Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 5,310
Gắn kết doanh nghiệp (DN) với hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã được đặt ra lâu nay nhưng làm sao để sự bắt tay này thực sự hiệu quả, chặt chẽ thay vì chỉ là “bắt tay trên giấy”? Vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó trách nhiệm của nhà trường phải là: Chuyển mạnh theo hướng đào tạo nghề nghiệp gắn với DN, theo địa chỉ đặt hàng và thị trường lao động.
(Ảnh minh họa)
Những tín hiệu vui
Theo TS Nguyễn Hồng Minh - Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Bộ Lao động Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) - thời gian qua, sự gắn kết giữa GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ chế phối hợp giữa ba bên: Nhà nước - nhà trường - DN đang bắt đầu hình thành, vận hành tốt trong thực tiễn. Các địa phương đã quan tâm hơn đến hoạt động gắn kết với DN. Các cơ sở GDNN đã chủ động hơn, thuận lợi hơn khi tìm đến DN. Các DN đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường. Các kết quả hoạt động trên bước đầu đã tạo nên sự chuyển biến về chất lượng GDNN, gắn đào tạo với việc làm, thị trường lao động.
Theo thống kê, tính trung bình, năm 2018, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 85%, trong đó tỷ lệ sinh viên CĐ ra trường có việc làm đạt 87%, TC 82%. Còn trên thực tế, nhiều cơ sở GDNN hiện nay khi tuyển sinh đều cam kết sinh viên sau khi đào tạo sẽ được giải quyết việc làm. Điều này cho thấy nhà trường hoàn toàn tự tin với chất lượng đào tạo của mình đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động cũng như nhà tuyển dụng.
Theo ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội - để có được sự tự tin đó, cần xác định rõ mục đích của nhà trường đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội nói chung, nhưng đối tượng chính là các DN; nhà trường phải liên tục có những điều chỉnh để phù hợp với sự điều chỉnh của DN. Muốn vậy, cần hướng đến mấy mục tiêu: Cùng nhau xây dựng chương trình để đào tạo; nhà trường và DN sẽ cùng xây dựng kế hoạch để đào tạo; nhà trường cũng sẽ cùng DN đào tạo cho sinh viên những kỹ năng mềm, các kỹ năng liên quan để sinh viên khi tốt nghiệp ra trường có thể làm việc được ngay. Hiện Trường CĐ Cơ điện Hà Nội ký kết hợp tác với 160 DN, trong đó có tới 70% DN hợp tác thường xuyên. Bắt đầu từ năm 2018, nhà trường đã ký cam kết 100% sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp ra trường. Và hiệu trưởng ký cam kết trực tiếp với sinh viên, nếu không có việc làm, hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm và trả lại tiền học phí do sinh viên đóng.
Giải bài toán lợi ích
Để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân cho rằng: Liên kết DN và trường nghề là khâu đột phá. Mọi giải pháp từ nâng cao chất lượng, đẩy mạnh tự chủ trong đào tạo giáo dục nghề nghiệp đều nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực của DN. Muốn vậy, phải có sự tham gia của DN.
Về phía DN, ông Quân phân tích: “DN cần nhân lực, thì việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực là trách nhiệm, quyền lợi của họ. Chỉ khi DN chủ động hợp tác với trường nghề để chuẩn bị nhân lực cho mình, lúc đó DN sẽ hài lòng. Nếu DN chỉ đứng ngoài để tuyển dụng, sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không tuyển được. Chỉ khi nhà trường và DN cùng có động lực, áp lực thì mới bắt tay hiệu quả được, không thể có hợp tác trên giấy, mang tình hình thức. Hợp tác phải găn với lợi ích. Nếu không có lợi ich, chúng ta không có hợp tác thực chất”. Cung cấp thêm số liệu, ông Quân cho biết tại Việt Nam, có 55 triệu lao động, trong đó, 24% qua đào tạo, 35% làm việc ở khu vực nông nghiệp, và một lượng lớn phải đào tạo lại. Do đó, DN và trường nghề phải hợp tác đào tạo thật tốt, thực chất, không phải để cấp chứng chỉ.
