Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị phương án thi tốt nghiệp THPT theo hình thức cụm, cứ 3 trường một hội đồng thi. Bài thi được đổi chấm chéo giữa các tỉnh với nhau. Nhưng phương án này đang gặp những ý kiến trái chiều từ cơ sở.
Khó khăn cho phụ huynh, học sinh
Theo phương án mới, cứ 3 trường sẽ thành lập một hội đồng coi thi. Học sinh (HS) sẽ được xếp phòng thi theo thứ tự ban chuyên trước (Ban khoa học tự nhiên, Ban khoa học xã hội và Ban cơ bản), đến môn ngoại ngữ, rồi mới đến thứ tự theo a, b, c.
Theo ông Phan Đoàn Thái - Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Bình Thuận), nhiều HS sẽ gặp khó khăn do phải đi thi rất xa. Vì cụm 3 trường chung một hội đồng coi thi nhưng từ điểm trường nọ đến trường kia cách nhau từ 40 đến 50 km (Bình Thuận).
HS sẽ khó khăn ngay từ ngày đầu tiên tìm tên mình thi ở phòng nào. Nếu không thấy tên mình ở điểm thi của trường mình, các em sẽ phải đến địa điểm thi trường kia cách đó tới mấy chục cây số để biết mình có tên ở phòng thi số mấy.
Đó là chưa kể việc đi lại, ăn ở của hàng chục nghìn HS (và cả phụ huynh đưa con đi thi) sẽ gặp khó khăn trong 3 ngày diễn ra kỳ thi. Ngoài ra, trong bối cảnh rất đông HS di chuyển như thế vừa gây áp lực nặng cho công tác điều tiết giao thông, vừa rất nguy hiểm cho bản thân HS và phụ huynh bởi tai nạn giao thông dễ xảy ra.
"Sẽ chết chúng tôi" Theo thông báo số 54 của Bộ về kết luận của Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long sau hội nghị thi và tuyển sinh trực tuyến ngày 17.1.2009, Bộ hướng dẫn: "Có thể thành lập hỗn hợp hai trường THPT và hai trung tâm GDTX..." và "mỗi điểm thi bố trí một phó chủ tịch hội đồng làm trưởng điểm thi...".
Cũng theo ông Phan Đoàn Thái, việc thành lập hỗn hợp như vậy là hoàn toàn không thể. Theo quy chế, chỉ chủ tịch hội đồng coi thi mới được phân công giám thị coi thi. Trong khi đó, ông chủ tịch hội đồng coi thi ở một điểm trường cách xa hai điểm kia mấy chục cây số thì làm sao điều hành; trong khi việc phân công giám thị coi thi phải bí mật và không được phân trước (khi coi thi tất cả không được dùng điện thoại).
Giả sử giám thị A, buổi sáng được phân công coi thi ở phòng thi số 1, nhưng buổi chiều lại được phân công coi ở phòng số 20. Mà phòng 20 ở điểm trường khác, cách đến 40 km thì làm sao di chuyển kịp để coi thi buổi chiều? Đã vậy, giám thị hoàn toàn từ nơi khác đến chưa quen đường sá...
Dự kiến (theo thông báo 54, ngày 23.1.2009) "những phòng thi cuối cùng có thể được xếp ghép các ban với nhau". Rất nhiều thầy, cô giáo đang dạy học bậc THPT cho rằng "sẽ chết chúng tôi" vì không biết em nào học ban nào để phát đề, rất dễ phát nhầm đề. Và dĩ nhiên chỉ một sai sót nhỏ này sẽ "lãnh án" kỷ luật ngay.
Một điểm nữa, năm nay giám thị hành lang (trước đây gọi là giám thị 3) không được đứng ở khu vực hành lang (khu vực này là người của Bộ, điều đến từ các trường ĐH-CĐ) thì họ đứng ở đâu nếu như trời mưa gió?
Thêm nặng gánh Mỗi địa điểm trường chỉ có một ông phó chủ tịch hội đồng coi thi làm "trưởng điểm thi" nên chủ tịch hội đồng coi thi sẽ không có người giúp việc khi thu bài thi, bảo quản và vận chuyển bài thi.
