổi ùa vào miền ký ức của một người con lần đầu xa xứ.
“Hâm lại cơm và thức ăn lúc trưa, bên này ở nhà share (chung tiền thuê nhà), thế nên thuờng nấu 1 lần cho cả ngày, thậm chí nhiều ngày, khi nào ăn thì hâm lại… Sắp xếp đồ đạc xong thì cũng khuya. Tắt đèn. Lúc này mới thấy chăn mền mang qua mỏng quá. Lạnh. Buồn. Lo lắng.… Và bắt đầu suy nghĩ miên man…” - Cái cảm giác “lần đầu tiên du học” đó như vẫn hiển hiện trong đầu người viết blog.
Du học là gì? “Đi du học có nghĩa là mỗi buổi sáng thức dậy tự hỏi mình đang ở đâu và sắp làm gì? Nhìn ra cửa sổ thấy sương lạnh buốt và biết mình có một ngày dài để chiến đấu. Nghe tiếng mình nhỏ nhẹ trong lòng, ráng lên nào, sống vì tương lai” - Đó là những dòng tâm sự trên trang nhật ký online của NAOKO - một du học sinh tại Herkimer County Community College - Mỹ.
Du học là gì? “Đi du học có nghĩa là nhìn theo cái vẫy tay xa xăm của bố sau lớp kiếng ngăn cách, là nước mắt của mình sau lớp chăn bông dày... Đi du học có nghĩa là tức tối khi muốn viết câu văn hay mà từ vựng lại nằm đâu đó quá xa trong cuốn từ điển dày cộm…”.
Du học là gì? “Du học có nghĩa là lớn lên… Đi du học có nghĩa là bố mẹ vất vả còn trước mặt mình lại là tương lai thênh thang. Đi du học có nghĩa là tự hứa nhiều lắm. Tự hứa không được lãng phí những gì đã hy sinh. Đi du học có nghĩa là đi học ở xa, rất xa”.
Với blogger (người viết blog) NAOKO, du học là như vậy!
Không chỉ bị dằn vặt trong những nỗi nhớ đêm đêm, nhiều du học sinh còn “kể lể” trên blog hàng trăm nỗi khổ khác. Cái khó nó “bó” ngay cả từ… những bữa ăn thường nhật. Trong một entry trên blog của Andre, người đọc không khỏi cảm thông khi biết cảnh "trường ca mỳ ăn liền” vì thức ăn không hợp.
Blogger này bộc bạch: “Du học, rau lại trở thành món ăn cao cấp và xa xỉ. Một số loại rau thuộc loại "hàng hiếm" nên giá bán khá cao (ví dụ như rau muống có giá 3 - 4 USD/mớ "nhỏ xíu". Để đủ một đĩa rau cũng mất khoảng 8 - 10 USD, tương đương với một món ăn đầy đủ ngoài nhà hàng”.
Nơi chia sẻ Với không ít những du học sinh, blog chính là nơi trao đổi kinh nghiệm du học mở nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất. Với blog của Trang Hạ - Một nghiên cứu sinh Thạc sĩ Truyền thông tại Đại học Shih-Hsin (Đài Bắc), người đọc không chỉ biết đến những truyện ngắn hay. Blog còn là nơi chị tư vấn du học bằng cách trả lời trực tiếp những câu hỏi của những du học sinh.
Những câu hỏi liên quan như mua vé máy bay rẻ ở đâu? Thủ tục xin visa thế nào? Kinh nghiệm xin học bổng các trường ở Đài Loan ra sao? Giấy tờ liên quan, kinh nghiệm ăn ở, đi lại…
Thậm chí, chị còn tư vấn những chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại rất cần thiết như mang ổ cắm điện loại gì, mua máy tính xách tay ở đâu thì rẻ, tốt?... Trên blog của nữ nhà báo cá tính này còn đăng tải danh sách các trường đại học ở Đài Loan nhận du học sinh Việt Nam.
Bên cạnh việc tư vấn online, các blogger còn chia sẻ những câu chuyện xoay quanh đời sống tối - sáng của du học sinh. Đọc entry “Muôn nẻo đường du học” trên blog của Cuong Oz - một thanh niên làm việc tại Melbourn (Australia), người ta không khỏi giật mình khi biết góc khuất của một bộ phận “cậu ấm cô chiêu”.
Chuyện một “công tử” bị bố mẹ tống sang Đức học những mong “bớt phá phách”, liền tậu ngay một “con” BMW series 5 cáu cạnh chứ không chịu leo lên xe bus hoặc tàu điện ngầm. Rồi cậu chơi bời, rồi cậu đánh bạc. “Những đồng "oi" (đồng euro) lần lượt được quy đổi ra "phỉnh" rồi cũng lần lượt "và như thế em đi”.
Hay chuyện một “nữ hoàng shopping” sang xứ sở Chuột túi “càn quét” đến mức mỗi lần đi chợ, “nàng” tiêu một khoản tiền mà du học sinh khác tiêu trong 6 tháng. Tất cả chỉ vì “sành điệu là làm điệu với hàng hiệu".
Chuyện du học sinh đi học thì ít, du thì nhiều với "trăm lý do, ngàn lý trấu": Nghiện ngập, cờ bạc, thích đua xe, cặp bồ…, tất cả đều được phơi bày trên blog.
Thậm chí, trong entry “Lạm bàn về chuyện "ở" của du học sinh” trên blog của Chameleon, người ta còn thấy cả phần trưng cầu ý kiến theo kiểu: Nếu du học, bạn sẽ chọn cách sống như thế nào?
Từ những câu chuyện mắt thấy tai nghe, các du học sinh kết luận: “Du học có lẽ chỉ dành cho những người thực sự quyết tâm. Họ đem tất cả nghị lực của mình để vượt qua những cám dỗ để chuyên tâm vào học tập…” - Cuong Oz viết trên blog.