|
Tuấn tự tạo điện xạc pin điện thoại bằng … ắc quy xe máy
|
Không điện, không nước sạch, không lương thực, không nhà vệ sinh, không đường đi lối lại … là thảm cảnh SV đang hứng chịu suốt 5 ngày mưa lũ. Trong tình trạng SV bị cô lập, nhiều dịch vụ “độc” kịp thời xuất hiện ở các nhà trọ đang chìm nghỉm trong nước. Dịch vụ “di động” phục vụ … tận răng
Điện thoại di động là vật dụng duy nhất lúc này để SV có thể kết nối ra bên ngoài khi bị cô lập. Nhưng oái oăm nhất là mất điện triền miên! Nếu có ai may mắn đến được lớp thì sạc nhờ ổ điện nhà trường. Nhưng nếu không đi học được, thì những SV ở nhà cũng yên tâm nếu chịu bỏ ra một khoản tiền nhỏ để sạc pin điện thoại bằng … bình ắc quy di động do mấy tay buôn đồng nát mang đến tận cửa.
Lần đầu có người mang đến, các SV không khỏi ngạc nhiên vì cách làm này. Bình ắc quy chỉ cần dùng một bộ đổi nguồn đấu vào 2 cực, rồi đầu ra cắm phích, vậy là sạc … ngon ơ! Giá mỗi lần sạc là 5 nghìn, trong vòng 30 phút.
“Các tay buôn đồng nát cũng tính toán khôn lắm! Mưa gió, không đi thu mua, cũng chẳng về quê được nên họ mang mấy bình ắc quy đi cùng, mà chỉ cho sạc trong tầm đó vì thế nào hôm sau cũng hết tiếp, lại phải sạc tiếp”, Lê Công Tuấn, SV khoa Cầu đường, ĐH GTVT Hà Nội cho biết. Tuấn ở trọ khu Cầu Diễn, nước lớn, mất điện đúng 1 tuần nay, cơm còn không có điện nấu để ăn nên không lấy đâu ra chỗ mà cắm sạc điện thoại.
“Biết là đắt nhưng có cái để nghe gọi cho yên tâm. Mấy hôm mưa, bố mẹ ở quê sốt ruột quá vì không biết làm cách nào liên lạc với em xem tình hình thế nào”, Tuấn kể. “Cái khó ló cái khôn”, từ sự đắt đỏ này, Tuấn đã nghĩ ra cách sạc pin điện thoại cho mình mà không mất tiền!
Cậu mượn chiếc xe máy của ông chủ nhà vứt xó 5 ngày nay, bình xăng còn đầy, mở nắp ắc quy xe ra, dùng bộ đổi nguồn sẵn có trong nhà rồi làm y như tay buôn đồng nát đã làm. Sau đó nổ máy, chiếc xe chạy máy là ắc quy có điện, bộ đổi nguồn giúp dòng điện trong xe có thể biến đổi và sử dụng đủ để sạc điện thoại. Là dân kĩ thuật nên Tuấn rất tinh tường các khoản này. Sáng kiến thông minh được mọi người bắt chước, ngay cả bác chủ nhà.
|
Người phụ nữ này 2 ngày nay đều đi đường vòng để đổi gas tại những nhà trọ phía sau khu vực tòa nhà HITC phía trước bị ngập nước mênh mông
|
Các loại hàng hoá “di động” cùng sạc pin điện thoại là rau xanh, gas, nước uống đóng chai, … hoặc bất kì cái gì SV cần để sống được đều “sốt” trong mấy ngày mưa lũ. Những mặt hàng này được người bán mang đến tận nhà trọ, tất nhiên là với giá cả cao hơn, chất lượng thấp hơn.
“Rau xanh mà đến lượt bọn được ăn cũng toàn loại đã bị dập nát hết cả. Khi họ mang đi bán rong thế này cũng là vì mưa quá to, không ai ra đường nổi để mua, ngay cả những người sẵn sàng mua với giá 25 nghìn/ bó”, chia sẻ của Trần Thị Lệ, SV khoa Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội, người đã thấm cảnh sống với lũ lụt suốt 5 ngày qua trong một khu trọ phía sau toà nhà HITC (quận Cầu Giấy).
