Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 20,166
Mọi việc bắt đầu bằng lá thư mời từ chính quyền tiểu bang South Australia gửi đến cho tôi về chuyến đi thực tế nhằm tìm hiểu hệ thống giáo giáo dục và đào tạo ở thành phố Adelaide. Trên chuyến bay của hãng Qantas đi Sydney, tranh thủ thời gian bay dài đằng đẵng, tôi tương tác với bàn phím và nhẩn nha hồi tưởng về những ký ức còn tươi mới trong tuần lễ đáng nhớ vừa qua.
Ngày thứ nhất: Ấn tượng về "thành phố 20 phút"
Adelaide - thủ phủ của bang South Australia (SA), nơi có đến 2/3 lãnh thổ chìm trong hoang mạc. Qua ô kính mờ đục của cửa sổ máy bay, tôi nôn nóng muốn nhìn thấy thành Adelaide nhưng chờ mãi vẫn chưa mục kích tòa cao ốc nào nhô lên từ phía bên dưới những đám mây. Thông báo sắp hạ cánh của cơ trưởng: Nhiệt độ ngoài trời là 34 độ C...
Khu đô thị trung tâm ở Adelaide chỉ rộng 870 km2, chiếm một phần khiêm tốn trong tổng diện tích 985.000 km2 của tiểu bang SA. Thành phố này nằm trong top 5 những đô thị lớn nhất của Australia nhưng chỉ có khoảng 1,2 triệu dân, chiếm 73% dân số của toàn bang. Theo thống kê của Tổ chức Adelaide Education, trong năm 2005, có khoảng 18.000 sinh viên quốc tế đến đây để học tập ở nhiều ngành và bậc học khác nhau. Điều đó phần nào lý giải cho sự xuất hiện ngày càng nhiều các bạn trẻ với đủ mọi màu da và màu tóc vác ba lô, cặp sách xuôi ngược trên những con đường sạch bong, rợp bóng cây của Adelaide mỗi ngày.
Lẩm nhẩm trong đầu tên của những nhà khoa học xuất thân từ các trường đại học ở Adelaide từng đoạt giải Nobel (Sir William Henry Bragg và Sir William Lawrence Bragg: giải Nobel Vật lí năm 1915; Howard Walter Florey: Nobel Y học năm 1945; John Maxwell Coetzee: Nobel Văn chương năm 2003 ) để hỏi Lainie Anderson - người được phân công phụ trách "chăm sóc" tôi trong suốt chuyến đi - liệu có thể được đến thăm nơi họ từng làm việc trước đây. Lainie và tôi vốn trao đổi nhiều với nhau qua e-mail và điện thoại nên cả hai rất vui mừng khi lần đầu tiên được gặp gỡ nhau. Có lẽ do quá vui nên tôi quên khuấy câu hỏi định sẵn trong đầu về các vị học giả nọ. Thay vào đó, tôi phát biểu ngay cảm tưởng: "Lainie ơi, Adelaide quy hoạch tuyệt vời quá!". Hình như mọi thứ ở đây đều được xây dựng theo tỷ lệ cách đều nhau, chính xác đến mức kinh ngạc. “Vậy em không biết vì thế nên Adelaide được mệnh danh là thành phố 20 phút sao? Nếu không phải trong giờ cao điểm và xuất phát bằng ô tô từ trung tâm thành phố, em có thể đến tất cả những khu địa giới khác xung quanh trong cùng một quãng thời gian bằng nhau”.
À, bây giờ thì tôi đã hiểu. Từ sân bay về khu trung tâm chỉ mất 20 phút. Sẽ chỉ mất đúng từng ấy để đến ngôi nhà xinh xắn của Lainie trên triền núi. Và có lẽ chỉ mất đúng 1/3 giờ đồng hồ nữa để từ nhà Lainie đến khu bảo tồn Cleland nơi tôi sẽ lần đầu tiên được chạm tay vào những chú kaola, kangaroo và đà điểu...
