Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 5,072
Sự hỗ trợ, động viên kịp thời của tổ chức Công đoàn TP HCM đã góp phần bảo đảm phúc lợi, an sinh cho công nhân - lao động thời gian qua.
Tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chỉ tính trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, TP HCM có đến 1.163 doanh nghiệp (DN) giải thể, thu hẹp sản xuất với 30.245 lao động bị mất việc, ngừng việc, làm việc luân phiên...
Bà Trần Thị Diệu Thúy tặng “Túi an sinh Công đoàn” cho đoàn viên khó khăn thuộc Tổng Công ty Bến Thành
Công nhân khó, có Công đoàn
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, cho biết đợt dịch lần thứ 4 đã tác động rất lớn đến đời sống của hàng trăm ngàn người lao động (NLĐ). Là tổ chức đại diện cho hơn 1,4 triệu đoàn viên, LĐLĐ TP HCM đã sớm có các chủ trương, chính sách hỗ trợ đoàn viên, NLĐ; đồng thời thể hiện vai trò của tổ chức Công đoàn trong tham gia phòng chống dịch Covid-19. Tiêu biểu phải kể đến việc hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên là F0, F1 (theo Quyết định 2606 của Tổng LĐLĐ Việt Nam) nhằm giúp họ an tâm vượt qua giai đoạn khó khăn. Tính đến nay, từ nguồn kinh phí Công đoàn, các cấp Công đoàn đã tiếp sức trên 67.000 trường hợp với số tiền hơn 117 tỉ đồng.
LĐLĐ TP HCM cùng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của thành phố đã chủ động đề xuất, kiến nghị với Thành ủy TP HCM, Tổng LĐLĐ Việt Nam những chính sách hỗ trợ, chăm lo kịp thời cho NLĐ, nhất là các vấn đề an sinh xã hội. Theo đó, qua 2 đợt thực hiện, các cấp Công đoàn thành phố đã trao tặng 350.000 túi an sinh với tổng giá trị 62,5 tỉ đồng cho NLĐ gặp khó khăn. Là một trong số hàng trăm ngàn NLĐ được Công đoàn tiếp sức, chị Trần Bé Thùy, công nhân Công ty TNHH Việt Giai Thành (quận 8), luôn ghi nhớ. Chị Thùy cho biết do nơi ở trọ nằm trong khu vực dịch bùng phát mạnh nên hai vợ chồng đều thành F0, phải điều trị thời gian dài. May mắn vượt qua bệnh tật nhưng gia đình lại lâm vào bế tắc do công ty ngừng hoạt động mấy tháng trời. "Ngay khi biết hoàn cảnh gia đình tôi, LĐLĐ quận 8 đã chi hỗ trợ 4 triệu đồng (dành cho F0) cùng các nhu yếu phẩm. Nhờ vậy, tôi đã cầm cự được qua giai đoạn khó khăn" - chị Thùy xúc động.
Ngoài sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí, các cấp Công đoàn còn phối hợp với các đoàn thể, DN thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ NLĐ và tiếp ứng lực lượng phòng chống dịch. Đơn cử như chương trình "Túi thuốc cho F0", "Suất cơm nghĩa tình", mô hình đi chợ hộ cho đoàn viên, đường dây nóng "An sinh Công đoàn"… Tổ chức Công đoàn thành phố cũng tích cực đồng hành với DN thông qua việc hỗ trợ bữa ăn cho NLĐ tại các DN làm việc "3 tại chỗ". Với mức chăm lo 1 triệu đồng/người, thời gian qua, LĐLĐ TP HCM đã hỗ trợ hơn 31.000 trường hợp, góp phần bổ sung dinh dưỡng cho NLĐ và giảm áp lực cho DN.
"Trong điều kiện hoạt động hạn chế, LĐLĐ thành phố đã đổi mới mạnh mẽ để phát huy vai trò của Công đoàn. Trong đó, đẩy mạnh hoạt động tại Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và chuyển kinh phí hỗ trợ hoạt động cho cơ sở, tập trung tuyên truyền quán triệt trong hệ thống. Từ đó, đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả" - ông Trần Đoàn Trung nói.
