Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 5,742
Nhằm lấy ý kiến đóng góp về một số nội dung liên quan đến chính sách đối với lao động nữ, chiều ngày 8/8, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội thảo về Chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Tham dự Hội thảo có đại diện Hội liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động, Sở LĐ-TB&XH các địa phương cùng các chuyên gia giới... Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà chủ trì Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
Những nội dung mới về chính sách đối với lao động nữ trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Bộ luật Lao động 2012 đã dành hẳn một chương đưa ra những quy định riêng đối với lao động nữ. Những quy định này đã đảm bảo quyền lợi và lợi ích của lao động nữ khi tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên đến nay, việc thực hiện các quy định liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới của Bộ luật Lao động 2012 đã bộc lộ một số vấn đề không còn phù hợp với thực tiễn.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này là cơ hội để chúng ta nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới cho phù hợp với thực tiễn của quốc gia và xu thế toàn cầu. Các vấn đề đó có tác động, ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng đến hầu hết các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và hàng chục triệu lao động nam và lao động nữ trên thị trường lao động.
“Việc sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới phải phù hợp với các nguyên tắc hiến định tại Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo sự tương thích với các Công ước quốc tế Việt Nam đã tham dự. Thay đổi cách tiếp cận từ “bảo vệ lao động nữ” sang cách tiếp cận “thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo quyền đối với cả lao động nữ và lao động nam” – Thứ trưởng lưu ý.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu
Chia sẻ một số điểm mới về chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), đại diện Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, nội dung của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) thu hẹp và tiến tới xóa bỏ khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ; Người lao động (NLĐ) bình đẳng về quyền nghỉ hưởng trợ cấp BHXH khi thực hiện biện pháp tránh thai, khám thai, sinh con, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau phù hợp với pháp luật BHXH; NLĐ có quyền tự quyết định lựa chọn làm các công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ trên cơ sở được thông tin đầy đủ về các công việc đó và điều kiện bảo hộ lao động; Cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và người sử dụng lao động trong việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo cho con của NLĐ, thực hiện các biện pháp bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới (trong đó Điều 137. Trách nhiệm của người sử dụng lao động: Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác. Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho NLĐ); Hoàn thiện khung pháp lý về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Đảm bảo quyền tự do tìm kiếm việc làm tốt hơn cho NLĐ và phòng ngừa, xóa bỏ lao động cưỡng bức bằng việc mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cho NLĐ…
Rút ngắn khoảng cách về thu nhập giữa lao động nam và nữ
Đánh giá về tính bình đẳng trong việc điều chỉnh tuổi hưu trong dự án sửa đổi Luật Lao động năm 2012 ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội cho rằng, về cơ bản, việc tăng tuổi hưu là điều tất yếu và có lợi đối với lao động nữ.
Ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội thông tin về khoảng cách lương hưu giữa lao động nam và nữ.
Dẫn báo cáo anh sinh xã hội thế giới của ILO giai đoạn từ năm 2017 -2019, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội cho biết, số quốc gia có tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ bằng nhau ngày càng tăng chiếm 68,4%, những nước có mức chênh lệnh tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ như Việt Nam ngày càng giảm.
Thông tin về khoảng cách giới về lương hưu năm 2017, ông Giang cho biết, với thời gian tham gia BHXH từ 28 năm đến 28 năm 11 tháng trở xuống, mức lương hưu của nữ cao hơn nam. Nhưng số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu từ 30 năm trở lên mức lương của lao động nữ chỉ bằng 83% của nam. “Do đó, tổng cộng lương hưu bình quân tất cả năm đóng BHXH nữ luôn chỉ bằng khoảng 84 % của nam giới” - ông Phạm Trường Giang cho biết.
Về thu nhập, báo cáo của Ngân hàng thế giới cho thấy, thu nhập của nữ thấp hơn nam khoảng 15 % (năm 2011) và 12,4 % (năm 2014). Điều này dễ hiểu bởi tuổi hưu của nữ hiện thấp hơn nam giới 5 năm. Bởi thời gian tham gia BHXH cũng ít hơn nam giới.
Dự báo về tình hình thị trường lao động tại Việt Nam, ông Giang cho biết giai đoạn 2010 – 2015, mỗi năm số người tham gia thị trường lao động là 1,2 triệu người, nhưng đến năm 2020 chỉ còn 800.000 người. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động so với dân số già sẽ giảm từ 6,6 xuống còn 2,1 trong vòng 40 năm tới. Điều đó có nghĩa là vào năm 2015, cứ 6 người bước vào thị trường lao động thì có 1 người rời khỏi thị trường lao động, nhưng đến năm 2055 chỉ có 2 người tham gia vào thị trường lao động thì đã có người rời khỏi thị trường lao động.
“Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần chủ động ứng phó với vấn đề thiếu hụt lao động trong tương lai không xa; tăng cơ hội việc làm và thăng tiến của phụ nữ, giúp cho nữ giới bình đẳng hơn trong lựa chọn việc làm; nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội; góp phần đảm bảo tính bền vững về mặt xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” – ông Phạm Trường Giang nhấn manh.
Tại Hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề như quấy rối tình dục nơi làm việc; bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ trong các ngành nghề độc hại, nguy hiểm; khoảng cách lương hưu giữa lao động nam và nữ...
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu đồng thời khẳng định: “Những ý kiến đóng góp tích cực và trách nhiệm của các đại biểu trong hội thảo hôm nay sẽ được Ban soạn thảo tổng hợp, nghiên cứu, xem xét đưa vào dự thảo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) một cách có chất lượng nhất, thể hiện ý chí của đại đa số nhân dân, phù hợp trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.
NGUYỄN SÍU - MẠNH DŨNG
Source: Theo baodansinh.vn
Please sign in to perform this function