Ngày thứ 2: Hai chàng trai Việt Nam tại Đại học South Australia và... bịch rượu vang 10 lít
Dầu cho đỉnh núi cao nhất của bang SA là Mount Woodroffe cao đến 1.435 mét, Adelaide không bị ảnh hưởng nhiều của cái vóc dáng hùng vĩ ấy. Thành phố ngoan ngoãn nằm gọn xung quanh những sườn đồi có độ dốc vừa phải, thỉnh thoảng chen ngang vài đoạn "tay áo" khá hiểm hóc. Đó chính là hình ảnh lưu trữ trong bộ nhớ của tôi về quãng đường từ trung tâm thành phố ra khu học xá Mawson Lakes của Đại học South Australia (UniSA).
Thầy giáo Minh Phạm (bìa trái) và các học sinh gốc Việt (thứ hai và thứ ba) |
Cùng đi với Lainie, tôi được sắp xếp gặp những du học sinh Việt Nam tại UniSA trong buổi sinh nhật của "hiệp hội" sinh viên châu Á tại Mawson Lakes. Trí Dũng và Thế Anh, hai chàng trai đến từ Sài Gòn cùng một số bạn sinh viên từ Ấn Độ, hay Mã Lai, Indo nghênh đón chúng tôi khá nồng hậu bằng những nụ cười thật dễ thương. Dũng và Anh là hai thành viên của VISA2000 Group, nhóm du học sinh Việt Nam tại tiểu bang SA. Dũng đang làm nghiên cứu sinh ngành Quản lý công nghệ thông tin còn Thế Anh hiện theo học chương trình thạc sĩ ngành IT. Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng với hai bạn cũng giúp cho tôi nhận được lời mời ghé thăm chỗ trọ của họ bên ngoài khu học xá vào cuối ngày hôm đó. Có thể nói, ngày thứ hai của tôi ở Adelaide tạo điều kiện cho tôi trở thành "vận động viên đi bộ" trong khuôn viên rộng khủng khiếp của Trường Mawson Lakes. Tính ra, tôi đã phải cuốc bộ trên quãng đường có chiều dài gấp 5 lần quãng đường từ chợ Bến Thành đến khách sạn Caravelle.
Khệ nệ mang bịch rượu vang 10 lít đặt cái chịch lên bàn, anh chàng đậm người tên Thế Anh giải thích: "Lát nữa sẽ có nhóm sinh viên Việt Nam khác sang chơi, tụi mình thỉnh thoảng lại tổ chức "liên hoan" trong những dịp đặc biệt". Chỉ tay vào bịch rượu to đùng sóng sánh đỏ, Thế Anh khoe: "Ở bên này, đây là món tủ của sinh viên vì giá rất bèo... 10 đô Úc thôi". Anh ta nói thêm: "Bang SA là bang nổi tiếng về sản xuất các loại vang ngon
Số liệu sinh viên Việt Nam tại Adelaide trong năm 2005 Bậc ĐH: 140 Học nghề: 38 Trung học: 56 ELICOS: 75 Các khóa học khác: 7 Tổng cộng 316 sinh viên, tăng 20,2% so với năm 2004. Năm 2006, Adelaide thu hút 379 sinh viên Việt Nam. (Nguồn do Adelaide Education cung cấp) |
nhất của nước Úc".
Về sau, tôi được biết rằng rất hiếm khi cánh sinh viên Việt Nam có dịp gặp gỡ nhau như thế. Chỉ trong những dịp lễ, tết, "bà con" mới tụ tập lại để vui vẻ một tí. Việc học tập ngốn phần lớn thời gian biểu của họ, nếu lơ là một chút xíu dễ bị thi rớt môn học như chơi. Theo vị giám đốc phụ trách Hiệp hội sinh viên quốc tế ở UniSA, các sinh viên Việt Nam có truyền thống vừa chăm học... vừa chăm "cày", nên hầu như nhà trường không lo lắng họ sẽ mắc chứng "nhậu nhẹt ham vui".