Còn đó những trăn trở
Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đời sống của NLĐ sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Làm thế nào để bảo đảm việc làm cho NLĐ, qua đó giúp họ ổn định cuộc sống để tiếp tục gắn bó, cống hiến cho thành phố, đồng thời góp phần chống đứt gãy thị trường lao động là những trăn trở của đội ngũ cán bộ Công đoàn thành phố. Góp phần giải quyết bài toán khó ấy, thời gian qua, các cấp Công đoàn đã nỗ lực cùng với DN vận động NLĐ trở lại nhà máy, xây dựng và triển khai các giải pháp phòng chống dịch tại chỗ, đồng thời phát động nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất nhằm giúp NLĐ tăng thu nhập và DN sớm phục hồi. Các cấp Công đoàn cũng nỗ lực giới thiệu việc làm cho NLĐ bằng cách đăng tải thông tin tuyển dụng của những DN uy tín trên địa bàn lên fanpage của Công đoàn hay tổ chức các ngày hội việc làm, qua đó kết nối các DN có nhu cầu tuyển dụng với NLĐ bị mất việc.
Công ty CP APT - KCN Tân Tạo (quận Bình Tân, TP HCM) chăm lo bữa ăn cho công nhân "3 tại chỗ" trong dịch Covid-19 Ảnh: Hồng Đào
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết hệ thống Công đoàn thành phố đang dồn lực lo Tết Nhâm Dần cho NLĐ, nhất là nhóm lao động bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19. Với phương châm "Không để một đoàn viên - lao động nào không có Tết", LĐLĐ thành phố đã sớm chỉ đạo các Công đoàn cấp trên và cơ sở bám sát tình hình, đặc biệt là Công đoàn cơ sở phải chủ động thương lượng với DN lo Tết cho NLĐ trong khả năng. Với những đơn vị không có khả năng chăm lo Tết, LĐLĐ thành phố và Công đoàn cấp trên sẽ hỗ trợ.
Bên cạnh đó, LĐLĐ thành phố tiếp duy trì thực hiện các chương trình có sức lan tỏa và mang dấu ấn của tổ chức Công đoàn thành phố như chương trình "Tấm vé nghĩa tình" dự kiến sẽ trao tặng 35.000 vé tàu, xe, máy bay cho đoàn viên về quê đón Tết; chương trình "Tết sum vầy" họp mặt và chăm lo cho khoảng 10.000 gia đình khó khăn… Để chủ động trong tình huống dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp trở lại, hầu hết các chương trình chăm lo Tết năm nay sẽ được LĐLĐ thành phố và Công đoàn cấp trên tổ chức tại cơ sở với sự đầu tư về chất lượng để chăm lo tốt hơn cho đoàn viên và gia đình họ.
"Nhằm tăng thêm phúc lợi cho NLĐ, LĐLĐ TP HCM sẽ phối hợp với các đơn vị thương mại điện tử tổ chức chương trình "Phiên chợ online", tặng phiếu mua hàng với giá ưu đãi cho đoàn viên, giúp họ có thêm niềm vui khi sắm Tết cho gia đình. Mặt khác, LĐLĐ thành phố cũng tổ chức chương trình "Đoàn viên vui Tết cùng thành phố", qua đó tặng khoảng 10.000 vé tham quan tại các địa điểm vui chơi dịp Tết cho các gia đình công nhân ở lại thành phố" - ông Tâm thông tin.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM: Luôn đổi mới vì đoàn viên
Sự thay đổi tư duy trong việc chăm lo cũng như phương pháp hoạt động 2 năm qua đã cho thấy tổ chức Công đoàn TP HCM luôn sẵn sàng thay đổi để phù hợp với tình hình và không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó là chỗ dựa vững chắc cho NLĐ.
Tết Nguyên đán sắp đến, việc ưu tiên hàng đầu là chăm lo Tết cho NLĐ với trọng tâm hướng về cơ sở, hầu hết các hoạt động chăm lo sẽ được tổ chức trực tiếp tại cơ sở để NLĐ được thụ hưởng nhiều hơn từ các hoạt động của tổ chức Công đoàn. Đây cũng là định hướng cho Công đoàn trong thời gian tới nhằm tạo uy tín, sức bật cho cơ sở.
Source: Báo Người lao động
Please sign in to perform this function