Nhìn nhận từ phía DN, bà Vi Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng hiện có một số quy định hạn chế sự tham gia của DN vào hoạt động GDNN. Đơn cử như quy định người hướng dẫn tại DN có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm sẽ làm khó DN khi tham gia hoạt động này. Cũng ít DN tận dụng được ưu đãi về thuế. Vì vậy, cần kiến nghị để sửa đổi, thay thế những quy định này trong thời gian tới. Cụ thể, đại diện VCCI kiến nghị, cần tiếp tục sửa đổi các bộ luật liên quan, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, khuyến khích DN tham gia GDNN.…
Hướng tới mô hình đào tạo khép kín, đào tạo kép
Ông Nguyễn Xuân Lanh (Công ty Esuhai) cho biết, DN của ông hiện đang liên kết đào tạo và tuyển chọn sinh viên sau tốt nghiệp đi làm việc tại Nhật Bản với 22 trường ĐH, CĐ, TC trên cả nước. Các ngành nghề công ty tập trung chủ yếu là công nghiệp phụ trợ (kỹ thuật, chế tạo…), ứng dụng công nghệ cao (chế biến thực phẩm, nông nghiệp…), dịch vụ (nhà hàng, khách sạn)… Đây đồng thời cũng là những nhóm ngành nghề có nhu cầu lớn và có tiềm năng phát triển tại Việt Nam trong tương lai. Ngoài khó khăn về ngôn ngữ và hòa nhập văn hóa tại bản xứ, người lao động Việt Nam sang Nhật Bản còn gặp phải hạn chế lớn nhất là thiếu các kỹ năng làm việc trong môi trường Nhật Bản như: 5S, Horenso, Kaizen, làm việc tập thể, và kỹ năng quản lý… Vì vậy, ông Lanh đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả liên kết đào tạo giữa nhà trường và DN, theo đó, các DN phối hợp với các trường ĐH, CĐ, TC xây dựng mô hình đào tạo khép kín từ tuyển sinh đầu vào, đào tạo chuyên môn, đào tạo ngoại ngữ, trang bị kỹ năng tác phong làm việc đáp ứng yêu cầu tuyển dụng và cử sinh viên sau tốt nghiệp đi làm việc tại nước ngoài cho đến tạo việc làm cho người lao động khi về nước hoặc hỗ trợ khởi nghiệp phát triển sự nghiệp tại Việt Nam.
Đồng tình quan điểm này, ông Lê Đình Kha - Hiệu trưởng Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng (TPHCM), cho rằng: Không chỉ tập trung trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ, tính sáng tạo cho sinh viên, các trường nghề cần tập trung vào việc giáo dục định hướng việc làm cho sinh viên. Để DN hợp tác chặt chẽ với trường nghề, cần sự chủ động của nhà trường trong việc chủ động kết nối với DN, lắng nghe yêu cầu về nhân sự của DN. Kinh nghiệm của trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng là xây dựng website giúp DN đăng tải tuyển dụng sẽ là một kênh hữu hiệu để quảng bá nhà trường, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên và DN tìm được ứng cử viên thích hợp; tích cực liên hệ để đưa sinh viên đi tham quan, học tập công nghệ mới tại DN.
Bà Vi Thị Hồng Minh cho rằng, cần đổi mới hơn nữa phương thức đào tạo gắn liền với DN. Cụ thể, nghiên cứu và áp dụng mô hình “đào tạo kép” phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo tại trường và đào tạo tại DN; thường xuyên mời các chuyên gia từ DN đến trường chia sẻ nghề nghiệp; kết hợp giảng dạy chính khóa với các hoạt động ngoại khóa.
Kiến nghị thêm, ông Nguyễn Xuân Lanh cho rằng cần có chính sách vay vốn tín chấp cho sinh viên tốt nghiệp các cơ sở đào tạo nghề đi làm việc ở nước ngoài. Nhà nước mở rộng đối tượng cho vay 100% chi phí đi làm việc tại một số nước đến đối tượng sinh viên tốt nghiệp các trường nghề, TC, CĐ, ĐH khi tham gia chương trình, xem xét phương thức phối hợp giữa nhà trường – DN – ngân hàng để hỗ trợ thủ tục cho vay phù hợp giúp sinh viên khi tốt nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn.
Nguồn: dantri.com - Thu Hương
Nguồn: dubaonhanluchcmc.gov.vn
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này