Qua tìm hiểu từ nhiều sinh viên khác nhau, tôi rút ra kết luận mỗi tuần một sinh viên phải chi tối thiểu khoảng 75 đô Úc cho tiền trọ. 50 đô nữa cho tiền mua thức ăn để tự nấu nướng. Giá thuê nhà và vật giá ở Adelaide tương đối rẻ so với Sydney hay Melbourne nên cũng giúp giảm bớt gánh nặng tài chính trên vai du học sinh. Ngoài ra, sinh viên quốc tế ở đây được chính quyền cho phép đi làm thêm tối đa 20 tiếng một tuần. Mỗi giờ có thể kiếm từ 10 đến 15 đô, tùy theo công việc. Do đặc thù của bang SA mạnh về nông nghiệp, nhiều người trong họ có thể kiếm kha khá từ những việc liên quan đến công việc đồng áng. Trước khi bắt tay làm luận án tiến sĩ, Thế Anh thường tranh thủ kỳ nghỉ để đi hái nho trên những trang trại ở ngoại ô Adelaide. Anh làm 10 tiếng mỗi ngày và được trả công 15 đô la Úc mỗi giờ. Nghe qua cũng khá vất vả vì phải thức dậy từ tầm 5 giờ sáng đón xe bus đi đến trang trại nho.
Xe bus là phương tiện đi lại của sinh viên quốc tế ở Adelaide. Giá vừa rẻ vừa rất tiện lợi. Một chiếc vé đi xe bus có giá 11 đô rưỡi có thể được sử dụng 10 lần, mỗi lần 2 tiếng, không giới hạn số lần lên xuống xe. Ngoài ra, có thể dùng vé xe bus để đi tàu điện và xe lửa trong bang SA. Theo kinh nghiệm của những sinh viên đàn anh, đi xe bus và thuê nhà trọ ở ngoài (không phải ở ký túc xá của trường vì giá thuê thường đắt từ 2 đến 3 lần) là hai chính sách "thắt lưng buộc bụng" cơ bản. Bạn có thể mua xe hơi cũ với giá "rẻ như cho", đôi khi chỉ khoảng từ 1.500 đến 2.000 đô Úc nhưng phải tốn thêm tiền cho các khoản nhiên liệu, phí môi trường áp dụng cho xe đã qua sử dụng và đặc biệt là phí đỗ xe cao ngất ngưởng. Nếu đỗ xe ở trung tâm thành phố, bạn phải mất 11 đô la cho mỗi giờ, bất kể ở ngoài đường hay trong gara. Đỗ xe ở xa các khu thương mại, cao ốc văn phòng giá có rẻ hơn đôi chút nhưng cũng quá "hao" nếu so với chi phí khiêm tốn dành cho xe bus.
Ngày thứ 3: Cô bé Thủy có gương mặt sáng như trăng rằm và ngài thị trưởng
Thầy giáo Việt kiều Minh Phạm giới thiệu với tôi về lớp học tiếng của thầy ở trường nữ sinh Our Lady of the Sacred Heart. Thầy ra hiệu cho một cô bé có khuôn mặt sáng trưng. "Con nói bằng tiếng Việt để giới thiệu về mình đi!". Thủy đứng dậy, khép tay, thưa bằng giọng lơ lớ... "Dạ, con chào cô. Con tên là Thúy. Con năm nay 15 tuổi...”. Thầy Minh ngắt lời: "Con phát âm sai rồi, Thủy chứ không phải là Thúy", đoạn thầy trêu "con có biết nếu đọc lộn chữ y dài ở cuối tên của con biến thành i ngắn thì có nghĩa gì không?”. Thủy ngơ ngác "dạ không biết", đoạn khều tay cô bạn ngồi kế bên hỏi "là sao?".
