|
Tại lớp 3/4 Trường tiểu học Lam Sơn, học sinh phải dùng chung bàn với cô giáo
|
Sĩ số tiểu học 56 học sinh (HS)/lớp, THCS 58 HS/lớp. Những lớp học vốn chật ém từ lâu nay tăng thêm 1.600 HS, nhưng năm học này không có thêm phòng học mới nào ở bậc tiểu học và THCS. Đó là thực trạng trường lớp ở Q.Gò Vấp - quận duy nhất tại TP.HCM chưa thực hiện xong quy hoạch chi tiết mạng lưới trường học trên địa bàn.
30 HS lớp 2/7 Trường tiểu học An Hội (P.8) chia nhau phòng học bé đến mức kỷ lục: chỉ 24m2! Sáu dãy bàn học kê sát vào nhau, hai lối đi hẹp vừa đủ một người có thể ra vào từ phía cửa. Phòng này vốn được thiết kế làm kho, năm nay tổng số HS tăng 800 nên trường phải trưng dụng làm lớp học.
Phòng học đàn của HS cũng “xuất thân” từ một cái kho, 25 cây đàn được bố trí trong diện tích 24m2. Trường hiện có 48 phòng học phải gánh đến 92 lớp với 4.640 HS, cố gắng lắm trường mới tổ chức được 18 lớp bán trú. Đồng thời phải mượn ba phòng học ở Trường THCS Phạm Văn Chiêu cạnh bên để gửi bớt sáu lớp.
Sĩ số bình quân gần 50 HS/lớp, trong đó có những lớp sĩ số lên đến 56 HS. Giờ chơi, hai khoảng sân rộng hơn 4.000m2 trở nên chật cứng, không còn nhiều chỗ trống cho HS chạy nhảy...
Nơi này có phải là trường học? Tại cơ sở 1 Trường THCS Thông Tây Hội, khu phòng học dãy B mục nát được đập bỏ từ tháng 6-2006, dự định xây mới chín phòng học. Hơn hai năm qua, trên nền đất này hàng trăm cây trứng cá chen nhau mọc lên cao ngút ngàn, thân cây to bằng cổ chân vi vu gió thổi nhưng trường mới chưa biết khi nào động thổ. Thiếu phòng học, không có phòng thực hành, đây là trường duy nhất trong quận không có phòng vi tính.
Hiện tại 474 HS trường này phải học nhờ (năm thứ ba) ở Trường trung cấp nghề Quang Trung. Theo dự kiến, dự án xây chín phòng học Trường THCS Thông Tây Hội và cơ sở 2 Trường tiểu học Trần Quốc Toản khởi công năm 2008, nhưng đến nay chính các trường này cũng chưa biết khi nào mới có tin vui. |
Trường tiểu học Lam Sơn có ba cơ sở nhưng không nơi nào có đủ dáng vẻ một ngôi trường. Trường có 13 phòng học với 26 lớp, không có phòng nào đạt chuẩn, chỉ hai phòng đạt 40m2, chưa bao giờ có lớp dạy hai buổi. Cơ sở 2 (P.16) được xem là ổn nhất với bốn phòng học, không có sân. Giờ chơi HS chỉ quanh quẩn ở dãy hành lang lớp học.
Cơ sở 1 của trường nằm trong khuôn viên nhà thờ Thạch Đà (P.9), do vậy mọi sinh hoạt ngoài trời của trường phải nhờ vào khoảng sân nhà thờ. Dãy phòng học và phòng làm việc của trường bị chia cắt bởi hai con hẻm. Ngày thường, người dân ở các hẻm này cứ quần đùi, đồ bộ băng ngang sân, khi không có HS ngoài sân không ai biết nơi đây có một ngôi trường! Sáng thứ hai trường chào cờ, xếp hàng xong bỗng nghe tiếng kèn đám ma, thế là HS ai về lớp nấy. Cảnh xe hoa đám cưới, tràng hoa đám tang tràn ngập sân trường là chuyện thường ngày ở nơi này.
Buổi chiều, sân nắng chói chang, lớp học hầm hập hơi nóng từ sân hắt vào, từ các bức tường tỏa ra và từ trần lợp tôn thấp tè dội xuống, chỉ cần đứng ở cửa lớp đã toát mồ hôi. Cơ sở 3 của trường cách đó vài chục mét là một ngôi nhà cấp bốn được xây từ năm 1957, vỏn vẹn hai phòng dành cho HS bốn lớp 3, mỗi phòng khoảng 30m2 nhét đến 39 HS.
Lớp 3/4 học phòng phía trong, cách phòng lớp 3/3 phía ngoài một hành lang ngang chừng 2m, bên trên là những tấm tôn cũ kỹ và một tấm lưới B40 có tác dụng làm giếng trời, mang khí thở xuống hai lớp học. Bảy dãy bàn chật ém, hai HS Nguyễn Văn Biên và Nguyễn Quốc Thái ngồi bàn đầu không có chỗ kê bàn viết, phải dùng chung bàn với cô giáo. Bức tường chân chim loang lổ do thấm và nứt, bốn chiếc quạt mở hết công suất vẫn không thể xua hơi nóng và hơi người, mùi mồ hôi luẩn quẩn trong phòng.
Mỏi mòn chờ trường mới Thầy Nguyễn Hồng Hải - hiệu trưởng Trường tiểu học Lam Sơn - tâm tư: “Ai có đến nơi này mới thấu hiểu nỗi khổ đặc trưng không có ở bất cứ ngôi trường nào. Ba cơ sở đều là nhà cấp bốn, tuổi thọ 40-50 năm. Những phòng học ngang 4m chỉ có thể bố trí một tấm bảng nhỏ, dãy bàn đầu cách bảng non 1m, những HS ngồi sát tường có nguy cơ bị lé mắt vì góc nhìn quá nghiêng. Thành ra lâu lâu phải hoán đổi chỗ ngồi của các em. Cảnh khổ của thầy trò chúng tôi có phòng giáo dục thấu hiểu, cũng có nhiều sở ngành cấp TP đến và trông thấy. Nghe nói cấp trên sẽ đề nghị đưa tên trường vào các dự án xây gấp nhưng không biết bao giờ HS mới có ngôi trường thật sự!”.
Cùng nỗi khổ trường lớp, cơ sở 2 Trường tiểu học Trần Quốc Toản chỉ có thể sử dụng ba phòng làm lớp học. Đầu năm học, cứ có mưa to là nước từ mái nhà tuôn xuống ào ào như thác đổ, giáo viên và HS phải hè hụi thu dọn “chiến trường”. Cuối cùng, trường phải chọn giải pháp tình thế: tạm thời phủ bạt và giấy dầu lên mái tôn dột nát chờ ngày trường được xây mới.
Theo Phòng Giáo dục - đào tạo Gò Vấp, Trường tiểu học Lam Sơn và Trường tiểu học Trần Quốc Toản là hai trong số bốn trường tiểu học đã xuống cấp trầm trọng, quy mô quá nhỏ so với số trẻ cần được ưu tiên cải tạo mở rộng. Nhưng trong danh mục các dự án dự kiến khởi công trong năm 2008 và kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản 2009 của ban quản lý dự án quận này không có tên Trường Lam Sơn.