Rau xanh đi bán rong đã đành. Nhưng đến gas cũng trở thành mặt hàng “di động” để phục vụ SV thì giờ mới thấy. Mấy ngày liền, SV “cam chịu” ăn mì tôm sống rồi uống nước là no, không cần phải nấu nướng gì thì gas không phải vấn đề. Nhưng với những SV không ăn được những thứ này lâu, gas vẫn là mặt hàng không thể thiếu. “Bà chủ quán tạp phẩm phía sau ngõ bị ngập ngày nào cũng xách túi gas vào để bọn em đổi. Bọn em phải dùng gas để nấu cơm, rồi hấp trứng vào đó ăn cùng, chứ không nuốt nổi mì sống”, Lệ cho biết.
Những bình gas "mini" mua bán trong tình trạng SV rơi vào đường cùng, vì thế, cũng trở nên đắt đỏ và “rởm” hơn bao giờ hết: “Giá gas đổi bình thường 4 nghìn/bình. Nhưng gas này, chỉ được bơm nửa bình mà đã 6 nghìn/bình”. Vì thế nên các SV xóm trọ của Lệ trêu nhau: “Mưa lũ, lần đầu được phục vụ đến “tận răng”, nhưng giá tận trên giời nên hãi quá!”
Đi vệ sinh trả tiền: Dịch vụ “không di động” duy nhất Đây có thể nói là dịch vụ “không di động” duy nhất SV đang cần nhất, phải tự tìm đến! “Nước rút bớt rồi, nhưng nhà vệ sinh hỏng không dùng được, cũng không thể “đi bô” rồi cả thẳng ra đường như hôm trước nữa, vì “nó” lại trôi vào nhà mình đến là ghê!”, Trịnh Văn Huy, ở trọ trong ngõ 333 Cầu Giấy, rùng mình kể lại như thể cậu vừa nhìn thấy những thứ lều bều mất vệ sinh đang lơ lửng trôi vào cửa nhà mình rồi chui tọt vào bên trong!
Nếu xóm trọ nào bị ngập “đi xong” bằng bô cũng “xả thẳng” ra dòng nước thì quả thật cảnh tượng này đúng là có một không hai! Mà nhà vệ sinh của xóm nào bây giờ cũng chìm nghỉm! Nhu cầu đã quá bức thiết, quá cấp bách rồi.
Cho nên, sau mấy ngày “tự mình phải bảo mình cố mà nhịn”, đến giờ, các SV chịu không nổi đành tự thân mò đến những nhà không bị ngập, “đề nghị” đi xong sẽ trả tiền như kiểu đi ở nhà vệ sinh công cộng!
“Lần đầu, mình thì ngượng chín mặt, nói không nên câu, lại chịu không nổi nữa rồi, còn nhà chủ kia thì tưởng mình là trộm, cứ đuổi nguây nguẩy. Nhục quá”, Huy kể. Van nài mãi, Huy cũng được cho vào với sự giám sát của ông chủ ngay ngoài cửa nhà vệ sinh. Nhận được cái gật đầu và cái chỉ tay, Huy vọt ngay theo hướng đó, rồi thở phào nhẹ nhõm bước ra. “Trả tiền bác không lấy, chắc cũng nghĩ SV khổ quá nên thương. Lúc đi xong, mới thấy ngại. May bác chủ chỉ cẩn thận đề phòng thôi chứ cũng dễ tính và thương người”, Huy ngượng ngùng kể lại.
Sau đó, các bạn trong xóm cũng “liều mình” bắt chước. Dần dà, 2 ngày nay, thấy các cháu cứ xin liên tục, ông bà chủ nhà cũng thu tiền thật! “Giá như nhà vệ sinh công cộng! Bọn SV ở trọ nhà ông ấy cũng thông cảm lắm, vì cùng cảnh với nhau mà, chúng nó may mắn hơn là không ở nhà trọ thấp như bọn này thôi!”, Huy cười.
Huy đang tính, nếu còn bị ngập lâu như vậy, dù có xa trường chắc cũng phải chuyển đến ở nhờ nhà bạn bè không bị ngập để thoát khỏi thảm cảnh này: “Nhà thì vẫn ở được thôi, nhưng mỗi cái “khoản đó” thì ác quá! Cứ mỗi lần “muốn” lại chạy cuống quýt thế này thì chết mất”!