|
Thuộc thế hệ Việt kiều sinh ra và lớn lên tại Úc, cô bé Thủy đã được ba mẹ dẫn về Việt Nam chơi vài lần. Sài Gòn là thành phố em mê nhất. Mỗi lần về Sài Gòn, Thủy tha hồ ăn nhiều đồ ăn và đi shopping với mẹ. Khi tôi hỏi, có khi nào em muốn về Việt Nam sống không, Thủy đáp: "Con còn nhỏ nên chưa quyết định được. Nhưng con biết bây giờ con phải học tiếng Việt giỏi hơn nữa để mai mốt về Việt Nam có thể hiểu mọi người nói gì. Nghe mọi người nói chuyện mà không hiểu, con sợ mọi người bảo con ngu". Cô bé cười khúc khích. Lời nói chân thật của cô bé khiến tôi suy nghĩ nếu như trẻ em Việt kiều nào cũng sợ bị gọi là "ngu" như em, có lẽ chúng ta sẽ có ít hơn những đứa trẻ bị "mất gốc".
Cũng trong ngày hôm đó, tôi được đặc cách gặp gỡ ngài thị trưởng của thành phố Adelaide Michael Harbison. Tôi phỏng vấn ngài về những vấn đề liên quan đến du học sinh Việt Nam và cộng đồng kiều bào ở đây. Người đứng đầu thành phố Adelaide tỏ ra rất hào hứng trong việc quảng bá thành phố của ông như một môi trường học tập tốt nhất tại Australia. Ông cho hay sẽ tổ chức một buổi lễ thật long trọng để chào đón những tân sinh viên quốc tế của năm 2006 vào ngày 31/3 sắp tới.
Ngày thứ 4: Cuộc gặp gỡ với cô gái mê cờ vua... và kỷ niệm nếm "bia chua"
Trần Thu Giang là cô gái có khuôn mặt tròn trĩnh, với tính cách có phần e dè, kín đáo. Đó là ấn tượng của tôi về Giang khi gặp cô tại Trường trung học Eynesbury. Hôm ấy, Giang về trường xưa để thăm lại thầy Peter Nolan, thầy dạy toán cũ của Giang. Cô báo tin vui rằng mình đã được mời dạy môn xác suất thống kê trong khi đang làm nghiên cứu sinh ngành Toán - Tin ở UniSA. Trước đây, Giang giành học bổng sang học lớp 11 tại trường học trung học tại Eynesbury. Với kết quả học tập xuất sắc, sau một năm, cô gái nổi tiếng về tài đánh cờ vua đã được chuyển thẳng lên năm thứ 2 ở Đại học UniSA.
Nói với tôi về Giang, thấy Peter Nolan tỏ vẻ đầy tự hào: "Em Giang thực sự là một tài năng vượt trội trong rất nhiều học sinh Việt Nam mà tôi từng dạy dỗ. Em có năng khiếu vượt trội về các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt với môn toán".
Tôi hỏi Giang liệu em sẽ xin ở lại Úc định cư hay trở về Việt Nam làm việc sau khi hoàn thành bậc tiến sĩ, Giang thành thật trả lời: "Nếu ở đây, có thể em sẽ có môi trường làm việc tốt hơn, nhưng em muốn về nhà để gần gũi ba mẹ. Vả lại, học xong từng ấy năm, em cũng muốn trở về làm điều gì đó cho đất nước còn nghèo của mình". Cha của Giang là thầy dạy toán tại Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, mẹ đã về hưu. Giang có chị gái đã lấy chồng nên cô cảm thấy mình có nhiệm vụ phải chăm sóc bố mẹ nay đã lớn tuổi.
Hôm ấy, ngoài Giang ra, tôi còn gặp gỡ thêm những cựu học sinh khác của Trường Eynesbury. Trường này, theo tôi được biết đã thu hút khá nhiều học sinh Việt Nam qua học chuyển tiếp bậc trung học. Eynesbury được xem là một trong những lò đào tạo sinh viên đại học tương lai ở Adelaide. Theo thống kê, 95% học sinh ra trường đều đủ điểm để vào đại học. Số còn lại đăng ký vào các trường thuộc hệ thống đào tạo nghề TAFE. Đa phần các học sinh Việt Nam tốt nghiệp trung học ở Eynesbury chọn học chương trình cử nhân các ngành Quản trị kinh doanh, Kế toán và Công nghệ thông tin.
