Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 11,541
Hình ảnh những chiếc thang bắc qua tường để ném bài giải vào phòng thi tại Trường THPT Phùng Khắc Khoan (Hà Tây) năm 2006 liệu có tiếp diễn trong kỳ thi tới đây?
Chỉ còn hơn một tuần nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT - kỳ thi đầu tiên của cuộc vận động “hai không” - sẽ diễn ra. Liệu ngành giáo dục có thật sự đủ sức đương đầu và giải quyết được tình trạng tiêu cực, gian lận ở kỳ thi quốc gia này?
Tường cao có chống được tiêu cực?
Là “điểm nóng” về tình trạng tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp nhiều năm liền, năm nay Hà Tây vào cuộc chuẩn bị phòng chống tiêu cực từ khá sớm. Trường THPT Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất) - ngôi trường “nổi tiếng” với hình ảnh những chiếc thang cao ngất ngưởng bắc qua tường để các đối tượng leo từ bên ngoài ném bài giải vào trong phòng thi - năm nay đã xây tường cao thêm. Cùng với hàng rào sắt, độ cao tổng cộng của tường lên tới gần 4m. Ông Nguyễn Văn Tâm, hiệu trưởng Trường THPT Phùng Khắc Khoan, cho biết để nâng cao 270m tường bao quanh trường tốn hết 300 triệu đồng.
Không chỉ riêng Trường THPT Phùng Khắc Khoan được gia cố để đảm bảo an ninh trật tự, chống tiêu cực, ông Đào Văn Bình, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây, cho biết 5 tỉ đồng đã được tỉnh chi để xây tường rào bảo vệ quanh các khu vực thi. Năm nay UBND tỉnh chỉ thị không nơi nào được thu của HS khoản gọi là “phục vụ kỳ thi tốt nghiệp”. Bù lại, tỉnh đã quyết định hỗ trợ kinh phí cho cán bộ coi thi tăng gấp đôi so với năm trước, từ 25.000 lên 50.000 đồng/người/ngày.
Kế hoạch bảo vệ trật tự cho kỳ thi cũng đã được lên danh sách rất chi tiết với sơ đồ vị trí từng khu vực. Huyện nào thấy công an địa phương không đủ sức bảo đảm cho kỳ thi thì có quyền đề xuất lấy công an huyện khác sang... Ông Uông Đình Hồng, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tây, còn nhấn mạnh thêm một biện pháp được cho là mới ở Hà Tây năm nay: không cho phép phụ huynh tham gia hội đồng thi (!?). Theo ông Hồng, năm trước nhiều hội đồng thi ở Hà Tây vẫn có sự tham gia của phụ huynh HS là một phần sơ hở tạo ra những tác động tiêu cực trong trường thi.
Ông Nguyễn Văn Tâm thẳng thắn thừa nhận rằng dù tường rào được đầu tư kiên cố hơn năm trước, nhưng nếu những đối tượng gây rối vẫn kéo đến thì sẽ... khó khăn.
Thách thức lớn nhất đối với cuộc chiến chống tiêu cực thi cử có lẽ không chỉ là nạn trèo tường ném bài giải, lộn xộn bề nổi quanh các điểm thi... mà còn ở những gì sẽ diễn ra trong từng hội đồng thi. Kỳ thi tốt nghiệp năm 2006 vừa qua cho thấy có những nơi tổ chức thi cử êm đẹp, không có gian lận, tiêu cực đáng kể nào được ghi nhận... như ở Bạc Liêu, Nghệ An... nhưng đến khi bị tố cáo, phát hiện, tiêu cực có qui mô còn khủng khiếp hơn nhiều.
Quan trọng nhất là... thanh tra!
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT Hà Nội trong đợt kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT mới đây.
Theo thứ trưởng, Bộ GD-ĐT đã xác định kỳ thi tốt nghiệp năm nay là một kỳ thi quan trọng. Đây là năm đầu tiên toàn ngành triển khai cuộc vận động “hai không” và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực trong thi cử. Đồng thời đây cũng là kỳ thi “bản lề”, đóng vai trò quan trọng trong lộ trình tiến tới kết hợp hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh trong một kỳ thi quốc gia chung. Để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, kết quả thực chất, Bộ GD-ĐT đánh giá khâu thanh tra, đặc biệt là thanh tra coi thi và chấm thi, là hoạt động quan trọng nhất mà ngành sẽ phải tập trung thực hiện.
Lần đầu tiên, dự kiến có khoảng 6.000 cán bộ, giảng viên từ các trường ĐH, CĐ sẽ được huy động để giám sát và thanh tra thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT ở tất cả các tỉnh. Ông Nguyễn Tiến Đoàn - giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội - kiến nghị các đoàn thanh tra của bộ, các trường ĐH, CĐ làm nhiệm vụ giám sát độc lập một cách tối đa: tự lo ăn ở, phương tiện đi lại, tự chọn hội đồng thi, thời gian đến kiểm tra, không cần qua sở GD-ĐT sở tại để đảm bảo thanh tra một cách khách quan nhất.
Ngành giáo dục đã có tất cả: lòng quyết tâm, các công cụ hành chính lẫn biện pháp xử lý để sẵn sàng bước vào một kỳ thi tốt nghiệp “nói không với tiêu cực”. Điều mà xã hội mong đợi nhất không phải ở con số bao nhiêu TS sẽ bị lập biên bản hay tỉ lệ tốt nghiệp sẽ giảm bao nhiêu, mà ở những gì diễn ra trong các hội đồng thi tốt nghiệp năm nay sẽ thực chất đến đâu.
Source: Theo TTO
Please sign in to perform this function