Ngoài khó khăn trong điều hành giám thị (vốn cực kỳ bí mật) thì việc vận chuyển đề thi (phải có công an đi kèm) sẽ ra sao trong khi quy định về giờ mở đề thi, phát đề thi gần như xảy ra cùng lúc? Nếu mở đề thi sớm sẽ vi phạm quy định, nhưng không mở sớm sẽ không thể nào kịp thời gian di chuyển.
Còn nếu vận chuyển đề còn niêm phong đến cho phó chủ tịch hội đồng coi thi ở điểm trường khác, xảy ra sự cố ai chịu trách nhiệm? (trong khi quy định chỉ có chủ tịch hội đồng coi thi mới được mở đề thi).
Thạc sĩ Nguyễn Văn Hiến - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận cho biết: Thi theo cụm trường như thế thì trách nhiệm của chủ tịch hội đồng coi thi lớn quá, không kham nổi.
Cùng thời điểm nhưng đến ba điểm trường thi cách xa nhau mấy chục cây số; sẽ phải giao trắng cho "ông" phó chủ tịch ở điểm trường thứ hai và thứ ba. Vậy hai ông phó kia nếu được quyền phân công thì cũng có khác gì một chủ tịch hội đồng coi thi?
Trong công văn góp ý gửi Cục Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (thuộc Bộ GD-ĐT, đơn vị dự thảo quy chế thi này - PV) và gửi Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận viết: "Cục Khảo thí đề ra những việc không sát thực tế, phức tạp những việc vốn đơn giản, dẫn đến lãng phí không cần thiết, gây khổ cho dân, gây khó khăn cho ngành...".
Được biết quy định này đến nay vẫn chưa chính thức ban hành.
Học sinh miền núi sẽ rất vất vả...
Ông Đặng Văn Quang - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La cho biết, nếu các tỉnh đồng bằng khó khăn 1 thì việc thi theo cụm đối với các tỉnh miền núi như Sơn La còn khó khăn 10.
Do địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn nên trong những năm qua, không những Sơn La không tổ chức thi theo cụm mà còn phải tách một trường THPT thành 2 hội đồng thi để HS đỡ phải đi lại vất vả. Cũng theo ông Quang, đời sống của đồng bào dân tộc còn vô cùng khó khăn, nếu tổ chức thi theo cụm buộc họ phải bỏ ra một khoản kinh phí đi lại và ăn nghỉ để đi thi thì sẽ có một bộ phận người dân không thể cho con em họ đi thi được. "Đó là chưa kể đặc thù của các tỉnh miền núi, mùa thi cũng đúng vào mùa mưa nên tình trạng sạt đường, lở núi gây ách tắc giao thông rất dễ xảy ra" - ông Quang cho biết thêm.
Ông Nguyễn Công Thành - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định dự kiến: nếu tổ chức thi theo cụm thì tỉnh sẽ cố gắng tổ chức cụm thi theo từng huyện, thị để tránh việc HS phải đi lại quá xa. Do số lượng HS đông nên có thể có những huyện của Nam Định sẽ phải tổ chức tới 3 cụm thi. |
Chấm thi chéo cũng không dễ dàng
Thêm một giải pháp mới mà Bộ sẽ thực hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là tiến hành đổi chéo bài tự luận giữa các tỉnh để chấm thi. Ví dụ, tỉnh A chấm bài cho tỉnh B, tỉnh B chấm bài cho tỉnh C... Ông Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM góp ý: trong các kỳ thi trước, TP.HCM phải huy động hàng trăm người (đều là hiệu trưởng, hiệu phó các trường THPT) tham gia giám sát việc vận chuyển bài thi; việc chấm thi cũng kéo dài khoảng 10 ngày vì số lượng HS rất lớn. Chính vì vậy, việc chấm thi chéo dễ dẫn tới tình huống: bài thi của TP.HCM sẽ phải do nhiều tỉnh chấm và ngược lại. Bộ cần phải có hướng dẫn rất sớm và cụ thể về tình huống này.
Ông Lê Duy Vị - Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên cũng cho rằng Bộ GD-ĐT cần lựa chọn những tỉnh mà trình độ người chấm thi tương đồng nhau để đổi chéo bài thi, tránh thiệt thòi cho HS. |