Đến tối, tôi, thầy Peter, Giang cùng 2 du học sinh khác là Vũ và Hiền đi ăn tối tại một nhà hàng Việt Nam trên đường Rundle Mall. Chủ quán là người gốc Sài Gòn di cư sang Úc sau 1975. Sau bữa ăn tối rất ngon miệng với các món lẩu, bò nướng vỉ, cơm tay cầm... Peter gợi ý tôi nên thưởng thức loại bia địa phương rất nổi tiếng mang thương hiệu
Một góc khuôn viên Trường đại học Adelaide |
Cooper. Tại sao không? Nhưng ngay từ lần nhấp môi đầu tiên, tôi cảm nhận ngay vị chua là lạ. Chưa kịp uống ngụm thứ hai... tôi nhìn thấy ngay trên nhãn chai dòng chữ "Best Before 5 May 2005". Thì ra, tôi đã lỡ nếm chai bia đã bị quá hạn đến 10 tháng...
Ngày thứ 5, 6: Chuyện kể của các chuyên gia săn học bổng
Lê Việt Thủy, Nguyễn Thị Ngọc Hương và Nguyễn Văn Huy là những gương mặt cộm cán của Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Flinders. Họ đều là những người chiến thắng trong các kỳ thi tuyển cam go để giành học bổng AusAID của Chính phủ Úc dành cho các sinh viên quốc tế. Thủy sắp kết thúc cuộc đua nước rút giành tấm bằng tiến sĩ ngành Kinh tế học sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ ngành Quản lý giáo dục vào năm 2003. Anh từng là cựu chủ tịch của VISA2000 Group vào năm 2004 đồng thời là chuyên gia tư vấn cho các thế hệ sinh viên đàn em về "nhà trọ giá rẻ". Thủy cho biết nhóm VISA2000 từng giúp rất nhiều du học sinh mới từ Việt Nam sang tìm kiếm nhà thuê và hướng dẫn họ kinh nghiệm "sống sót" trước những áp lực về môi trường sống và học tập mới mẻ.
Bà Elaine Kaine phụ trách chương trình học bổng của Chính phủ Úc dành cho sinh viên quốc tế AusAID tại Trường Flinders cho biết, hiện nay sinh viên Việt Nam đứng hàng thứ hai sau sinh viên Indonesia về số lượng học bổng AusAID giành được hằng năm. Trước đây, AusAID trao cho sinh viên Việt Nam 2 loại học bổng: undergraduate và graduate (đại học và sau đại học). Tuy nhiên, sau một số ít trường hợp sinh viên Việt Nam tìm cách ở lại Úc khi hoàn thành chương trình học, Chính phủ Úc đi đến quyết định cắt giảm AusAID dành cho các đối tượng undergraduate. Gần đây, số lượng sinh viên đi theo diện chương trình 322 sang Úc ngày càng nhiều. Tôi đã gặp và trao đổi với một số bạn thuộc nhóm này tại Trường đại học Adelaide. Anh Huỳnh Lâm, từng công tác tại Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam đang làm nghiên cứu sinh ngành Nông nghiệp. Anh Lâm về nước công tác 2 năm lấy bằng thạc sĩ năm 2004. Sau đó, anh tiếp tục nhận học bổng tiến sĩ tại Đại học Adelaide. Anh cho rằng chỉ có tại quê hương anh mới có đủ điều kiện để phát huy hết các sở trường của mình trong mọi quan hệ và công việc.
Trường hợp của chị Vũ Thành Mỹ Anh cũng tương tự, Mỹ Anh đang học bằng PhD ngành Nha khoa. Mỹ Anh đang xây dựng mạng lưới các đối tác với hy vọng trong tương lai sẽ về Hà Nội mở trung tâm dịch vụ nha khoa, dĩ nhiên là sau khi đóng góp một khoản thời gian nhất định cho chương trình nha học đường của thành phố Hà Nội.
Lê Hợi - nghiên cứu sinh ngành Kinh tế học - tuyên bố anh sẽ quay lại bục giảng của Trường đại học kinh tế quốc dân Hà Nội. Hợi cho hay dù anh rất bận làm luận án nhưng vẫn luôn theo dõi từng diễn biến của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là cuộc vận động cho Việt Nam vào WTO. Hợi cho biết anh đang thu thập tài liệu để viết bài cộng tác với các báo trong nước nhằm cổ vũ việc cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản.
Đến những trung tâm dạy nghề Ngày cuối cùng, tôi được đến thăm các khu dạy nghề ở Adelaide. Có một điều dễ nhận thấy, số học viên Việt Nam theo học các trường nghề ở các nước chưa nhiều. Bởi lâu nay, các bậc phụ huynh quen với nếp nghĩ đã đi du học thì phải ít nhất "rinh" về tấm bằng cử nhân, chứ nếu "dắt lưng" cái bằng học nghề thì... chẳng có gì để tự hào. Tuy nhiên, có lẽ trong thời gian sắp tới tình hình sẽ đổi khác. Việc ra nước ngoài học các nghề bartender, tạo mẫu tóc, thiết kế thời trang... ngày càng phổ biến. Điều đó phù hợp với nhu cầu cần những người có tay nghề cao trong những lĩnh vực này ở nước ta. Trường đào tạo nghề TAFE SA ở Adelaide năm nay tuyển 6 sinh viên từ Việt Nam sang học nghề. Nhưng trước hết, cả 6 sinh viên này đều phải trải qua kỳ thi tiếng Anh chứng chỉ ELICOS trước khi được nhận vào các khóa học nghề với chi phí từ 15 đến 18 ngàn đô la Úc. Thông thường, một sinh viên với trình độ tiếng Anh thấp phải bổ túc vốn tiếng Anh trong 20 tuần với chi phí trung bình khoảng 5.500 đô. Cũng có những học viên Việt Nam sang Úc học nghề nhưng không với mục đích sau này về Việt Nam kiếm việc với mức lương cao. Học viên Trần Thị Tuyết Minh sang Adelaide học nghề y tá bởi chị biết rằng nếu có bằng nghề này, chị có thể dễ dàng xin định cư ở Úc. Quyết định của Minh xuất phát từ thực tế trong thời gian gần đây, chính quyền Úc một mặt thắt chặt các biện pháp quản lý người nhập cư, tuy nhiên, vẫn khuyến khích cho các công dân nước ngoài nhập tịch nếu họ có kinh nghiệm làm một số ngành nghề đang khan hiếm nhân lực ở nước này như y tá, giữ trẻ, làm tóc... Chặng cuối của hành trình. Tôi đến thăm Trường đào tạo quản lý khách sạn quốc tế International College Hotel Management. Từ trước đến nay, có không nhiều du học sinh Việt Nam chọn đi đến Úc để học các khóa đào tạo trong ngành khách sạn bởi quốc gia mà họ nghĩ đến đầu tiên là Thụy Sĩ. Đó chính là lý do để các trường chuyên về lĩnh vực này ở Adelaide quyết định mở rộng chiến dịch quảng bá tên tuổi trong thời gian tới. Về đến khách sạn lúc trời đã sập tối. Lainie - người mà tôi luôn gọi đùa là "cô bảo mẫu tận tụy" cố tình đi lòng vòng xa bãi giữ xe hòng tranh thủ tản bộ lần cuối với tôi. Trước lúc chia tay, Lainie trao tôi một cuốn sổ màu xanh và nói: "Đây là món quà nhỏ của chị tặng em. Chị để ý em đã ghi chép kín hết trang cuối cùng trong cuốn sổ cũ của em rồi". Lainie ôm lấy tôi, "gia đình chị sẽ qua Việt Nam chơi một ngày nào đó". Khi tôi chấm dứt những dòng này, Nhà hát Opera của Sydney đã hiện lên qua khung cửa sổ máy bay. Một tuần di chuyển liên tục nhưng rất thú vị vừa khép lại. Trong tôi tràn ngập hy vọng về Sydney - điểm đến với những con người và những điều bất ngờ mới. |
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Source: (Theo Thanh Niên)
Please sign in to perform this function